(ĐCSVN) - Bảo Thắng là huyện miền núi vùng thấp của tỉnh Lào Cai. Toàn huyện có 14/15 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn. Năm 2014, NHCSXH huyện Bảo Thắng đạt tổng dư nợ trên 341 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,053%. Có được kết quả kể trên là nhờ những cố gắng, nỗ lực của cả tập thể. Trong đó, có những cán bộ tín dụng như Vũ Đức Cường trong hành trình dẫn vốn bám làng, bám bản quen từng con dốc, nóc nhà.
|
Cán bộ trẻ Vũ Đức Cường hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn (Ảnh: T.H) |
Cán bộ tín dụng Vũ Đức Cường còn khá trẻ. Anh sinh năm 1980, với 10 năm tuổi nghề, hết huyện Bắc Hà lại về huyện Bảo Thắng. Không quản ngại gian khó, ngược lại, anh mừng vì cuộc sống được trải nghiệm, hiểu được các phong tục, tập quán của người dân các vùng, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao. Động lực ấy đã thôi thúc chàng trai trẻ “mang tiền Chính phủ, cho bản làng vay đủ”, góp phần giúp người dân thoát nghèo bền vững.
Từ cuối năm 2009 đến nay, người cán bộ tín dụng Vũ Đức Cường về lại huyện Bảo Thắng. Anh được phân công phụ trách tín dụng 2 xã: Bản Phiệt và Gia Phú. Trong đó, bản Phiệt cách trung tâm huyện Bảo Thắng 42km. Xã có 11 dân tộc, sinh sống ở 12 thôn, bản. Toàn xã có 1.038 hộ, tính đến năm 2014 có gần 54,4% số hộ (579 hộ) còn dư nợ NHCSXH, với số tiền 12,63 tỷ đồng; chất lượng tín dụng tốt, nợ quá chiếm tỷ lệ 0,04%. Gia Phú là xã đông dân nhất tỉnh Lào Cai 15.650 người (3.750 hộ). Xã có 39 thôn, bản, trong đó có 11 thôn bản đặc biệt khó khăn, 12 dân tộc cùng chung sống. Nếu Bảo Thắng là huyện có dư nợ lớn nhất tỉnh Lào Cai, thì xã Gia Phú có dư nợ lớn nhất huyện trên 40 tỷ đồng, với 1.920 khách hàng. Dư nợ lớn, người vay đông, nhưng nợ quá hạn chỉ ở mức 0,08%.
Điểm qua tình hình 2 xã cho thấy, cán bộ tín dụng Vũ Đức Cường đảm trách một khối lượng công việc lớn với chất lượng cao. Qua thực tế làm việc tại địa phương, anh rút ra kinh nghiệm: Sự vào cuộc của cấp ủy và chính quyền địa phương là động lực chính (nếu không muốn nói quyết định sự thành bại) cho việc triển khai tín dụng chính sách đạt kết quả. Ở Gia Phú, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Văn Thuận 10 năm làm công tác giảm nghèo, trực tiếp phụ trách hoạt động tín dụng chính sách tại xã. Thay vì, giai đoạn đầu khi cho vay vốn thông qua Hội Nông dân, đến nay trực tiếp lãnh đạo xã đứng ra phân chia đều cho 4 tổ chức hội, đoàn thể đồng quản lý, đặc biệt đối với 11 thôn đặc biệt khó khăn. Nhờ vậy, các tổ chức hoạt động đều tay, có trách nhiệm với đồng vốn ủy thác của NHCSXH. Tính đến nay, ở Gia Phú, Hội Phụ nữ có dư nợ lớn nhất, quản lý 11,4 tỷ đồng; Đoàn Thanh niên quản lý ít nhất cũng lên tới 8,8 tỷ đồng.
Nói về Vũ Đức Cường, Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng Phan Thanh Sơn, nhận xét: Anh là một cán bộ tín dụng tận tâm với dân, trách nhiệm với công việc và tâm huyết với nghề. 6 năm gắn bó với mảnh đất này, anh quen thuộc từng con đường mòn đến 51 thôn, bản của 2 xã Gia Phú và Bản Phiệt. Thậm chí, nhắm mắt lại anh vẫn có thể mường tượng ra từng con dốc, từng nóc nhà nằm cheo leo trên sườn núi. Ngay cả những bản làng xa xôi, như Nậm Trà hay Nậm Phản, gần huyện Sa Pa hay Mường Khương, cách trung tâm xã trên dưới 20km anh vẫn không quên bất cứ lối rẽ, góc quặt nào. Theo anh, công việc cho các hộ chính sách vay vốn, không chỉ là gieo vốn đúng địa chỉ, mà hơn thế, phải sát sao với dòng chảy của nó, hỗ trợ người dân sử dụng vốn hiệu quả.
Sự sát sao của Vũ Đức Cường, đồng hành cùng chính quyền xã và cán bộ thôn, bản; sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác đã góp phần duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động của 65 Tổ tiết kiệm và vay vốn. Cụ thể, xã Bản Phiệt có 16/16 Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt; xã Gia Phú 37/49 Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt loại tốt, còn lại tổ khá, không có tổ yếu kém. Hoạt động tích cực của những “cánh tay nối dài” đã góp phần đưa đến kết quả khả quan. Cả 2 xã không có nợ bị xâm tiêu, chiếm dụng; nợ quá hạn ở mức thấp từ 0,04 - 0,08%; tỷ lệ thu lãi cho vay hàng năm đạt gần 100%.
5 năm qua, vòng quay của dòng vốn tín dụng chính sách trên địa bàn 2 xã đã được khẳng định qua những con số biết nói, khi tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh và bền vững. Năm 2011, Gia Phú có 1.746 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 48%. 3 năm sau - 2014, giảm xuống còn 418 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 11%. Xã Bản Phiệt, tỷ lệ hộ nghèo từ trên 40,5% (329 hộ) năm 2011, giảm xuống còn 12,7% (136 hộ) năm 2014. Bảo Thắng là huyện biên giới, Bản Phiệt là xã giáp biên với chiều dài trên 6,7km. Ngày nay, bên những người lính biên phòng có thêm những cán bộ tín dụng của NHCSXH như Vũ Đức Cường, góp phần giữ vững an sinh xã hội nơi phên dậu Tổ quốc.