Tín dụng chính sách Bình Dương chung tay giảm nghèo bền vững

Thứ ba, 26/04/2022 10:25
(ĐCSVN) - Công cuộc giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Thành quả đó có được ngoài sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện, xã, sự tham gia tích cực của nhân dân, phải kể đến những đóng góp thiết thực, quan trọng của hệ thống chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Dương đã tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng, kịp thời nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước đến tận tay các đối tượng thụ hưởng.
Hộ vay vốn tại điểm giao dịch xã (Ảnh: PV)

Không chỉ đồng hành cùng người dân giảm nghèo

Ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, trước đây, cuộc sống đồng bào DTTS nơi đây rất gian nan, thiếu thốn, nhưng từ khi được NHCSXH cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi, sửa chữa và xây mới nhiều công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn, đời sống bà con nơi đây được cải thiện, no đủ hơn. Trong đó, gia đình ông A Ly, dân tộc Chăm được mọi người nhắc đến như một hình mẫu giảm nghèo bền vững.

Mấy năm trước, nhà ông còn đứng trong top nghèo nhất xã Minh Hòa. Tuy có đất ruộng canh tác nhưng thiếu vốn liếng, ông chỉ loay hoay trồng giống cây ngắn ngày năng suất thấp, cuộc sống quanh năm nhọc nhằn. Từ năm 2017, được sự động viên của Chi hội nông dân ấp, ông A Ly đã mạnh dạn vay vốn chính sách để cải tạo vườn tạp, làm chuồng trại kiên cố nuôi bò sinh sản, heo giống. Hiện nay, cơ ngơi của gia đình ông đã có đàn bò 20 con, cùng 2ha vườn rau xanh tốt, mang lại nguồn thu nhập cho gia đình 80 triệu đồng mỗi năm.

 Niềm vui nhận nguồn vốn ưu đãi (Ảnh: PV)

Ở TP Thuận An, nằm về phía Nam tỉnh Bình Dương, 636 tỷ đồng nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH đã tạo thêm lực đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần giảm sâu tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân. Điển hình như gia đình anh Nguyễn Tấn Lợi ở khu phố Bình Quới B, phường Bình Chuẩn vay vốn NHCSXH để mở xưởng sản xuất đồ mộc dân dụng. “Hiện tại, gia đình tôi thoát nghèo, lại được vay thêm vốn ưu đãi ngay trong phiên giao dịch bù cho thời gian bị ngừng giao dịch do COVID-19 để khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Cảm ơn sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể địa phương và NHCSXH ”, anh Lợi tâm sự.

Rất nhiều hộ nghèo, gia đình khó khăn tỉnh Bình Dương được tiếp cận tới chính sách tín dụng của Nhà nước. Nguồn vốn ưu đãi đã trở thành công cụ hữu hiệu giúp địa phương thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới. Hiện, toàn tỉnh chỉ còn 3.114 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,95% tổng số hộ.

Mà còn chung tay cùng người dân làm giàu trên mảnh đất quê hương

Mô hình hộ vay vốn chăn nuôi bò hiệu quả (Ảnh: PV)

Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Bình Dương, Võ Văn Đức cho biết: Những năm qua, chi nhánh luôn bám sát các chủ trương, chính sách, nghị quyết liên quan đến tín dụng chính sách, đồng thời căn cứ vào thực tế của địa phương để khơi thông nguồn vốn phục vụ kịp thời, đắc lực công cuộc giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững.

Đến nay, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt gần 4.300 tỷ đồng, tăng 320 tỷ đồng so với đầu năm 2022, với gần 76.000 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, nguồn vốn từ ngân sách địa phương chuyển sang đạt 1.825 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã được lan tỏa về 1.605 Tổ tiết kiệm và vay vốn qua 91 Điểm giao dịch xã để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác.

 Mô hình hộ vay vốn sản xuất  và chế biến gỗ thành công (Ảnh: PV)

Để chính sách tín dụng ưu đãi đạt hiệu quả cao, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã luôn xác định việc thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi là nhiệm vụ chính trị trọng tâm; từ đó trực tiếp chỉ đạo NHCSXH phối hợp với các ban ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tập trung huy động các nguồn lực tài chính, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng.

Đồng hành cùng sự chỉ đạo sâu sát của Trung ương và lãnh đạo địa phương là sự bền bỉ, sáng tạo và tận tâm của những người làm tín dụng chính sách đã chẳng quản ngại vất vả nắng mưa, dịch bệnh, luôn bám sát cơ sở, phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, tổ chức chính trị - xã hội về cách thức giúp dân vay vốn thuận lợi, sử dụng vốn vay hiệu quả để phát triển kinh tế, giảm nghèo nhanh, bền vững. Nhờ đó, hình ảnh người cán bộ áo hồng đã và đang trở nên gần gũi, đẹp đẽ trong mắt người dân miền đất đỏ Bình Dương.

 

Dư Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực