Bắc Giang là tỉnh đầu tiên của nước ta bị dịch COVID-19 bùng phát dữ dội trong lần thứ tư. Lần này, dịch tấn công vào các khu công nghiệp các cụm dân cư, gây ra nhiều khó khăn, tổn thất nhưng Đảng bộ chính quyền, đồng bào các dân tộc nơi đây đã chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của tỉnh, quyết tâm nỗ lực, sáng tạo thực hiện tốt mục tiêu kép; vừa chống dịch, vừa bảo đảm phát triển kinh tế.
Đáng mừng là chỉ trong vòng 2 tháng, Bắc Giang đã khống chế đẩy lùi được dịch bệnh và quay trở lại trạng thái bình thường từ giữa tháng 6/2021.
|
Đảm bảo 5K khi giao dịch sau giãn cách COVID-19 |
Những mô hình giảm nghèo hiệu quả từ nguốn vốn tín dụng chính sách
Theo đó, cùng với các cơ quan, đơn vị, công trình, nhà máy, Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Bắc Giang đã khẩn trương mở cửa đón tiếp những khách hàng truyền thống của mình là hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ miền núi cao Sơn Đông, Lục Ngạn đến vùng “tâm dịch” Việt Yên, Lục Nam. Guồng máy của Chi nhánh bao gồm 10 phòng giao dịch cấp huyện 209 điểm giao dịch cấp xã tiếp tục vận hành nhịp nhàng. Gần 150 cán bộ tinh thông việc điều hành, tác nghiệp tín dụng chính sách cùng hơn 1.000 cán bộ các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, Đoàn thanh niên làm nhiệm vụ ủy thác được ví như cánh tay vươn dài của NHCSXH, lại hối hả chuyển tải đồng vốn ưu đãi của Chính phủ về tận bản làng, giúp nhân dân khôi phục, phát triển sản xuất, ổn định, nâng cao cuộc sống.
Thật vậy, về Bắc Giang những ngày này, ai ai cũng cảm nhận rõ niềm phấn khởi, tự hào về thành quả của đợt phòng chống dịch COVID-19 và của công cuộc giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới do chính công sức của những con người nơi đây, trong đó có đội ngũ cán bộ, nhân viên NHCSXH xây đắp lên.
Chứng minh sinh động cho ý chí vượt khó thoát nghèo là gia đình chị Bàn Thị Huệ ở thôn Đồng Đinh, xã Bình Sơn vốn là chủ hộ dân tộc Dao nghèo. Năm 2016, chị được NHCSXH huyện Lục Nam cho vay 40 triệu đồng để làm chuồng trại chắc chắn, nuôi trâu bò sinh sản kết hợp với khai hoang cải tạo đất đồi hoang hóa thành vườn tược trồng cây ăn quả đặc sản; cam Bố Hạ, bưởi Phúc Trạch. Nhờ chăn nuôi phát triển, ruộng vườn năng suất, kinh tế gia đình chị khấm khá. Ngay sau khi quê nhà ra khỏi vùng “tâm dịch” chị Huệ được vay tiếp 100 triệu đồng vốn ưu đãi dành cho hộ mới thoát nghèo để đầu tư mở rộng mô hình trang trại VACR (vườn, ao, chuồng, rừng) thực hiện ước mơ làm giàu ngay chính nơi sinh thành.
|
Hộ vay vốn tín dụng chính sách chăn nuôi gà hiệu quả |
Còn ở huyện Yên Dũng nằm cận kề với thành phố Bắc Giang, nguồn vốn chính sách được coi như trợ thủ đắc lực, giúp các hộ nông dân nghèo chủ động chế ngự thiên nhiên, lực chọn xây dựng mô hình sản xuất phù hợp, hiệu quả, tạo sự ổn định đầu ra cho những sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đơn cử có gia đình chị Nguyễn Thị Dung ở thôn Chùa, xã Tiến Dũng, trước đây do ruộng đất canh tác ít, sức khỏe lại đau yếu, nên cuộc sống luôn thiếu trước hụt sau. Nhưng từ khi vay được 50 triệu đồng của NHCSXH, chị Dung mạnh dạn đầu tư chăn nuôi lợi nái, bò sinh sản; khi dư dả tiền nong, chị tiếp tục đào ao nuôi cá, cải tạo chân ruộng trũng thành vườn cao trồng rau sạch trong nhà lưới. Thu nhập ngày một tăng, gia đình chị hiện đã ra khỏi danh sách hộ nghèo, đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh. Tương tự, anh Nông Văn Hùng (dân tộc Nùng) bản Cây Thị, xã Đồng Tiến, Huyện Yên Thế đã sử dụng vốn vay chính sách mua giống cây con tốt và vật tư phân bón, thức ăn gia súc chọn lọc nuôi 2000 con gà đồi, trồng 3ha keo lai. “Từ đồng vốn ưu đãi cùng việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào chăm sóc chăn nuôi gà thương phẩm, trồng rừng kinh tế , gia đình tôi có được cuộc sống đủ đầy, thu nhập mỗi năm tới trăm triệu đồng” anh Hùng vui vẻ nói.
Từ chuyện thoát nghèo của những người dân ở các làng đồi, nhìn rộng ra cả tỉnh Bắc Giang có trên 25 nghìn hộ nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn cũng được hưởng lợi qua việc sử dụng 5.139 tỷ đồng của NHCSXH vào việc đầu tư thâm canh vườn cây ăn quả, nâng độ che phủ của rừng, tăng đàn gia súc gia cầm, mở mang ngành nghề, tạo việc làm, thu nhập thường xuyên.
Giám đốc NHCSXH Bắc Giang, ông Hà Quốc Quân khẳng định: Xuyên suốt chặng đường 19 năm xây dựng và phát triển của Chi nhánh dù phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thử thách ngay từ thủa ban đầu thành lập như lực lượng thiếu, vốn liếng ít, hộ nghèo nhiều… đến những tháng gần đây dịch bệnh COVID-19 bùng phát, lan nhanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của xã hội, nhưng với tinh thần đoàn kết, ý chí vượt khó khăn, toàn đơn vị đã chủ động bám sát sự chỉ đạo của ngân hàng cấp trên và Đảng bộ, chính quyền địa phương, tìm mọi cách huy động thật nhiều nguồn lực tài chính và tổ chức thật tốt các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước. Bởi thế, NHCSXH Bắc Giang được tin tưởng nhận thêm nhiều vốn hoạt động. Minh chứng hiện rõ đến nay tổng nguồn vốn chính sách ở Bắc Giang đạt xấp xỉ 5.200 tỷ đồng, tăng 407 tỷ đồng so với năm 2020.
Tín dụng chính sách luôn là nhiệm vụ trọng tâm
|
Ký kết hợp đồng tín dụng chính sách hỗ trợ ngừng việc, trả lương do COVID-19 |
Có được kết quả trong công tác huy động nguồn lực dồi dào cần kể đến vai trò của các cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện xã ở Bắc Giang luôn xác định công tác tín dụng chính sách là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, để từ đó quan tâm, tạo điều kiện cho NHCSXH tập trung huy động, tạo lập được nguồn vốn lớn từ trong nước, ngoài nước, và tích cực khai thác nguồn vốn ngân sách tại địa bàn. Cụ thể sau 7 năm triển khai thực hiện chỉ thị 40 của Ban bí thư, UBND tỉnh, huyện, xã đã chuyển vốn ngân sách ủy thác sang NHCSXH đến 168,5 tỷ đồng, góp thêm lực để cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn đầu tư phát triển sản xuất nâng cao đời sống. Điểm nổi bật trong hoạt động của NHCSXH Bắc Giang là đội ngũ những người làm tín dụng chính sách ngày nay đều thuộc thế hệ 7X, 8X, từng được đào tạo tại các trường đại học, cao đẳng, có trải qua rèn luyện trên miền biên cương phía Bắc, trong vùng sông nước phía Nam, nên có đủ năng lực, giàu nhiệt huyết đổi mới quy trình thủ tục, phương thức cấp tín dụng chính sách ngay ở miền đất trung du quê hương. Đó là những việc thông qua hệ thống 3.116 tổ TK&VV ở các làng bản, khu phố và mạng lưới 209 điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn, cán bộ ngân hàng đã thực hiện hiệu quả phương thức “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”. Điều dễ nhận thấy hệ thống tổ TK&VV và điểm giao dịch trên địa bàn đã kết thành mạng sóng, phủ kín xuống tận các xã, tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận đầy đủ, thuận lợi tới nguồn vốn chính sách của Nhà nước. Cùng với đó, việc phối hợp giữa NHCSXH với các Hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn thanh niên nhận ủy thác ngày càng chặt trẽ, góp phần thực hiện tốt công tác bình xét công khai, công bằng cho các đối tượng vay vốn chính sách. Mọi hoạt động thu nợ, thu lãi cũng được thực hiện đúng quy định, đảm bảo nâng cao chất lượng tín dụng.
Chính sự đổi mới phương thức cấp tín dụng này đã tạo điều kiện để NHCSXH Bắc Giang triển khai tốt việc trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ do ảnh hưởng dịch COVID-19. Đến nay đã có 64 doanh nghiệp được vay hơn 200 tỷ đồng vốn ưu đãi với lãi suất 0% để trả lương cho gần 59 nghìn lượt lao động trên địa bàn tỉnh. Theo thông báo, NHCSXH Bắc Giang hiện là đơn vị dẫn đầu cả nước về giải ngân cho vay vốn để hỗ trợ trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi của NHCSXH đã trở thành công cụ hữu hiện giúp tỉnh Bắc Giang thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, vượt qua khó khăn ngăn ngừa được tác hại của thiên nhiên, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19. Tiêu biểu trong giai đoạn 2016-2020 tỉnh Bắc Giang đạt đồng đều tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm 2,23%, riêng các xã đặc biệt khó khăn và huyện nghèo 30a giảm đến 4-5% vượt cao hơn kết quả cả nước.
Công tác tín dụng chính sách ở Bắc Giang đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đồng vốn ưu đãi, luôn chảy đều. Thời gian tới, công cuộc chống đói nghèo và dịch bệnh còn cam go, phức tạp, kéo dài. Bởi vậy, NHCSXH Bắc Giang tiếp tục bám sát mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tuân thủ nghiêm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên và địa phương, tập trung cao độ huy động các nguồn lực, khẩn trương chuyển vốn an toàn về các vùng miền khó khăn, đến đúng các đối tượng thụ hưởng, đóng góp nhiều hơn vào mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.