(ĐCSVN) – Theo chân Đoàn giao dịch lưu động của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bảo Thắng đến Điểm giao dịch xã Trì Quang, đoàn chúng tôi đi trên con đường gập ghềnh sỏi đá, cách trung tâm thành phố Lào Cai khoảng 40 km, để giải ngân nguồn vốn ưu đãi cho bà con dân nghèo.
Trò chuyện với chúng tôi, lãnh đạo xã Trì Quang cho biết, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ mà xã Trì Quang đã có nhiều hộ thoát nghèo bền vững.
Tiếp sức cho bản nghèo vượt khó
|
Vốn vay ưu đãi mở ra cơ hội sản xuất, kinh doanh cho người dân nghèo trên địa bàn huyện Bảo Thắng, Lào Cai (Ảnh: Phương Chi) |
Trì Quang là xã vùng 135 khó khăn của huyện Bảo Thắng, có 1.041 hộ với 8 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn 14 thôn, bản. Tỷ lệ hộ nghèo tại xã chiếm trên 35%, 10/14 bản chưa có điện lưới quốc gia, giao thông khó khăn, chủ yếu là đường dân sinh. Điều đó không chỉ hạn chế sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà hoạt động của cán bộ NHCSXH cũng không kém phần gian nan. Trèo đèo, lội suối tìm đến từng hộ dân để tuyên truyền, vận động bà con vay vốn phát triển kinh tế, góp phần giảm nghèo là việc làm thường xuyên của cán bộ NHCSXH nơi đây.
Chị La Thị Hoa Liễu, cán bộ tín dụng phụ trách xã Trì Quang cho biết: Thông qua các tổ chức hội, đoàn thể nhận uỷ thác, đến cuối tháng 3/2015, xã Trì Quang có 674 hộ vay vốn với tổng dư nợ 23.079 triệu đồng từ các nguồn vốn thuộc chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH trong có 374 hộ nghèo, hộ cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi chiếm hơn 50% số hộ trong xã.
Từ nguồn vốn này, các hộ phát triển chăn nuôi, sản xuất, trồng rừng, bóc tách gỗ và đầu tư cho con em theo học các trường chuyên nghiệp. Qua kiểm tra, giám sát, các hộ sử dụng vốn vay đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế, góp phần ổn định đời sống, xoá được nghèo. Năm 2014, toàn xã có 156 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 44% (2013) xuống còn 39% (2014).
Công tác giải ngân, rà soát đối tượng vay vốn đảm bảo đúng tiêu chí. Bên cạnh đó, cán bộ NHCSXH huyện thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các cơ quan nông nghiệp, khuyến nông, khuyến ngư tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi theo phương thức mới nhằm mang lại năng suất và hiệu quả kinh tế cao.
Qua lời giới thiệu của Chủ tịch Hội phụ nữ xã Trì Quang, bà Lê Thị Đông, chúng tôi tìm đến nhà ông Lý Đại Vinh, một hộ nghèo người dân tộc Dao ở làng Đào Hai nhưng nhờ nguồn vốn vay tín dụng chính sách ưu đãi đã trở thành hộ điển hình thoát nghèo nơi đây. Ông Vinh tâm sự: “Năm 2011, gia đình tôi mạnh dạn vay NHCSXH 20 triệu đồng mua trâu phục vụ sản xuất. Nhờ đó, mùa vụ sản xuất thuận lợi, gia đình có nhiều thời gian chăm sóc ruộng nương, cây lúa cây ngô cũng cho năng suất cao hơn, lương thực đủ ăn quanh năm. Sau khi trả hết nợ, tôi tiếp tục vay ưu đãi 30 triệu đồng mua thêm 1 con trâu nái đã sinh sản thêm 1 con nghé giúp vợ chồng tôi trả nợ. Do chú trọng chăm sóc, phòng bệnh, đàn bò phát triển tốt, tích góp hàng năm từ bán trâu, lợn, thóc, ngô, gia đình tôi đã mua thêm 1 đồi rừng cây mỡ 1,5ha…”.
Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) làng Đào Hai - nơi 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống - anh Đặng Văn Quỳnh tâm sự: trước kia khi chưa được vay vốn ưu đãi, cuộc sống gia đình của các hộ đồng bào gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, chưa biết sắp xếp tổ chức sản xuất hợp lý và những điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế gia đình. Nhưng từ khi được hỗ trợ từ đồng vốn tín dụng ưu đãi, kết hợp với việc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách thức làm ăn, đời sống hộ dân đã thay đổi rất nhiều.
“Năm 2009, gia đình tôi vay được 20 triệu đồng từ chương trình hộ nghèo của NHCSXH huyện Bảo Thắng để đầu tư chăn nuôi lợn nái sinh sản. Nhờ chăm chỉ làm ăn, năm 2013, gia đình tôi thoát nghèo và tiếp tục vay 40 triệu từ chương trình tín dụng hộ cận nghèo để đầu tư chăn nuôi sản xuất mô hình VAC” - Anh Đặng Văn Bằng (27 tuổi), làng Đào Hai, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng nói.
|
Mô hình chăn nuôi trâu bò của vợ chồng anh Đặng Văn Bằng ở làng Đào Hai, xã Trì Quang, huyện Bảo Thắng (Ảnh: Phương Chi) |
Nguốn vốn vay tín dụng chính sách đã được sử dụng hiệu quả
Sau nhiều năm đồng hành cùng người nghèo, NHCSXH huyện Bảo Thắng đã giải ngân hàng trăm tỷ đồng thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, góp phần giúp người nghèo có cơ hội tiếp cận với đồng vốn, đầu tư phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình, từng bước xóa nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng.
Theo ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc NHCSXH huyện Bảo Thắng, hàng năm, NHCSXH huyện đều bám sát các chỉ tiêu, kế hoạch được giao và chỉ đạo của Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH các cấp, sự giúp đỡ của cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, ngành liên quan để triển khai nhiệm vụ của đơn vị đạt chất lượng và hiệu quả cao. Riêng năm 2014, Phòng giao dịch đã quản lý và huy động tổng nguồn vốn trị giá 341,8 tỷ đồng tập trung vào cho vay hộ nghèo và hộ cận nghèo; tổng dư nợ tín dụng đạt 340.746 triệu đồng, với 12.075 hộ trong đó có 5.581 hộ nghèo còn dư nợ, chiếm tỷ lệ 43,43% tổng số hộ trên địa bàn huyện.
Với phương châm vốn vay phải nhanh chóng đến tận tay đối tượng có nhu cầu và đúng đối tượng thụ hưởng, đến nay, NHCSXH huyện Bảo Thắng đang quản lý 374 Tổ TK&VV do chính quyền cơ sở thành lập tại 264 thôn bản với sự phối hợp quản lý của bốn tổ chức hội đoàn thể như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh và Đoàn Thanh niên. Các hội đoàn thể luôn nỗ lực ngày đêm vào cuộc cùng NHCSXH giải ngân vốn nhanh, kịp thời cho các đối tượng vay, đôn đốc hộ vay sử dụng vốn vay hiệu quả và thực hiện nghĩa vụ trả nợ ngân hàng, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra, xử lý thu hồi nợ quá hạn, phấn đấu không để phát sinh nợ quá hạn.
Đáng chú ý, từ năm 2010 đến 2014, nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, Phòng Giao dịch huyện Bảo Thắng đã giúp 9.393 hộ thoát nghèo, thu hút và tạo việc làm mới cho 514 lao động được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm; giúp cho 4.919 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn đi học và 3.286 hộ xây dựng, cải tạo công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn... Góp phần quan trọng vào kết quả thực hiện hoàn thành kế hoạch tạo việc làm cho lao động nông thôn, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của huyện.
Cùng với việc kiểm tra giám sát vốn vay sau giải ngân, NHCSXH còn phối hợp với các hội, đoàn thể thông qua các Tổ TK&VV tuyên truyền, định hướng người dân sử dụng vốn vay đúng mục đích. Ông Hoàng Đức Văn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trì Quang cho biết, qua nhiều năm hỗ trợ, nguồn vốn từ NHCSXH đã đồng hành, sát cánh, tạo chỗ dựa vững chắc không chỉ về mặt vật chất mà cả tinh thần, giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Cùng với nghị lực vươn lên của đồng bào, sự quan tâm giúp đỡ của các cấp, ngành, chính quyền địa phương, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã, đang và sẽ là động lực, điểm tựa vững chắc cho người dân thoát nghèo bền vững.