Phú Thọ: Khơi dậy khát vọng và quyết tâm thoát nghèo từ tín dụng chính sách

Thứ tư, 02/03/2022 16:37
(ĐCSVN) - Mùa xuân 2022 đến với Phú Thọ - mảnh đất thiêng nguồn cội của đất nước - với niềm vui mới, gấp bội về thành tựu triển khai chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Nhờ thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách, tập trung các nguồn lực, trong đó ưu tiên nguồn vốn tín dụng ưu đãi đầu tư đúng đối tượng, trúng mục tiêu nên chỉ sau 10 năm, Phú Thọ đã cơ bản thoát khỏi tỉnh nghèo, vươn lên đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc về trình độ phát triển. Cùng đó, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh (NHCSXH) đạt danh hiệu thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm liên tục.

Điểm giao dịch xã Thạnh Kiệt của NHCSXH huyện Tân Sơn ngày đầu Xuân sau kỳ nghỉ Tết 2022 

Giám đốc NHCSXH Phú Thọ, ông Trương Việt Phương cho biết: Suốt chặng đường 20 năm xây dựng và phát triển, toàn đơn vị đã tận tâm, đồng tâm tham gia thực hiện trực tiếp công cuộc giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương, thông qua những việc làm cụ thể như lập kế hoạch xử lý phù hợp, tích cực huy động mọi nguồn vốn, tăng tốc chuyển tải an toàn về tận làng bản khó khăn, đến từng hộ dân nghèo.

Lợi ích rõ rệt được thể hiện qua tổng nguồn vốn tín dụng chính sách ở Phú Thọ vào đầu xuân năm nay đạt 4.795 tỷ đồng, tăng trưởng 8,13% so với năm 2020 (tăng cao nhất trong 10 năm trở lại đây). Nguồn vốn lớn đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng vốn phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống của hơn 30 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Lợi ích từ công tác kế hoạch nguồn vốn cũng đã khẳng định lãnh đạo các cấp ngành ở địa phương quán triệt đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư TW Đảng về tín dụng chính sách xã hội, quan tâm chỉ đạo việc giao các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước về một đầu mối quản lý thống nhất; ủy thác cho NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay giúp đồng bào các dân tộc khó khăn có thêm điều kiện đầu tư sản xuất kinh doanh. Tính đến mùa xuân này, vốn ngân sách từ UBND tỉnh và 13 UBND huyện, thị xã, thành phố trực thuộc chuyển sang NHCSXH Phú Thọ hơn 76 tỷ đồng, hoàn thành 133% kế hoạch.

Đồi chè xã Thu Cúc huyện Tân Sơn, Phú Thọ xanh tốt nhờ vốn chính sách đầu tư 

Gần 5.000 tỷ đồng vốn chính sách được trung ương cấp, từ địa phương chuyển sang được những cán bộ NHCSXH Phú Thọ bền bỉ hối hả chuyển tải an toàn về khắp tỉnh, bất kể bản làng xa xôi hẻo lánh, bất chấp trở ngại do thiên tai, dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Điểm nổi bật về những cán bộ điều hành, tác nghiệp của NHCSXH Phú Thọ trong trang phục áo hồng cánh sen, là luôn yêu đời, yêu nghề, được đào tạo quy củ về chuyên môn, có năng lực giỏi một việc, biết nhiều việc, được đồng bào dân tộc xem như người con của bản làng, người bạn tri kỷ trong cuộc hành trình xóa nghèo nàn, lạc hậu, xây cuộc sống bình yên, tươi vui. Chính các chàng trai, cô gái miền đất thiêng nguồn cội này từng lặn lội, bám sát bản làng, phối hợp chặt trẽ với chính quyền đoàn thể  cở sở, lập nên mạng lưới 3.796 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) cùng hệ thống 225 Điểm giao dịch xã, trải khắp toàn tỉnh xuống tận các xã, thôn, đã tạo điều kiện giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng tới vốn ưu đãi của Nhà nước, mặt khác còn giúp mối liên kết 4 nhà là: “ngân hàng - chính quyền - đoàn thể - Tổ TK&VV”, ngày càng gắn kết, chung tay khơi thông dòng chảy vốn chính sách đến mọi nơi, trong mọi lúc. Song song là việc phối hợp giữa NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác thêm chặt chẽ, nhịp nhàng, góp phần làm tốt công tác bình xét công khai, công bằng cho người nghèo vay vốn và tiến hành thu nợ, thu lại đầy đủ, đúng kỳ hạn, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng. Sự đổi mới về tổ chức, phương thức hoạt động tín dụng này đã tạo thuận lợi để NHCSXH Phú Thọ triển khai kịp thời các nghị quyết, chỉ thị mới của Nhà nước, của ngành, của địa phương về chính sách cho vay khắc phục, khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Điểm giao dịch xã của NHCSXH huyện Thanh Ba, Phú Thọ 

Nhiều mùa xuân qua, từ miền xuôi đến miền ngược ở Phú Thọ, người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện đều được vay vốn ưu đãi dễ dàng, nhanh chóng. Gia đình chị Hoàng Thị Nhàn, người dân tộc Mường ở xóm Bậu, xã Thu Cúc, huyện Tân Sơn từng là hộ nghèo của xã. Năm 2019, gia đình anh chị đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ NHCSXH để nuôi chim bồ câu thịt, chim bồ câu giống, đến nay đã xây dựng trang trại với gần 1 nghìn con bồ câu, mỗi tháng cho thu về lợi nhuận cả chục triệu đồng. Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình chị Nhàn thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, vươn lên trở thành hộ có thu nhập khá của xã.

Hay như hộ ông Hà Văn Nhất ở thôn Chiềng 2 xã Kim Thượng, Tân Sơn đã sử dụng vốn vay của Chương trình tín dụng hộ nghèo gây dựng hẳn một cơ ngơi bao gồm đàn trâu 8 con, rừng keo 4 ha phủ kín quả đồi, vườn hồng 200 cây sai trĩu quả, thu nhập hàng năm hơn 200 triệu đồng.

Được biết, nhờ chính sách giảm nghèo nhất là sự đầu tư hiệu quả của 470 tỷ đồng từ NHCSXH, Tân Sơn vốn là huyện duy nhất của tỉnh Phú Thọ được thụ hưởng chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo nghị quyết 30a của Chính phủ đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo, về đích trước 2 năm.

Huyện Cẩm Khê cũng là điểm sáng trong việc triển khai các chính sách, dự án gắn với chương trình tín dụng ưu đãi trong công tác giảm nghèo. Theo báo cáo, từ nhiều mùa xuân qua, tổng nguồn vốn ưu đãi đã đầu tư hơn 556 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, người nghèo và các đối tượng chính sách được khơi dậy khát vọng và quyết tâm thoát nghèo. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Ngọc Đức, hộ nghèo ở thị trấn huyện, được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng chính sách xã hội, đầu tư mua xe công nông và máy bừa về làm thuê. Nhờ đó, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn, anh quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Anh Đức suy nghĩ, gia đình mình xin ra khỏi hộ nghèo là để tạo động lực không ngừng phấn đấu, cũng là “nhường” cho hộ khác có điều kiện tiếp cận những nguồn vốn chính sách ưu đãi như gia đình mình.

Tín dụng chính sách do chi nhánh NHCSXH Phú Thọ triển khai thực sự là điểm sáng trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh đang triển khai 16 chương trình tín dụng, tăng 1 chương trình tín dụng so với năm 2021. Trong năm 2021, Chi nhánh đã được Trung ương quan tâm bổ sung vốn và đã thực hiện điều chỉnh bổ sung kế hoạch nhiều lần, từ đó góp phần nâng tổng dư nợ các chương trình cho vay trên địa bàn tỉnh năm 2001 đạt 4.788 tỷ đồng, tăng 360 tỷ đồng.

Hiệu quả từ vốn vay của NHCSXH rõ nét với 33.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, với mức bình quân đạt 41,8 triệu đồng/hộ, tăng 5,2 triệu đồng/hộ so với năm 2020, trong đó trên địa bàn tỉnh năm qua đã giải ngân 3,87 tỷ đồng giúp người sử dụng lao động trả lương ngừng việc trả lương phục hồi sản xuất đối với 1.200 lượt người lao động bị ảnh hưởng dịch COVID-19.

Có thể thấy, nguồn vốn chính sách được coi như chìa khóa mở cửa thoát nghèo cho đồng bào các dân tộc Phú Thọ vượt khó khăn về thiên tai, dịch bệnh, tiếp cận kịp thời tới chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước, đầu tư hiệu quả vào phát triển sản xuất, nâng cao cuộc sống.

“Bước sang xuân mới, NHCSXH Phú Thọ xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiên trì, bám sát chỉ đạo của lãnh đạo của ngành và địa phương, tập trung huy động các nguồn lực, chuyển tải kịp thời, an toàn mọi nguồn vốn về đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần hạn chế tín dụng đen, đóng góp tích cực vào chương trình giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội bền vững”- Giám đốc Trương Việt Phương khẳng định./.

 

Minh Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực