Tạo sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên

Chủ nhật, 21/11/2021 10:45
(ĐCSVN) - Nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo bền vững của tỉnh Cao Bằng có nhiều chuyển biến rõ rệt. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống. Hệ thống cơ sở hạ tầng vùng nông thôn, đặc biệt các xã vùng khó khăn được đầu tư xây dựng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện.
 Nhiều hộ nghèo người dân tộc thiểu số ở xóm Bản Moỏng, xã Đình Phùng huyện Bảo Lạc (Cao Bằng) được vay vốn ưu đãi để chăn nuôi (Ảnh: Chí Tâm)

* Đổi thay ở những vùng quê

Bằng nhiều cách làm khác nhau, Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững đã tác động sâu sắc đến từng người dân. Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, người dân tỉnh Cao Bằng được thụ hưởng các chính sách giảm nghèo bền vững đã từng bước thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế - xã hội.

Trước đây, gia đình chị Ngô Thị Sống (xóm Xí Thầu, xã Vũ Nông, huyện Nguyên Bình) thuộc hộ nghèo của xã. Từ năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ cây, con giống từ các chương trình 30a, 135 và vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 45 triệu đồng, chị Sống đầu tư nuôi lợn đen, mỗi năm nuôi 2 lứa, mỗi lứa hơn 10 con lợn thịt bán ra thị trường, trừ chi phí thu nhập 20-30 triệu đồng/năm. Đến nay, tổng thu nhập của gia đình chị Sống trên 60 triệu đồng/năm. Gia đình chị đã thoát nghèo, xây được nhà ở kiên cố, cuộc sống ổn định…

Lũng Củm (xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng) là bản người Dao đỏ. Trước đây, người dân chủ yếu sống dựa vào tự nhiên nên cái đói, cái nghèo quanh năm bám lấy họ. Những năm gần đây, người dân xóa bỏ lối sản xuất thuần nông lạc hậu, mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa giống cây trồng, vật nuôi có giá trị, chất lượng cao vào sản xuất. Ông Triệu Văn Ù, người uy tín xóm Lũng Củm cho biết, ông là một trong những hộ tiên phong đưa cây lạc đỏ về trồng ở xóm thay cho cây ngô vụ hè thu. Sau đó, các hộ dân chuyển đổi sang trồng lạc để cho năng suất cao hơn. Đến nay, 100% hộ trong xóm tham gia trồng lạc hàng hóa. Được sự giúp đỡ của Nhà nước về giống, phân bón và hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, người dân đã mở rộng diện tích trồng lạc đỏ, đầu tư trồng cỏ voi, chăn nuôi bò vỗ béo. Nhiều hộ có thu nhập trung bình từ 20 - 40 triệu đồng/năm. Từ cách làm đó, Lũng Củm giờ chỉ còn hơn 10 hộ nghèo (so với 39 hộ nghèo trước năm 2016).

Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc) là xã khó khăn, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm trên 90%, kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp nhưng mang tính tự phát, chưa có sự đầu tư phát triển. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững, xã Cốc Pàng đã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, đầu tư áp dụng khoa học, kỹ thuật vào canh tác nâng cao sản lượng, mở rộng diện tích phát triển cây trồng thế mạnh của địa phương như cây hồi, quế, sa mộc... Trong đó, trồng cây sở là một trong những mô hình kinh tế nổi bật của xã. Kể từ năm 2015 đến nay, diện tích cây sở của xã Cốc Pàng liên tục được mở rộng, toàn xã hiện có trên 42 ha sở. Nhờ trồng sở, nhiều hộ gia đình ở Cốc Pàng có thu nhập từ 20-30 triệu/năm.

Ông Mò Văn Sợi, Chủ tịch UBND xã Cốc Pàng cho biết, được sự quan tâm, hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo bền vững, xã đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhất là chuyển đổi diện tích đất trồng ngô, trồng chuối kém hiệu quả sang trồng cây sắn và các loại cây trồng thế mạnh khác. Cùng đó, xã vận động nhân dân tiếp tục khai hoang diện tích đất trống để trồng cây ăn quả; khôi phục lại diện tích cây ăn quả bị ảnh hưởng bởi mưa lũ năm trước. Nhờ cách làm này, đến năm 2020, thu nhập bình quân đầu người của xã Cốc Pàng đạt 13,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn hơn 30%. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của xã đạt 5 - 6%, tỷ lệ hộ nghèo giảm 7 - 8%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng cải thiện.

Bảo Lâm là một trong những huyện nghèo nhất của Cao Bằng. Để giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị để thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ theo chính sách của chương trình giảm nghèo bền vững.

Ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm cho biết, thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện đã bố trí trên 110 tỷ đồng từ các chương trình 30a, 135 để hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các xã đặc biệt khó khăn; hỗ trợ phát triển sản xuất đa dạng hóa, sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Chính sách hỗ trợ sản xuất tăng thu nhập đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, tăng thu nhập và tạo việc làm cho nông thôn; giúp người nghèo giảm bớt những khó khăn, từ đó tạo điều kiện thuận lợi tìm kiếm việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình.

Nhờ thực hiện tốt chính sách, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020) của Bảo Lâm đã giảm rõ rệt. Hiện nay, toàn huyện chỉ còn 4.359 hộ (chiếm 34,54%), hộ cận nghèo là 3.952 (chiếm 31,32%); 2 xã và 19 thôn, bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo tiêu chí của Chính phủ…

Xác định công tác giảm nghèo là trọng tâm, góp phần nâng cao đời sống người dân trên địa bàn, Cao Bằng đã triển khai đồng bộ các giải pháp giúp tạo sinh kế cho hộ nghèo vươn lên. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh có 7 huyện (Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hà Quảng, Quảng Hoà, Hạ Lang, Thạch An) được thụ hưởng hỗ trợ từ chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Tổng nguồn vốn ngân sách nhà nước giao trong giai đoạn là hơn 2.735 tỷ đồng.

Từ nguồn vốn được giao, tỉnh thực hiện đầu tư gần 1.800 lượt công trình cơ sở hạ tầng; khai hoang, phục hóa khoảng 60 ha ruộng bậc thang; hỗ trợ các dự án đa dạng hóa sinh kế tạo việc làm tăng thu nhập cho gần 180.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; xây dựng và nhân rộng 216 mô hình giảm nghèo; trên 56.200 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn phát triển sản xuất tạo việc làm; trên 3.000 hộ được hỗ trợ nhà ở; cấp trên 1,7 triệu lượt thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, đối tượng bảo trợ xã hội...

Tỉnh chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, đến nay, trên 91% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa; 61,8% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; 98,17% dân số tham gia bảo hiểm y tế...

Từ việc xác định được trọng tâm trong công tác giảm nghèo, giai đoạn 2016-2020, Cao Bằng giảm 20,59% tỷ lệ hộ nghèo; bình quân giảm 4,12%/năm, đạt 137,3% so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra; đưa tỷ lệ hộ nghèo tại thời điểm đầu năm 2016 là 42,53% xuống còn 22,06% vào cuối năm 2020. Giai đoạn này, tỷ lệ tái nghèo chiếm 0,11% thấp hơn so với giai đoạn 2011-2015 là 0,19%

Ông Nguyễn Ích Chánh, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh, những kết quả đạt được trong công tác giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 đã góp phần bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Người nghèo được cải thiện một bước về điều kiện sống (y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh…), tiếp cận tốt hơn các chính sách và nguồn lực hỗ trợ để tự vươn lên thoát nghèo và trở thành khá giả, tránh tình trạng trông chờ ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, hạn chế tối đa tình trạng tái nghèo.

* Đồng bộ các giải pháp

Giai đoạn 2021-2025, Cao Bằng có 126 xã đặc biệt khó khăn, 8/10 huyện thuộc danh sách các huyện nghèo của cả nước, tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 23 %. Vì vậy, Đảng bộ, chính quyền tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện đồng bộ công tác giảm nghèo bền vững.

 

Nhìn nhận những hạn chế trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2016-2020, ông Mã Gia Hãnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lâm cho rằng, việc huy động các nguồn lực từ cộng đồng, doanh nghiệp cho giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Kinh phí đầu tư chưa đáp ứng được nhu cầu. Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức chưa được thực hiện thường xuyên. Một bộ phận người nghèo chưa nhận thức đúng về ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình giảm nghèo bền vững, từ đó một số ít còn có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước, chưa phát huy tính chủ động để vươn lên thoát nghèo.

Thời gian tới, huyện Bảo Lâm sẽ tập trung công tác giảm nghèo vào các vùng đồng bào dân tộc đặc biệt khó khăn. Huyện sẽ lồng ghép các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi; tiếp tục hỗ trợ cây, con giống, máy móc, mô hình sản xuất cho bà con.

Giai đoạn 2021-2025, huyện Bảo Lạc đặt mục tiêu hàng năm giảm 5% hộ nghèo. Dự kiến, huyện dành trên 400 tỷ đồng để thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo bền vững. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Bảo Lạc Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, thực hiện mục tiêu giảm nghèo, huyện sẽ tập trung vào ưu tiên nguồn lực cho các xã, xóm đặc biệt khó khăn để đầu tư các công trình cơ sở hạ tầng như điện, đường giao thông, thủy lợi, nước sinh hoạt. Huyện thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo về hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng các mô hình giảm nghèo hiệu quả phù hợp... Bên cạnh đó, huyện tổ chức học tập nhân rộng các mô hình giảm nghèo đã thực hiện thành công, để nhân rộng những cách làm hay sáng tạo trong công tác giảm nghèo.

Công tác giảm nghèo được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Cao Bằng. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 4%/năm.

Dự kiến, tỉnh cần huy động tổng nguồn lực cho chương trình giảm nghèo bền vững khoảng 3.073 tỷ đồng. Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Nguyễn Ích Chánh, giai đoạn tới, Cao Bằng tập trung nguồn lực hỗ trợ các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững.Tỉnh chủ động hỗ trợ thông qua chính sách thị trường lao động như vay vốn tín dụng, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, kết nối việc làm với nhóm hộ có sức lao động.

Tỉnh tập trung chỉ đạo công tác giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới; có cơ chế khuyến khích tăng nguồn vốn cho các địa phương thực hiện chương trình đạt kết quả tốt, kết quả giải ngân cao; giảm nguồn vốn đối với các địa phương thực hiện đạt hiệu quả thấp. Tỉnh tăng cường bố trí thêm cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ các cấp và đại diện cộng đồng về công tác giảm nghèo; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình tại cơ sở; đánh giá thường xuyên, đánh giá đột xuất để đề ra các giải pháp thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.

Tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền vận động, khuyến khích, nâng cao ý thức trách nhiệm cho các hộ nghèo, khơi dậy ý chí chủ động, vươn lên của người nghèo, hạn chế tư tưởng trông chờ ỷ lại. Tỉnh tăng cường hỗ trợ sinh kế theo hướng giảm chính sách hỗ trợ cho không, tăng cường hỗ trợ có điều kiện cho người dân, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.

Nhằm xác định, phân loại hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ không nghèo trong quá trình rà soát, điều tra, tỉnh cũng đã kiến nghị với bộ, ngành Trung ương thiết kế lại bộ công cụ điều tra để cho phù hợp với thực tế ở địa phương vùng cao, vùng sâu, miền núi...

 

Chu Hiệu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực