Quảng Ninh, Quảng Bình: Duy trì giao dịch vốn tín dụng chính sách an toàn thời dịch bệnh

* Tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ NHCSXH huyện Quảng Ninh đạt 346 triệu đồng
Thứ sáu, 16/07/2021 21:23
(ĐCSVN) - Trong thời gian phòng chống dịch COVID-19, bằng các biện pháp giao dịch an toàn NHCSXH vẫn đảm bảo chuyển tải vốn kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.

Nhằm đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2021, ngày 14/7/2021, Ban Đại diện HĐQT NHCSXH huyện Quảng Ninh đã tổ chức phiên họp thường kỳ quý II năm 2021. Đồng chí Lê Ngọc Huân, Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện chủ trì Hội nghị.

leftcenterrightdel
Duy trì giao dịch đảm bảo phòng chống dịch bệnh COVID - 19 

Trong 6 tháng đầu năm 2021, đại dịch COVID -19 diễn biến phức tạp lan rộng, khó lường tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước nói chung và tỉnh Quảng Bình nói riêng. Trước bối cảnh đó, NHCSXH huyện Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện, Ngân hàng cấp trên để quán triệt, chỉ đạo, động viên toàn thể mạng lưới NHCSXH trên địa bàn cùng đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn thực hiện tốt “nhiệm vụ kép” vừa phòng chống dịch COVID -19, vừa quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao và đã đạt được kết quả khả quan, toàn diện trên các mặt hoạt động.

NHCSXH huyện Quảng Ninh đã thực hiện tốt Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tham mưu cho HĐND, UBND huyện ưu tiên bố trí nguồn từ ngân sách địa phương ủy thác cho NHCSXH số tiền 3.059 triệu đồng, (tăng 1.200 triệu đồng, đạt 141% KH giao tăng trưởng và 141% KH theo đề án xây dựng). Đơn vị cũng đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội triển khai các giải pháp, kịp thời đưa nguồn vốn tín dụng chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, góp phần thực hiện công tác giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện.

Tính đến ngày 30/6/2021, tổng dư nợ NHCSXH huyện Quảng Ninh đạt 346 triệu đồng, tăng 8,9 tỷ đồng so đầu năm, với gần 8.000 hộ gia đình còn dư nợ. Trong đó các chương trình có dư nợ tăng so với đầu năm, tập trung các chương trình: Cho vay Nhà ở xã hội tăng 6,2 tỷ đồng; giải quyết việc làm 6,5 tỷ đồng; hộ gia đình SXKD tại VKK tăng 1,5 tỷ đồng, NS&VSMTNT tăng 2,4 tỷ đồng.

Công tác củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng được NHCSXH và các tổ chức trong mạng lưới đặc biệt quan tâm chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, do đó chất lượng tín dụng được duy trì ổn định. Đến nay, tổng dư nợ quá hạn 303 triệu đồng, chiếm 0,09%/tổng dư nợ, giảm so với đầu năm là 28 triệu đồng.

Công tác huy động vốn đạt 64,142 tỷ đồng, tăng 5,387 tỷ đồng so với đầu năm, đạt 96,51% kế hoạch năm trong đó: Huy động từ các tổ chức, cá nhân đạt 43,116 triệu đồng, tăng 3,279 triệu đồng. Nhận tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ TK&VV đạt 21,026 triệu đồng, tăng 2,107 triệu đồng so với đầu năm, có 208/208 tổ TK&VV đã có dư nợ tiền gửi tiết kiệm, đạt 100% tổng số tổ tham gia.

Đơn vị cũng đã tổ chức thực hiện rà soát, sắp xếp hồ sơ và chấn chỉnh hoạt động Tổ TK&VV theo văn bản hướng dẫn của NHCSXH cấp trên, thực hiện rà soát 208/208 Tổ TK&VV, kiện toàn 157/208 Tổ TK&VV. Hiện nay chất lượng hoạt động ủy nhiệm của Tổ TK&VV bình quân đạt 94,8 điểm, có 191 tổ xếp loại tốt; 10 tổ xếp loại khá; 6 tổ xếp loại trung bình. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giao dịch xã đạt 89,85 điểm. Trong đó: Tỷ lệ tổ TK&VV tham gia GDX 100%; Tỷ lệ giải ngân tại Điểm GDX 93,34%; Tỷ lệ thu lãi tại Điểm GDX 99,61%; Tỷ lệ thu nợ gốc tại Điểm GDX: 93,55%. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp xã có 15/15 xã đạt loại tốt. Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách tại cấp huyện đạt 96,49 điểm. Trong đó: Tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn: 98,6%; Tỷ lệ thu lãi: 100,77%; Tỷ lệ nợ quá hạn: 0,09%.

leftcenterrightdel
Vốn ưu đãi từ NHCSXH huyện luôn được bà con phát huy hiệu quả 

Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn tồn tại một số khó khăn, rủi ro tiềm ẩn: do tình hình thời tiết, thiên tai diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của người dân, diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID -19 ảnh hưởng tiêu cực đến toàn diện đời sống xã hội, trong đó có một bộ phận lớn khách hàng vay vốn NHCSXH, chất lượng tín dụng tại một số xã chưa thật sự ổn định do nhiều hộ vay vốn bỏ đi khỏi địa phương đã chuyển nợ quá hạn nhưng chưa xác định được nơi cư trú để thu hồi vốn, lãi tồn đọng trên địa bàn một số xã còn cao chủ yếu là ở các chương trình đã hết thời gian gia hạn.

Trong thời gian tới, chính quyền các cấp, ban, ngành, đoàn thể và NHCSXH huyện Quảng Ninh sẽ tích cực tham mưu hiện tốt Chỉ thị số 40 và Kết luận số 06-KL/TW ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư trong giai đoạn mới; trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tập trung truyên truyền, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 07/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn của Tổng giám đốc NHCSXH về nghiệp vụ cho vay người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất do đại dịch.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Ngọc Huân, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện ghi nhận những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm 2021, đồng thời yêu cầu các đơn vị cần phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tăng cường công tác quản lý, giám sát vốn tín dụng, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách, có giải pháp quản lý và xử lý, thu hồi nợ kịp thời đối với trường hợp khách hàng vay vốn bỏ đi khỏi nơi cư trú.

Đẩy mạnh công tác giải ngân, huy động tiền gửi từ các tổ chức cá nhân, các quỹ có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước, nguồn vốn có tính chất từ thiện vào NHCSXH huyện, đặc biệt quan tâm hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho các hội đoàn thể, Trưởng thôn và Ban quản lý Tổ TK&VV, đưa việc sinh hoạt Tổ theo lịch cố định hàng tháng đi vào nề nếp, có chất lượng.

 

Bài và ảnh: Đan Khuê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực