Sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn: Công cụ hữu ích cho người nghèo

Thứ sáu, 28/10/2016 16:06
(ĐCSVN) - Vào những năm đầu 2000, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) trên cơ sở nghiên cứu và cải tiến sản phẩm huy động tiết kiệm qua Tổ trước đó của NHCSXH.

Sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ TK&VV đã được đông đảo người nghèo đón nhận và cho rằng đây là hình thức dịch vụ tiết kiệm có triển vọng, dễ tiếp cận và có hiệu quả. Sản phẩm đã tạo cho hộ nghèo ý thức và thói quen tiết kiệm, có những dự phòng rủi ro như ốm đau, hoặc để tích lũy tài sản dành cho những chi tiêu lớn hơn hoặc bất thường, góp phần giảm tình trạng vay nặng lãi hoặc tham gia hụi, họ không an toàn..

Một Tổ trưởng Tổ TK& VV hướng dẫn tổ viên giao dịch với NHCSXH tại Điểm giao dịch xã (Ảnh: HNV)

Những ưu điểm riêng có của sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ TK&VV

Tuy nhiên, phải đến năm 2007, sản phẩm này mới chính thức triển khai trên toàn hệ thống. Tính đến nay, sau 9 năm, sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ TK& VV đã được NHCSXH cải tiến một số lần để phù hợp hơn với điều kiện và hoàn cảnh của người nghèo tham gia tiết kiệm.

Cụ thể, đối với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ TK&VV, NHCSXH nhận tiền gửi của người nghèo, đối tượng chính sách là thành viên các Tổ TK&VV. Các Tổ trưởng nhận tiền gửi từ các thành viên trong tổ, sau đó hàng tháng hoặc hàng quý nộp cho cán bộ NHCSXH tại Điểm giao dịch xã vào ngày giao dịch xã theo quy định.

Mỗi tổ viên Tổ TK& VV gửi tiền tại NHCSXH được mở và sử dụng một tài khoản tiền gửi không kỳ hạn để thực hiện gửi tiền mặt thông qua Ban quản lý Tổ TK& VV theo Hợp đồng uỷ nhiệm giữa NHCSXH với Ban quản lý Tổ hoặc trực tiếp gửi tiền mặt tại Điểm giao dịch xã hoặc Trụ sở NHCSXH nơi mở tài khoản tiền gửi hoặc chuyển tiền đến để gửi vào tài khoản tiền gửi.

Tổ viên Tổ TK& VV trực tiếp rút tiền mặt tại Điểm giao dịch xã hoặc tại Trụ sở NHCSXH nơi mở tài khoản tiền gửi hoặc đề nghị chuyển khoản thông qua Ban quản lý Tổ TK&VV hoặc trực tiếp chuyển khoản tại Điểm giao dịch xã hoặc tại Trụ sở NHCSXH nơi mở tài khoản tiền gửi để trả nợ, trả lãi tiền vay của mình cho NHCSXH. Sau khi không còn nợ NHCSXH, tổ viên có thể rút tiền theo nhu cầu.

Tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV được trả lãi theo lãi suất tiền gửi không kỳ hạn tại NHCSXH nơi nhận tiền gửi. Lãi tiền gửi được tính và trả theo định kỳ hàng tháng.

Ưu điểm của sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV là chi phí giao dịch thấp, NHCSXH không tính phí bất kỳ khoản phí dịch vụ hoặc yêu cầu bất kỳ số dư tối thiểu nào đối với người gửi. Hơn nữa, dịch vụ (tiền gửi và rút tiền) được thực hiện ngay gần nơi ở của khách hàng do đó hầu như khách hàng không phải tốn chi phí đi lại, nhất là đối với những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, bằng cách ủy nhiệm nhận tiền gửi cho các Tổ TK& VV, NHCSXH không cần nhiều nhân viên và cơ sở vật chất ở cấp địa phương. Vì vậy, dù có lượng khách hàng lên đến trên 7 triệu người, NHCSXH chỉ có hơn 9000 cán bộ trên toàn quốc, là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nhân viên trên khách hàng thấp nhất trong lĩnh vực tín dụng vi mô.

Ngoài ra, trong số các ngân hàng tại Việt Nam, có thể nói rằng NHCSXH đã có mạng lưới rộng nhất và khả năng tiếp cận cao nhất đến các đối tượng khách hàng mục tiêu. Hiện tại, NHCSXH có 63 chi nhánh cấp tỉnh và 629 phòng giao dịch cấp huyện, 10.917 điểm giao dịch xã và 192 nghìn Tổ TK&VV hoạt động tại các thôn, bản. Điều này có nghĩa là NHCSXH có cánh tay nối dài đến tận làng, bản, thậm chí đến tận cửa nhà khách hàng thông qua các Tổ trưởng Tổ TK& VV. Các khách hàng tiết kiệm của NHCSXH chỉ phải mất vài bước chân từ nhà để sử dụng các dịch vụ của ngân hàng bằng cách gặp gỡ với Tổ trưởng, người trong cùng một làng và được ngân hàng ủy nhiệm. Bằng cách này, NHCSXH là tổ chức tín dụng gần nhất với bất kỳ khách hàng nào muốn sử dụng dịch vụ Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK& VV.

Một điểm nữa là người gửi tiền của NHCSXH không cần phải đi đến các chi nhánh ngân hàng để gửi tiền trong giờ làm việc như tại các ngân hàng thương mại khác, họ có thể đến gửi tiền cho Tổ trưởng của họ bất cứ lúc nào thuận tiện cho họ, có thể là buổi tối hoặc trong giờ nghỉ trưa. Ngoài ra, hoạt động này cũng không mất nhiều thời gian do Tổ trưởng ở cùng làng, cách một quãng đường ngắn, có thể đi bộ được.

Không những thế, NHCSXH quy định rằng khách hàng có thể tiết kiệm thậm chí từ 1.000 đồng, một số tiền rất nhỏ, vì vậy, ngay cả những người nghèo nhất cũng có thể tiết kiệm với NHCSXH.

Đặc biệt, là ngân hàng chính sách duy nhất cung cấp các chương trình cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách đến tận vùng sâu, vùng xa trong gần 14 năm qua, NHCSXH đã đạt được danh tiếng và uy tín sâu rộng trong cộng đồng người nghèo. Bên cạnh đó, thỏa thuận ủy thác của NHCSXH với các tổ chức chính trị xã hội cũng làm cho ngân hàng trở nên gần gũi hơn với cộng đồng. Hầu hết người dân ở khu vực nông thôn là thành viên của một trong bốn tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và Hội nông dân.

NHCSXH đã thành công trong việc xây dựng hình ảnh là ngân hàng của Chính phủ cung cấp các dịch vụ tài chính ưu đãi cho người nghèo và hoạt động không vì lợi nhuận từ khách hàng. Một ngân hàng tồn tại và phát triển vì lợi ích dài hạn của cộng đồng. Lợi ích của ngân hàng dựa trên cơ sở lợi ích cộng đồng phát triển bền vững.

Điểm cộng nữa là quy trình huy động Sản phẩm tiền gửi cho tổ viên Tổ TK&VV qua Tổ trưởng Tổ TK& VV khá minh bạch khi các Tổ trưởng nhận tiền và ghi chép tại cuốn sổ của mình và trả biên lai xác nhận cho khách hàng. NHCSXH sau khi nhận tiền gửi từ các Tổ trưởng lại xác nhận 1 lần nữa bằng cách thông báo số dư tiết kiệm công khai tại các điểm giao dịch. Ngoài ra, NHCSXH cũng thông báo mức lãi suất hiện tại, thay đổi trong quy định, số dư tài khoản tiết kiệm và cách thức số tiền tiết kiệm được sử dụng (rút, gửi, trả lãi vay v.v.) Người gửi tiền có thể đến Điểm giao dịch xã và kiểm tra thông tin để tránh gian lận của các Tổ trưởng (nếu có).

Hiệu quả sau 9 năm triển khai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ TK&VV



Cán bộ NHCSXH xuống tận dân (Ảnh: Ngọc Đông)

Qua 9 năm triển khai sản phẩm tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ TK&VV, cán bộ NHCSXH, Hội đoàn thể, Ban quản lý Tổ TK&VV và người vay đã nhận thức đầy đủ về ý nghĩa, tác dụng của việc thực hành tiết kiệm. Hàng ngày, tổ viên tạo thói quen tiết kiệm thường xuyên để có tiền gửi hàng tháng, nhằm tích lũy sử dụng trong tương lai trong đó có việc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho NHCSXH và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo. Việc NHCSXH tổ chức nhận tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV là một dịch vụ của NHCSXH phục vụ cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Việc làm này của NHCSXH đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức Hội, Ban quản lý Tổ TK& VV và người vay nên đã đạt được kết quả đáng kể. Tính đến 30/9/2016, tổng số các tổ viên Tổ TK& VV tham gia gửi tiền tại NHCSXH đạt trên 6,3 triệu người với số dư tiết kiệm đạt gần 5.000 tỷ đồng.

Sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV tuy vậy chỉ giới hạn trong đối tượng là thành viên các Tổ TK&VV, những người nghèo ở địa phương không tham gia vay vốn từ NHCSXH chưa thể gửi tiền tại các Điểm giao dịch xã của ngân hàng.

Nhiều người nghèo không còn nhu cầu vay vốn nhưng vẫn có nhu cầu về tiết kiệm trong trường hợp khẩn cấp hoặc cho nhu cầu trong tương lai trong khi sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK& VV mới chỉ dành cho các thành viên tổ TK&VV, những người nghèo hoặc người dân muốn gửi tiết kiệm thay vì được tận dụng hệ thống Điểm giao dịch xã của NHCSXH thì vẫn phải đến Phòng giao dịch NHCSXH mới có thể nhận được dịch vụ của ngân hàng.

Để khắc phục hạn chế này, bên cạnh sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV, NHCSXH đã ban hành hướng dẫn về quy trình huy động tiền gửi tiết kiệm tại Điểm giao dịch xã. Theo đó mọi cá nhân Việt Nam, đủ năng lực hành vi dân sự đều có thể gửi tiền tiết kiệm bằng đồng Việt Nam tại Điểm giao dịch xã của NHCSXH. Lãi suất tiền gửi tiết kiệm được áp dụng theo lãi suất của các sản phẩm cùng loại, cùng kỳ hạn của NHCSXH nơi giao dịch tiền gửi tiết kiệm. Mức tiền gửi tối thiểu là 500.000 đồng (thấp hơn nhiều so với mức tối thiểu của các ngân hàng thương mại khác quy định thường là từ 1.000.000 đồng trở lên) và khách hàng có thể rút trước hạn theo quy định.

Vậy là, sản phẩm tiền gửi của tổ viên Tổ TK&VV đã được người nghèo và các đối tượng chính sách đón nhận và trở thành sản phẩm quen thuộc với các hộ vay vốn NHCSXH. Sản phẩm đã giúp người nghèo và các đối tượng chính sách biết dành dụm trong chi tiêu, tạo thói quen tiết kiệm, tạo lập nguồn vốn tích lũy sử dụng trong tương lai, trong đó có việc đảm bảo nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi tiền vay cho NHCSXH.Sản phẩm đáp ứng tại điểm giao dịch xã nên chi phí đi lại thấp; huy động được số tiền nhỏ; đặc biệt các tổ viên thúc đẩy và kiểm soát lẫn nhau thực hành tiết kiệm. Đối với sản phẩm tài chính ngân hàng đáp ứng cho đối tượng là người nghèo và các đối tượng chính sách khác thì sản phẩm hiện tại và tương lai là sản phẩm phù hợp nhất, ưu việt nhất tại Việt Nam.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực