(ĐCSVN) - Hội nghị xúc tiến đầu
tư và biểu dương các doanh nghiệp tiêu biểu vùng Tây Bắc diễn ra ngày
4/4 vừa qua tại cao nguyên Mộc Châu (Sơn La) đã chung nhận định rằng,
vùng Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã
hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước, có vai trò quan trọng
đối với môi trường sinh thái của cả vùng Bắc Bộ. Đầu tư cho vùng Tây
Bắc phát triển là nhiệm vụ luôn được Chính phủ ưu tiên.
Hội nghị do Ban Chỉ đạo Tây Bắc phối hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh Sơn La tổ chức.
|
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: PV) |
Thực tế, trong thời gian qua Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều cơ chế chính sách, giải pháp hỗ trợ cho vùng, cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của chính quyền và nhân dân các địa phương, sự đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc đã có những chuyển biết rõ nét trên từng lĩnh vực. Tăng trưởng GDP toàn vùng bình quân giai đoạn 2010 - 2014 đạt 9,54%, năm 2014 đạt 8,79%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt 24,7 triệu đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt gần 26 nghìn tỷ đồng (tăng 30% so với năm trước). Kết cấu hạ tầng được quan tâm; nhiều dự án hoàn thành đưa vào khai thác, các trục giao thông đường bộ huyết mạch đã và đang được đầu tư, nâng cấp và phát huy hiệu quả (nhất là tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn đạt 7.803 triệu USD, tăng 41,71% so với cùng kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng năm 2014 còn 18,2% (giảm 4,3% so với năm trước).
Cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng Tây Bắc vẫn là vùng nghèo nhất so với cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, lúng túng, hiệu quả thấp, thiếu tính bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nói chung còn yếu kém. Thu ngân sách trên địa bàn mới đáp ứng được gần 1/3 chi ngân sách địa phương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống nhân dân các thôn, bản vùng sâu, vùng xa gặp nhiều khó khăn. Những mặt hạn chế nêu trên, ngoài những nguyên nhân khách quan do địa hình chia cắt phức tạp, xa cách trung tâm kinh tế - xã hội, còn do những yếu tố chủ quan trong công tác quản lý, trong việc cải cách thủ tục hành chính và các cơ chế, chính sách, môi trường chưa thông thoáng để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước và quốc tế cho đầu tư phát triển, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng.
Trước thực trạng này, phát biểu tại Hội nghị về công tác đầu tư tín dụng, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, ngành Ngân hàng đã bám sát chủ trương định hướng của Đảng và Nhà nước để có những chính sách đầu tư tín dụng phù hợp khai thác tiềm năng lợi thế của vùng, từng bước nâng cao đời sống người dân, đồng thời kết hợp thực hiện các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước cho mục tiêu giảm nghèo bền vững.
Thống đốc cho biết, thời gian qua, một số chính sách tín dụng đặc thù của NHNN có tác động không nhỏ trong việc khai thác thế mạnh, tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, đơn cử như chương trình cho vay thí điểm theo mô hình liên kết chuỗi giá trị gia tăng, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp theo Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 5/3/2014 của Chính phủ. Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp được ngành Ngân hàng triển khai từ đầu năm 2014 được coi là công cụ hiệu quả mà ngành Ngân hàng đã phối hợp với các cấp chính quyền địa phương thực hiện để từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay tiếp tục duy trì và ổn định sản xuất. Qua chương trình này, ngành Ngân hàng đã cùng các cấp chính quyền địa phương trong khu vực tổ chức được 41 Hội nghị kết nối. “Thông qua các Hội nghị này đã có hơn 2.200 doanh nghiệp được các ngân hàng ký cam kết cho vay với số tiền lên đến gần 21.000 tỷ đồng để phục vụ sản xuất, đến nay đã giải ngân được hơn 15.400 tỷ đồng. Nếu không có chương trình kết nối này thì hơn 15.000 tỷ đồng này đã không được giải ngân”, Thống đốc Nguyễn Văn Bình chia sẻ.
Bên cạnh đó, hoạt động tín dụng chính sách nhằm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng được ngành Ngân hàng đặc biệt quan tâm. Đến cuối năm 2014, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách của vùng Tây Bắc đạt trên 26.666 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng tới 18% tổng dư nợ vay của toàn hệ thống NHCSXH, với hơn 1 triệu khách hàng còn dư nợ.
Để Tây Bắc phát triển nhanh, bền vững, bảo đảm an ninh quốc phòng theo định hướng của Đảng và Nhà nước đã đề ra tại Nghị quyết 37-NQ/TW, trong thời gian tới, ngành Ngân hàng sẽ ưu tiên thực hiện các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực thế mạnh của khu vực Tây Bắc, trong đó tập trung cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thủy điện, khai khoáng, du lịch nhằm tạo ra sự lan tỏa và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực. NHNN sẽ cùng với các ngành, các cấp đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông tạo sự gắn kết giữa khu vực Tây Bắc và các khu vực khác.
Thống đốc Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ chỉ đạo các NHTM tiếp tục mở rộng mạng lưới, đẩy mạnh cho vay và cung ứng dịch vụ ngân hàng đến các khu vực cửa khẩu nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại các vùng kinh tế cửa khẩu”. Đồng thời Thống đốc cũng cho biết thêm, ngành Ngân hàng tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh trong khu vực, các Bộ, ngành xây dựng cơ chế đặc thù nhằm thu hút được các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài (ODA, FDI...). Đặc biệt, tiếp tục chỉ đạo NHCSXH đẩy mạnh cho vay có hiệu quả đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại khu vực Tây Bắc nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới.
Ban tổ chức Hội nghị cho biết, tổng mức đầu tư được đưa ra với khu vực Tây Bắc tại Hội nghị này là 24.000 tỷ đồng, tương đương hơn 1 tỷ USD. Bên cạnh đó, về an sinh xã hội đã có 502 tỷ đồng được các ngân hàng, doanh nghiệp hỗ trợ, sẽ góp phần tích cực cho công tác xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao, nhất là vùng biên giới. Ngay tại Hội nghị, Ban tổ chức đã triển khai lễ ký kết hợp đồng tài trợ vốn giữa ngân hàng và doanh nghiệp với tổng mức tài trợ được ký kết dự kiến lên tới hơn 3.500 tỷ đồng. Cụ thể, VietinBank ký tài trợ vốn bốn dự án với tổng mức tài trợ 1.832 tỷ đồng, BIDV ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 954 tỷ đồng, Agribank ký tài trợ vốn 3 dự án với tổng mức tài trợ 410 tỷ đồng, ngân hàng An Bình ký tài trợ vốn 2 dự án với tổng mức tài trợ 340 tỷ đồng. |