Với tổng diện tích tự nhiên ngang bằng cả tỉnh Nam Định, cùng địa giới hành chính giáp với nhiều huyện của 3 tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Yên Bái, Tân Sơn đã và đang ngày càng “thay da đổi thịt” nhất là trong những năm gần đây.
|
Cán bộ tín dụng chính sách huyện Tân Sơn thăm hộ gia đình vay vốn |
Lên Tân Sơn lần này làm tôi nhớ đến con đường mà hơn 10 năm trước vốn trống vắng, gập ghềnh bùn đất. Cùng với đó là tất thẩy 17 xã, thị trấn trong huyện đều thuộc vùng 3 - vùng đặc biệt khó khăn và hơn 30 nghìn hộ dân Tày Nùng, Mường Mán, Kinh Dao chỉ trông vào việc phát rừng làm nương rẫy, bởi ruộng nước ít, vốn liếng lại thiếu thốn trầm trọng, trình độ sản xuất lạc hậu. Vì vậy, ngay khi thành lập, Tân Sơn đã được xem là huyện “đệ nhất nghèo” của tỉnh và là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, được hưởng chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a của Chính phủ.
Nhận thức được thực trạng của huyện, Tân Sơn đã xây dựng Đề án “phát triển kinh tế xã hội giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009-2020”. Triển khai thực hiện đề án có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị với công tác tập trung, huy động mọi nguồn lực, đặc biệt là việc lồng ghép một cách hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách với các chương trình, dự án khác, góp phần giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Với quyết tâm chiến thắng đói nghèo cùng những giải pháp phù hợp khai thác triệt để và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, trong đó nguồn vốn tín dụng chính sách làm chủ lực, sau hơn 10 năm triển khai chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Tân Sơn đã thu được kết quả quan trọng.
Từ đây, vùng sơn cước này được tạo nên “sức bật mới”, đường giao thông nông thôn được cứng hóa, trải nhựa phẳng phiu thay cho những con đường “lộ hành lan” gập ghềnh, ngập bùn đất; mùa màng xanh tươi ngút ngát tầm mắt từ thôn bản xa xôi tới tận chân nhà sàn của người dân. Tất cả các xã đã thoát khỏi danh sách vùng đặc biệt khó khăn. Xã Minh Đài và 5 xã gần thị trấn Tân Phú đạt chuẩn nông thôn mới; tháng 3/2018, huyện Tân Sơn đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận thoát nghèo, hoàn thành mục tiêu trước 2 năm.
Khi đưa ra câu hỏi vì sao miền sơn cước Tân Sơn thoát nghèo nhanh và bền vững, Bí thư huyện ủy Phạm Thanh Tùng phấn chấn cho biết: Toàn huyện cũng như nhiều hộ gia đình đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa thoát cảnh nghèo nàn, túng thiếu và vươn lên làm giàu, trong đó có không ít hộ đồng bào DTTS trở thành triệu phú nhờ thâm canh đồng ruộng, quản lý tốt rừng nguyên liệu, phát triển mạnh chăn nuôi trâu bò. Động lực làm cho diện mạo nông thôn miền núi có nhiều thay đổi tích cực và cuộc sống của đồng bào DTTS thêm tươi vui, no đủ thì có nhiều nhưng một động lực đáng kể nhất, được cán bộ, nhân dân tin yêu nhiều, đó là 465 tỷ đồng vốn của NHCSXH đã đầu tư kịp thời, hỗ trợ thiết thực các hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình đồng bào DTTS khó khăn phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống.
Được biết, suốt thời gian qua, kể cả 6 tháng đầu năm 2021, cho dù đại dịch COVID-19 bùng phát lại, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình kinh tế xã hội, nhất là việc sản xuất, tiêu thụ hàng hóa và đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Tân Sơn, nhưng những cán bộ tín dụng chính sách đã không quản ngại gian nan thử thách, kiên trì bám bản, làng, chuyển tải đồng vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo điều kiện thuận lợi để người nghèo và đồng bào DTTS chủ động trồng rừng phủ xanh đất trống đồi trọc, thâm canh ngô lúa giống mới, vỗ béo đàn gia súc, gia cầm…
|
Phiên giao dịch định kỳ tại xã trên địa bàn huyện |
Theo hướng dẫn của Giám đốc NHCSXH Tân Sơn Tăng Tiến Sỹ, chúng tôi đến Kim Thượng vốn là xã đặc biệt khó khăn cách thị trấn huyện hơn 30km đường rừng. Làng quê này có đến 91% hộ đồng bào DTTS sinh sống và khoảng 10 năm trước còn 5/7 thôn chưa có điện thắp sáng, không có đường cho ô tô vào, vậy mà được NHCSXH huyện chuyển vốn về tận Điểm giao dịch đặt tại trụ sở UBND xã suốt 19 năm ròng rã cho người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn để trồng trọt, chăn nuôi, đầu tư cho con em ra thành phố học lấy nghề, lấy chữ tại giảng đường cao đẳng, đại học….
Ông Hà Ngọc Tín, Bí thư Đảng ủy xã Kim Thượng chia sẻ, nhiều năm nay, người Nùng, người Dao ở các thôn bản được vay vốn thuận lợi, kịp thời vụ. Đảng bộ, chính quyền xã đã phối hợp chặt trẽ với NHCSXH huyện, đồng thời động viên, hướng dẫn bà con vay vốn, sử dụng vốn vay đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, vườn rừng, trồng chè sạch, chăn nuôi theo mô hình trang trại, gia trại đồng thời đôn đốc hộ vay vốn thực hiện trả nợ, nộp lãi cho ngân hàng đầy đủ, đúng quy định. Gần 38 tỷ đồng vốn tín dụng chính sách đã góp phần chủ yếu giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Kim Thượng từ 57% cuối năm 2014 xuống còn 19% cuối năm 2020.
Nhiều hộ ăn nên làm ra, đạt danh hiệu nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, tỉnh. Gia đình ông Hà Văn Nhất, dân tộc Mường, ở thôn Chiềng 2 vay 50 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo đã gây dựng được mô hình kinh tế tổng hợp bao gồm đàn trâu 8 con, rừng keo 4 ha phủ kín cả quả đồi, vườn cây ăn quả chanh leo, hồng không hạt sai trĩu cành, hàng năm thu nhập từ 250 đến 300 triệu đồng.
Minh chứng rõ nét nhất cho sự chuyển mình tích cực, đó là, huyện miền núi khó khăn nhất tỉnh Phú Thọ - Tân Sơn - đã thoát khỏi danh sách 62 huyện nghèo theo chương trình 30 của Chính phủ. Trên địa bàn huyện, cả hệ thống chính trị đã tập trung toàn lực đến công tác tín dụng chính sách, đồng thời tích cực động viên, khích lệ các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào vay vốn, sử dụng vốn đúng mục đích, đạt hiệu quả. Nguồn vốn chính sách đã giúp đỡ nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện phát triển sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, xây dựng công trình NS&VSMTNT, làm nhà ở vững chắc, khang trang.
Để đảm bảo mục tiêu giảm nghèo bền vững, huyện Tân Sơn, đã chỉ đạo phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực kinh tế - xã hội, gắn mục tiêu giảm nghèo dựa trên việc phát huy nội lực của địa phương gắn với từng chương trình, dự án của huyện; nhất là chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở nơi có điều kiện. Bên cạnh đó, phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi tất yếu của huyện miền núi Tân Sơn do diện tích lâm nghiệp chiếm 88,7% tổng diện tích tự nhiên. Theo tính toán, đến năm 2025, giá trị sản xuất lâm nghệp đạt trên 450 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 2.400 lao động có thu nhập từ 28 triệu đồng/người/năm trở lên. Đặc biệt, miền sơn cước này còn xác định xuất khẩu lao động là biện pháp để hạ tỷ lệ hộ nghèo nhanh nhất.
Hy vọng sự vươn lên từ nội lực và sự chung tay góp sức của toàn cộng đồng, trong đó có sự giúp đỡ mạnh mẽ của NHCSXH, mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Tân Sơn sớm thành hiện thực./.