Tiếp tục huy động mọi nguồn lực để xây dựng nông thôn mới

Thứ ba, 28/08/2018 15:51
(ĐCSVN) - Ngày 27/8, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2016 - 2020 làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về công tác chỉ đạo, điều hành và thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, từ năm 2016 đến tháng 6/2018, tổng nguồn vốn và cơ cấu các nguồn vốn huy động chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 2.692 tỷ đồng, trong đó ngân sách TW 402 tỷ đồng, ngân sách địa phương 1.362 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án và của các doanh nghiệp cũng như huy động từ cộng đồng dân cư.

Đối với chương trình MTTQ giảm nghèo bền vững, ngân sách TW bố trí trong 5 năm để thực hiện các dự án hỗ trợ giảm nghèo trực tiếp khoảng 120 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW các chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: V.H)

Riêng hoạt động tín dụng chính sách, từ năm 2016 đến nay, tổng doanh số cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại các xã nông thôn mới trên toàn tỉnh Tiền Giang đạt 346 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 26,26% tổng doanh số cho vay của NHCSXH tỉnh. Tổng dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới 498 tỷ đồng, chiếm 23,34% tổng dư nợ NHCSXH, tăng 44 tỷ đồng so với năm 2016, với gần 29.000 khách hàng còn dư nợ. Tại các xã xây dựng nông thôn mới đã có trên 23.000 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn từ NHCSXH. Vốn tín dụng chính sách giúp trên 2.900 lượt hộ thoát nghèo, hỗ trợ việc làm trên 3.000 lao động, giúp trên 3.600 lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập. Xây dựng trên 18.000 công trình cung cấp NS&VSMTNT, xây dựng trên 140 căn nhà cho hộ nghèo...

Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2018, như hỗ trợ tín dụng ưu đãi, hỗ trợ dạy nghề, cung cấp các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, hỗ trợ về giáo dục, đào tạo, y tế, nhà ở... cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã đạt kế hoạch đề ra.

Tại buổi làm việc, đại diện UBND tỉnh Tiền Giang đã báo cáo với Đoàn công tác TW về kế hoạch thực hiện chương trình MTQG thời gian tới, cụ thể, đến năm 2020, tỉnh Tiền Giang phấn đấu có 100/144 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tỷ lệ số xã đạt chuẩn lên 69,44%. Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của toàn tỉnh 16,5 tiêu chí/xã. Về mục tiêu giảm nghèo, Tiền Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới toàn tỉnh xuống dưới 3%.

Tỉnh Tiền Giang đề xuất một số giải pháp trọng tâm cần thực hiện trong thời gian tới đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới là bổ sung thêm phần kinh phí trong kế hoạch trung hạn theo hướng tăng thêm số xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn vào năm 2020, bố trí vốn và thực hiện đầu tư, cải tạo phát triển lưới điện nông thôn trên địa bàn tỉnh để đạt mục tiêu đến năm 2020 có 100 xã đạt chuẩn tiêu chí điện, bổ sung nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách xã hội nhằm hỗ trợ địa phương thực hiện xây dựng xã nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020...

Đối với chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, tỉnh Tiền Giang báo cáo Đoàn công tác đề nghị Chính phủ có chủ trương và chính sách cụ thể tách biệt giảm nghèo bền vững với an sinh xã hội, xóa dần cơ chế bao cấp, giảm cho không, chuyển dần sang cơ chế cho mượn, cho vay trả góp, lãi suất ưu đãi nhằm tránh tư tương trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước, cộng đồng của một bộ phận dân cư. Bố trí nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển đúng theo đề án đã được phê duyệt. NHCSXH TW quan tâm bổ sung nguồn vốn ưu đãi các chương trình tín dụng chính sách nhằm tiếp tục tạo điều kiện cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện phát triển SXKD, phát triển kinh tế, tăng thu nhập.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Anh Tuấn thông tin thêm hiện nay số xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn là 30/144 xã. Số tiêu chí bình quân/xã là 13/43 tiêu chí/xã.

Qua 3 năm thực hiện Nghị quyết của tỉnh, số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều tăng hằng năm và đến nay tăng 3,33 lần so với năm 2015. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Về chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong 2 năm 2016 - 2017 thực hiện các chính sách, dự án từ chương trình, tỉnh Tiền Giang cũng đã giảm được 8.610 hộ nghèo, tỷ lệ giảm là 1,59%, từ 5,87% vào cuối năm 2015 xuống còn 4,19% vào cuối năm 2017. Toàn tỉnh còn 19.680 hộ nghèo và kế hoạch sẽ còn 3,69% vào năm 2018, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW các chương trình MTQG giai đoạn 2016 - 2020 đánh giá cao kết quả đạt được của tỉnh Tiền Giang trong 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó có kết quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội và sự quan tâm của tỉnh đã tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động của NHCSXH.

Đồng thời đề nghị, thời gian tới, Tiền Giang cần đẩy mạnh các biện pháp, giải pháp thực hiện các tiêu chí chưa đạt, duy trì và tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí để tránh tình trạng “rớt tiêu chí, mất đạt chuẩn”. Tăng cường huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách xã hội tại các địa phương, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng và làm tốt công tác tuyên truyền gắn với phong trào thi đua “chung sức xây dựng nông thôn mới”.

Về tín dụng chính sách đề nghị tỉnh Tiền Giang chỉ đaọ các Sở, ngành phối hợp với NHCSXH rà soát các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, tính toán, tổng hợp nhu cầu vốn, trên cơ sở đó bố trí nguồn lực hợp lý; xây dựng kế hoạch về nhu cầu cho vay giải quyết việc làm...

“Trong thời gian tới, tỉnh Tiền Giang cần huy động tốt các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chính sách tín dụng ưu đãi”, Tổng Giám đốc nhấn mạnh.

Đối với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh về tín dụng chính sách, NHCSXH Việt Nam sẽ xem xét, tham mưu trình Chính phủ điều chỉnh, sửa đổi đảm bảo phát huy tốt nhất hiệu quả nguồn vốn vay chính sách xã hội.

Đoàn công tác thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng (Ảnh: V.H)

Trước đó, cùng ngày, nhân Kỷ niệm 73 năm Quốc khánh 2/9, Đoàn công tác cũng đã thăm hỏi, tặng quà cho các Mẹ Việt Nam Anh hùng và làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho (Tiền Giang) về tình hình thực hiện chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới 3 năm qua trên địa bàn xã.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tân Mỹ Chánh Lê Ngọc Hóa cho biết, xã hiện có diện tích gần 1.000ha, trong đó có trên 600ha đất nông nghiệp, toàn xã có 3.248 hộ với hơn 15.000 nhân khẩu. Số hộ nghèo toàn xã có 79 hộ với 334 nhân khẩu tỷ lệ 2,43% so với tổng số hộ toàn xã là 3.248 hộ. Hiện nay, dư nợ vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đầu tư trên địa bàn xã đạt trên 12,5 tỷ đồng, trong đó, một số chương trình dư nợ lớn là cho vay cung cấp NS&VSMNT, HSSV có hoàn cảnh khó khăn, hộ cận nghèo và cho vay giải quyết việc làm... Trong 3 năm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, nhờ nguồn vốn ưu đãi đã có 894 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn, góp phần thu hút, tạo việc làm tại chỗ cho 113 lao động; giúp 41 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 510 công trình cung cấp nước sạch, công trình nhà tiêu hợp vệ sinh ở nông thôn... Kết quả trong công tác giảm nghèo cùng với các tiêu chí khác đã đưa Tân Mỹ Chánh trở thành xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới.

Tại buổi làm việc, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội xã Tân Mỹ Chánh và UBND thành phố Mỹ Tho đánh giá cao sự tiếp sức của nguồn vốn NHCSXH đối với việc phát triển SXKD của hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, các tổ chức hội, đoàn thể sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với NHCSXH tỉnh, huyện triển khai tốt hơn nữa các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn, đề nghị NHCSXH phân bổ nguồn vốn vay nhiều hơn nữa để bà con có thêm vốn SXKD, đồng thời điều chỉnh kịp thời mức cho vay một số chương trình tín dụng chính sách để đáp ứng nhu cầu vay của bà con giải quyết việc làm, xây dựng mới, sửa chữa các công trình cung cấp NS&VSMTNT,...

Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: V.H)

Phát biểu tại buổi làm việc Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng cho biết, trong thời gian tới xã Tân Mỹ Chánh cần phải có kế hoạch hợp lý trong phát triển kinh tế. Thực hiện phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, đặc biệt coi trọng việc phát triển các doanh nghiệp nông thôn và thực hiện tốt phương châm “ly nông, bất ly hương” để từng bước làm thay đổi căn bản cơ cấu kinh tế của địa phương.

Tổng Giám đốc cũng đề nghị Ban chỉ đạo MTQG tỉnh Tiền Giang cần sớm ban hành kế hoạch thực hiện chương trình mỗi xã 1 sản phẩm (OCOP), trong đó quan tâm phát triển sản phẩm quả bưởi da xanh tại Tân Mỹ Chánh và chú trọng xây dựng thương hiệu bưởi da xanh ra cả thị trường các nước.

Về một số đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo xã Tân Mỹ Chánh, Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng - Thành viên Ban chỉ đạo TW các chương trình MTQG nhất trí với kiến nghị của xã, sẽ sớm báo cáo Chính phủ, Thường trực Ban chỉ đạo TW xem xét quyết định và NHCSXH cũng sẽ bố trí ngay 1 tỷ đồng để xã cho các hộ vay vốn giải quyết việc làm và xây dựng mới, sửa chữa các công trình cung cấp NS&VSMTNT.

Việt Hải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực