Quảng Bình: Tín dụng chính sách đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

Thứ năm, 14/12/2023 15:20
(ĐCSVN) - Năm 2023, từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Quảng Bình, đã có hàng nghìn người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn được “tiếp sức”. Nguồn vốn ưu đãi này đã giúp nhiều người dân có điều kiện phát triển kinh tế, giảm nghèo và góp phần xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Nguồn vốn ưu đã luôn đồng hành cùng người dân phát triển kinh tế

Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài cho biết: Để chuyển tải kịp thời nguồn vốn tín dụng chính sách đến với người dân, đơn vị đã chỉ đạo các Phòng Giao dịch NHCSXH huyện, thị xã, thành phố tập trung ưu tiên mọi nguồn lực, phối hợp với chính quyền địa phương, tổ chức hội nhận ủy thác, Tổ tiết kiệm và vay vốn đẩy mạnh giải ngân các chương trình tín dụng nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là đôn đốc đẩy nhanh giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết số 181/NQ-CP, ngày 2/11/2023 của Chính phủ.

Trong năm 2023, đơn vị đã triển khai nhiều chương trình vay vốn ưu đãi đến người dân, trong đó có nhiều chương trình có doanh số cho vay lớn, như: Cho vay nhà ở xã hội; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm... Tính đến hết tháng 11/2023, tổng doanh số cho vay các chương trình ủy thác đạt 1.570 tỷ đồng với 26.203 lượt khách hàng vay. Các đơn vị có doanh số cho vay lớn, như: Lệ Thủy 253 tỷ đồng, Tuyên Hóa 243 tỷ đồng, Bố Trạch 226 tỷ đồng.

Để nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng hưởng thụ, hỗ trợ tối đa cho người nghèo vay vốn, NHCSXH đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp đưa nguồn vốn vay đến với người dân. Theo đó, ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền các chủ trương, chính sách về chương trình tín dụng ưu đãi đến các đối tượng vay vốn, đơn vị còn thiết lập mạng lưới giao dịch tại các xã, phường, thị trấn giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận được nguồn vốn thuận lợi.

Hiệu quả vốn tín dụng chính sách đã được chứng minh trong thực tế trên địa bàn tỉnh Quảng Bình  

Thực hiện phương thức ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị, xã hội, các Tổ TK&VV, phối hợp với NHCSXH giao dịch trực tiếp tại UBND cấp xã, đến nay, đã xây dựng được mạng lưới 151 Điểm giao dịch xã hoạt động rộng khắp các địa phương trong toàn tỉnh. Các Điểm giao dịch của NHCSXH tại các xã, phường, thị trấn là “cầu nối” để người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận nhanh nhất, đầy đủ nhất thông tin về chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, góp phần giảm nghèo ở địa phương.

Gia đình ông Đinh Chon, bản Cà Roòng 2, xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch là một trong những tấm gương điển hình trong phát triển sản xuất chăn nuôi của địa phương. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo của xã, không có công ăn việc làm ổn định nên cuộc sống rất khó khăn. Năm 2018, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, ông Đinh Chon vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Bố Trạch để chăn nuôi bò sinh sản và trồng rừng.

Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chú ý chăm sóc nên rừng keo tràm của gia đình ông sinh trưởng và phát triển tốt, đàn bò đang trong quá trình sinh sản. Hiện nay, gia đình ông Chon đang duy trì nuôi 5 con bò sinh sản và 1,5ha rừng keo tràm. Mỗi năm, gia đình ông thu về từ 40 - 60 triệu đồng từ việc bán bò và keo tràm. Nhờ có nguồn thu nhập ổn định, từ một gia đình thuộc diện hộ nghèo đến nay gia đình ông Chon đã thoát nghèo bền vững, cuộc sống dần cải thiện.

Cũng nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện Quảng Trạch đã mạnh dạn vay vốn để phát triển kinh tế. Năm 2019, gia đình chị Nguyễn Thị Hoàn, thôn Pháp Kệ, xã Quảng Phương vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện Quảng Trạch để xây dựng chuồng trại, phát triển mô hình chăn nuôi. Từ 4 con bò và 2 con lợn nái sinh sản ban đầu, đến nay gia đình chị Hoàn đã mở rộng quy mô chuồng trại chuyên cung cấp con giống cho bà con trong vùng. Mỗi năm, từ mô hình chăn nuôi, gia đình chị Hoàn thu lãi hơn 50 triệu đồng.

Theo Giám đốc NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình Trần Văn Tài, thời gian tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác và các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp để tập trung nguồn lực cho NHCSXH thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng; triển khai thực hiện có hiệu quả, chất lượng các chương trình tín dụng trên địa bàn, bảo đảm vốn được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích và hoàn trả đầy đủ khi đến hạn; tổ chức giải ngân kịp thời vốn thu hồi và vốn được bổ sung mới, phấn đấu hoàn thành 100% kế hoạch tín dụng được giao hàng năm và tập trung đôn đốc thu hồi dứt điểm nợ đến hạn, nợ quá hạn; duy trì và phát huy hiệu quả mô hình tổ chức và phương thức quản lý tín dụng chính sách.

Bên cạnh đó, NHCSXH Chi nhánh Quảng Bình tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay, chất lượng các Tổ TK&VV, Điểm giao dịch tại xã, thị trấn... nhằm đưa hoạt động NHCSXH tiếp tục có những đóng góp tích cực, hiệu quả hơn vào chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Tính đến hết tháng 11/2023, tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt 5.182 tỷ đồng với 113.123 khách hàng còn dư nợ, tăng 789 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 93% kế hoạch tăng trưởng. Nguồn vốn TDCS đã tạo sinh kế giúp nhiều hộ dân nâng cao thu nhập, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội địa phương phát triển.

 

 

Bài và ảnh: Liên Chi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực