Tàn nhưng không phế

Thứ bảy, 25/04/2015 16:01

(ĐCSVN) – Bản thân là một người khuyết tật nhưng không vì thế mà anh từ bỏ khát vọng được cống hiến và thành công. Là người sáng lập và điều hành của công ty chuyên cung cấp dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho rất nhiều người khuyết tật khác, Trần Mạnh Huy đã làm nên những ấn tượng đặc biệt khi tiếp xúc với anh.

 Toàn cảnh không gian làm việc chuyên nghiệp, thân thiện tại công ty VBPO (Ảnh: H.P)

Công ty cổ phần VBPO - hoạt động cung cấp dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp BPO (Business Process Outsourcing) trong các lĩnh vực liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin, từ những công việc đơn giản nhất như nhập dữ liệu, số hóa văn bản… cho đến những công việc phức tạp hơn như dịch vụ kế toán – tài chính, chăm sóc khách hàng, xử lý đồ họa. Trong đó, BPO là khái niệm để chỉ việc sử dụng các dịch vụ liên quan của các nhà cung cấp chuyên nghiệp bên ngoài thay vì tự tổ chức cung cấp nhằm giảm chi phí và tăng khả năng cạnh tranh cũng như khả năng tập trung phát huy những mặt mạnh của doanh nghiệp.

Lựa chọn một lĩnh vực còn khá mới mẻ ở Việt Nam vào thời điểm 2010, VBPO là một trong những doanh nghiệp tiên phong và ngày càng trở nên chuyên nghiệp trong việc cung cấp các dịch vụ về nghiệp vụ doanh nghiệp. Với số lượng chỉ có 15 nhân viên vào những ngày đầu thành lập, có trụ sở chính tại thành phố Đà Nẵng, sau 4 năm, mạng lưới hoạt động của VBPO đã lan toả trên khắp cả nước với khoảng 200 nhân viên với mức doanh thu hàng năm khoảng hơn 30 tỉ đồng. Vượt qua hết những khó khăn ban đầu về việc tìm kiếm, chinh phục thị trường và gây dựng niềm tin với đối tác, đến nay, VBPO đã khẳng định được thương hiệu của mình tại Nhật, Mỹ, New Zealand… Ở thị trường Nhật, VBPO đã có hơn 30 khách hàng với doanh thu hàng năm lên hơn 1,2 triệu USD; tại Mỹ, doanh thu hàng năm cũng hơn 100.000 USD, New Zealand là hơn 80.000 USD…Trong năm 2015, VBPO tiếp tục mở rộng thị trường sang Singapore và châu Âu và phát triển mạnh hơn ở thị trường Mỹ.

Với những thành quả đáng ngưỡng mộ như vậy, thế nhưng ít ai biết rằng chủ nhân của giấc mơ VBPO ấy, Tổng Giám đốc Trần Mạnh Huy bản thân là một người khuyết tật. Từ khi sinh ra anh đã bị liệt nửa người, với anh, để đi học như bao bạn bè cùng trang lứa là một thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua. Với sự nỗ lực không ngừng nghỉ, anh trúng tuyển vào ngành Khoa học và kĩ thuật máy tính của Trường Đại học Bách khoa TP HCM với số điểm khá cao. Trước khi trở thành Giám đốc VPBO, anh là giảng viên của Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP HCM, Giám đốc Công ty phần mềm PSV của Mỹ, Giám đốc Công ty Công nghệ Xanh. Anh là người đầu tiên của Việt Nam nhận chứng chỉ chất lượng CNTT tại Mỹ (năm 2003). Anh cũng tốt nghiệp thạc sỹ chuyên ngành quản trị kinh doanh tại Mỹ, thông thạo tiếng Anh và tiếng Nhật.

Chia sẻ về giấc mơ của mình, Tổng Giám đốc Trần Mạnh Huy tâm sự: “Từ những khó khăn, thất bại mà chính bản thân mình đã trải qua, trong tôi luôn thôi thúc một quyết tâm, mình phải làm một việc gì đó để để giúp những người khuyết tật Việt Nam. Chính ước mơ đó đã tạo nên tầm nhìn và các giá trị cốt lõi cho sự ra đời của VBPO và cũng là động lực tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của Công ty, tạo nên mục tiêu chung mà chúng tôi gọi là "giấc mơ VBPO". Đó là: Dùng công nghệ thông tin như là phương tiện để giúp những người khuyết tật có môi trường làm việc tốt nhất, nơi mọi người thực sự yêu thích làm việc cùng nhau”.

Theo Tổng Giám đốc Trần Mạnh Huy, công việc này rất thích hợp với người khuyết tật, bởi công nghệ thông tin là nghề không cần phải đi lại nhiều cũng như sự vận động của các cơ bắp, điều này phù hợp với hoàn cảnh của người khuyết tật, chính CNTT sẽ giúp “hàn gắn” những khiếm khuyết của người khuyết tật như vấn đề đi lại, di chuyển; đặc biệt về học vấn và bằng cấp, bởi khi tham gia CNTT, khoảng cách giữa người khuyết tật và người bình thường sẽ được thu hẹp. “Làm việc ở VBPO khiến anh nhận ra không có gì là không thể làm được dù cho mình có kém thế hơn mọi người. Hễ cố gắng đủ là sẽ thành công” – Trần Mạnh Huy chia sẻ.

Chính sự hỗ trợ về nguồn vốn từ Chi nhánh NHCSXH thành phố Đà Nẵng đã giúp công ty đầu tư cơ sở vật chất, máy móc thiết bị đạt cấu hình chuẩn, hệ thống mạng được nâng cấp, phục vụ cho việc sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả tốt hơn. Công ty cũng đã đẩy mạnh được việc đào tạo và tuyển dụng lao động là người khuyết tật, cải tiến được quy trình sản xuất và tăng năng suất, nâng thêm phần doanh thu cho tổ chức; tăng cường chặt chẽ hơn cho tính an toàn và đảm bảo an ninh thông tin, giúp Công ty giữ vững lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Hiệu quả thực tế là doanh thu sáu tháng cuối năm 2014 tăng 78% so với 6 tháng đầu năm, đồng thời tạo nên nhiều công ăn việc làm hơn, lao động tăng trưởng 41% so với 6 tháng đầu năm, tổng số lao động tính đến 31/12/2014 tại Đà Nẵng là 65 người, trong đó có 19 người là lao động khuyết tật. Những kết quả xuất sắc đó của Công ty đã được các cấp, ngành ghi nhận. Năm 2014, VBPO đã vinh dự được Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng tặng Giấy khen vì những thành tích trong hoạt động hỗ trợ tạo việc làm cho người khuyết tật và cùng năm này, công ty còn được vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu” năm 2014 của thành phố.

Chia sẻ về những hỗ trợ từ dự án của NHCSXH, Tổng Giám đốc Trần Mạnh Huy khẳng định: Nguồn vốn từ NHCSXH đã góp phần giúp Công ty từng bước thực hiện được dự án Trung tâm phát triển nguồn lực – một dự án đã được ấp ủ bởi Ban Giám Đốc công ty từ những ngày đầu thành lập để đào tạo và phát triển nguồn lực cho VBPO nói riêng cũng như các doanh nghiệp khác tại Miền Trung nói chung.

Tổng giám đốc Trần Mạnh Huy cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực vì kế hoạch này để người lao động khuyết tật không những được đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ, ngoại ngữ, còn có cơ hội được làm việc, có thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến, môi trường cạnh tranh, tự tin khẳng định mình và vươn lên hòa nhập với cộng đồng”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực