Với một đơn vị cung ứng tín dụng đặc thù như NHCSXH dành cho những đối tượng yếu thế nhất của nền kinh tế ở những địa bàn xa xôi và khó khăn nhất, Hội đồng quản trị, Ban điều hành NHCSXH nhìn nhận phong trào thi đua là một công cụ, động lực đẩy nhanh tiến trình cán đích Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ giao phó. Đồng thời hội tụ sức mạnh toàn hệ thống chính trị - xã hội thực hiện chủ trương đưa tín dụng chính sách xã hội trở thành đòn bẩy trực tiếp thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
|
Các phong trào thi đua đã tạo động lực để cán bộ, nhân viên và người lao động trong hệ thống NHCSXH nỗ lực, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chuyển tải nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ đến đúng đối tượng thụ hưởng (Ảnh: NHCSXH) |
“Xương sống” thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn mới và khó
15.687 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác được huy động sau 5 năm đưa Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40) vào cuộc sống, tăng gấp gần 4,1 lần so với trước khi có Chỉ thị, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương sang NHCSXH đến nay đạt 19.495 tỷ đồng. Cùng với đó là sự chuyển biến sâu sắc từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với tín dụng chính sách xã hội, coi đó trở thành đòn bẩy, một công cụ quan trọng trực tiếp thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Sự chuyển biến mạnh mẽ phần lớn là hiệu ứng của phong trào thi đua sâu rộng trong toàn hệ thống với mục tiêu tham mưu công tác bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác cho NHCSXH nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 40.
Ở cấp cơ sở, việc tham mưu triển khai Chỉ thị số 40 không chỉ dừng lại ở chi nhánh cấp tỉnh mà đến tận NHCSXH cấp huyện. Những phương thức sáng kiến mới mà mỗi cán bộ, nhân viên NHCSXH đưa ra đã góp phần nhân thêm thành công trong việc đưa Chỉ thị số 40 đi vào cuộc sống.
Ở vùng đất thiếu mưa thừa nắng gió, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, trăn trở lớn nhất của anh Châu Văn Vé, Giám đốc NHCSXH huyện Bắc Ái từ năm 2014 đến tháng 4/2020, nay là Giám đốc NHCSXH huyện Thuận Bắc, là giúp các đối tượng chính sách, đặc biệt là đồng bào Raglai vươn lên thoát nghèo.
Ngay sau khi được giao phụ trách NHCSXH huyện Bác Ái từ đầu năm 2014 và chính thức được bổ nhiệm Giám đốc Phòng giao dịch huyện vào tháng 5/2014, việc đầu tiên anh Vé nghĩ đến đó là việc chớp cơ hội từ triển khai Chỉ thị số 40. Không phụ công nghiên cứu, kết quả triển khai sáng kiến “Tham mưu huyện uỷ, UBND huyện, Ban đại diện HĐQT tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 40” đã đưa Bác Ái trở thành Phòng giao dịch đầu tiên trong toàn tỉnh Ninh Thuận được UBND huyện chuyển nguồn vốn ngân sách của địa phương là 50 triệu đồng. Để phát huy hiệu quả hơn nữa Chỉ thị số 40 và công năng của tín dụng chính sách xã hội trong giảm nghèo, mỗi năm anh Châu Văn Vé đều có sáng kiến mới như “Nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn huyện nghèo theo Nghị quyết 30a”, “Nâng cao hiệu quả công tác tham mưu cấp uỷ, chính quyền địa phương để tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng tại huyện nghèo 30a”... Những sáng kiến này đã góp phần đưa tổng nguồn vốn tín dụng của NHCSXH huyện Bác Ái đến nay đạt trên 185 tỷ đồng, trong đó, nguồn địa phương là 4,4 tỷ đồng.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Bác Ái đã giúp cho 5.773 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; 2.521 lượt hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để đầu tư chăn nuôi, sản xuất, tạo việc làm; 1.473 lượt hộ DTTS nghèo được vay vốn...
|
Giám đốc NHCSXH huyện Thuận Bắc Châu Văn Vé (Giám đốc NHCSXH huyện Bác Ái từ năm 2014 đến tháng 4/2020) trả lời phỏng vấn |
Không chỉ ở vùng đất hạn Ninh Thuận. Ở vùng đất được mệnh danh là “chảo lửa, túi mưa” như Hà Tĩnh, mặc dù có tiềm năng kinh tế như cảng nước sâu, cửa khẩu quốc tế, kinh tế đồi rừng, đồng bằng... song Hà Tĩnh vẫn là một tỉnh nghèo. Vì vậy, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ, sâu rộng các giải pháp nhằm đưa công tác thi đua - khen thưởng thực sự là “đòn bẩy” kích thích các cá nhân, tập thể hăng say lao động, phát huy sáng kiến, tăng năng suất và hiệu quả, góp phần xây dựng đơn vị ổn định và phát triển bền vững.
Trong giai đoạn 2015 - 2020, bên cạnh việc hưởng ứng các phong trào thi đua khen thưởng do Ngành và địa phương phát động, chi nhánh đã thực hiện 33 đợt phát động thi đua thường xuyên và chuyên đề (theo đợt) nhằm hoàn thành các nhiệm vụ chuyên môn. Đặc biệt, phong trào thi đua tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND chỉ đạo các cấp ủy Đảng, các cấp, các ngành triển khai Chỉ thị số 40 đã đưa nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang chi nhánh đạt 120,6 tỷ đồng, tăng 211 lần so với đầu năm 2015.
Những sáng kiến, phong trào thi đua thiết thực như của Giám đốc Châu Văn Vé hay tập thể NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh được hun đúc từ tinh thần xây dựng phong trào thi đua chung của toàn hệ thống NHCSXH nhằm thực thi các nhiệm vụ chuyên môn có tính thời sự, tính mới và khó khăn, phức tạp trong thực hiện tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhìn lại giai đoạn 2015 - 2020, hoạt động thi đua của NHCSXH không chỉ dừng lại ở các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng TW, Thống đốc NHNN phát động, mà Đảng ủy, Ban lãnh đạo NHCSXH đã xây dựng các phong trào thi đua thường xuyên, thi đua chuyên đề. Nhiều chuyên đề thi đua trở thành “xương sống” thực thi các nhiệm vụ chuyên môn có tính thời sự, tính mới và phức tạp trong thực hiện tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”; thi đua thực hiện hoàn thành xuất sắc các chuyên đề; thi đua hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ; thi đua củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng; thi đua tham mưu công tác bố trí nguồn vốn địa phương ủy thác cho NHCSXH nhằm thực hiện tốt Chỉ thị số 40,...
Tạo động lực cho những thành công mới
|
Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh Lưu Văn Minh trả lời phỏng vấn |
Đặc biệt, NHCSXH đã quy định tiêu chí đánh giá 12 chuyên đề thi đua trong hệ thống NHCSXH, thành lập các khu vực thi đua, hướng dẫn tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống. Song các phong trào thi đua thường xuyên và chuyên đề không tách bạch riêng biệt, là có sự đan xem lồng ghép vào nhau đã góp phần gia tăng sự lan tỏa hiệu ứng trong hoạt động tín dụng chính sách.
Đơn cử như, để thực hiện phong trào“Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” và “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, NHCSXH đã xây dựng và nâng cao chất lượng của 10.426 Điểm giao dịch xã - xóa bỏ tình trạng xã trắng về tín dụng của Nhà nước. Cùng với đó xây dựng, củng cố gần 175 nghìn Tổ tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản, xóm, ấp, tạo thuận lợi cho người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi cũng như thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động của NHCSXH ở cơ sở. NHCSXH cũng đã chú trọng ưu tiên tập trung vốn cho vay hộ nghèo là đồng bào DTTS, cho vay các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn SXKD, cải thiện cuộc sống,... Đồng thời bám sát mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương phối hợp lồng ghép việc tổ chức triển khai chính sách tín dụng ưu đãi trên địa bàn với việc thực hiện mục tiêu Chương trình quốc gia xây dựng nông thôn mới, tập trung nguồn vốn cho các xã điểm của tỉnh, của huyện nhằm hoàn thành đúng kế hoạch do Ban chỉ đạo nông thôn mới của tỉnh đã đề ra.
Hàng năm, các đơn vị NHCSXH tổ chức đánh giá kết quả thực hiện phong trào thi đua, đồng thời lấy kết quả phong trào thi đua là một tiêu chí trong đánh giá thi đua, xét tặng các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cho các tập thể, cá nhân trong toàn hệ thống. Bên cạnh đó, NHCSXH còn động viên, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân là lực lượng kiêm nhiệm phối hợp thực hiện tín dụng chính sách xã hội thuộc Bộ, Ban ngành Trung ương, địa phương, UBND, tổ chức chính trị - xã hội các cấp có thành tích đóng góp trong hoạt động NHCSXH tại mỗi địa phương trên toàn quốc.
Trong các năm 2015 - 2020, NHCSXH đã khen tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở cho 4.262 lượt cá nhân; Tập thể lao động xuất sắc cho 1.746 lượt tập thể; Giấy khen của Chủ tịch Hội đồng quản trị cho 1.004 lượt tập thể, 4.979 lượt cá nhân; Giấy khen của Tổng Giám đốc cho 1.693 lượt tập thể và 14.207 lượt cá nhân.
Hiệu ứng từ những phong trào thi đua và khen thưởng kịp thời đó đã đưa tổng dư nợ cho vay của NHCSXH đến nay đạt 219.448 tỷ đồng, tăng 76.920 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 54% so với 31/12/2015 với gần 6,5 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang còn dư nợ. Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,7% tổng dư nợ.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội 18 năm đã hỗ trợ hơn 37 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính. Trong đó trên 5,8 triệu hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho trên 4,3 triệu lao động; giúp gần 3,7 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 13 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn, hơn 727 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, trong đó gần 130 nghìn nhà chòi tránh lũ, cho hộ gia đình vùng đồng bằng sông Cửu Long, nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/CP-CP cho hơn 8,7 nghìn hộ gia đình;...
Đời sống của hộ dân được cải thiện không chỉ giải quyết bài toán chính sách giảm nghèo mà cao hơn là củng cố sự bền chắc trong xây dựng nông thôn mới của địa phương, góp phần giúp 4.554 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm tỷ lệ 51,16% tổng số xã; 91 đơn vị cấp huyện thuộc 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Quan trọng hơn, dưới lá cờ thi đua, NHCSXH đã sớm cán đích Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2010 - 2020 và tạo nền tảng vững chắc thực hiện chiến lược trong giai đoạn tiếp theo, hoàn thành tốt sứ mệnh ủy thác mà Đảng, Chính phủ giao cung ứng vốn tín dụng chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững và hội nhập.
Và, để vững bước trên con đường sứ mệnh này, công tác thi đua - khen thưởng tiếp tục được Ban lãnh đạo NHCHXH nhận định là nhiệm vụ chính trị quan trọng, mỗi cán bộ, nhân viên và người lao động cần xác định tư tưởng thi đua, vai trò trách nhiệm, phấn đấu hết mình trong từng nhiệm vụ công tác, hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ được giao, góp phần tạo ra sức mạnh tổng hợp trong việc xây dựng hệ thống NHCSXH ngày càng vững mạnh.
NHỮNG THÀNH TÍCH NHCSXH ĐẠT ĐƯỢC TRONG GIAI ĐOẠN 2015 - 2020
- 3 tập thể được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất
- 4 tập thể, 11 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì
- 5 tập thể, 7 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba
- 22 tập thể được Chính phủ tặng Cờ thi đua
- 4 cá nhân đạt danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc
- 4 tập thể và 26 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ
- 95 tập thể đạt danh hiệu “Cờ thi đua của NHNN”
- 336 cá nhân đạt danh hiệu “Chiến sỹ thi đua ngành Ngân hàng”
- 340 tập thể và 823 cá nhân được nhận Bằng khen của Thống đốc NHNN
|