(ĐCSVN) - Là Trưởng đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) về việc giải quyết kiến nghị của cử tri đến Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội Khóa XIII, Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền cho biết, những đồng vốn chính sách đã đến với người dân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Chính phủ cần có chính sách thu hút doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm, giúp người nghèo thoát nghèo bền vững.
|
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền (áo xanh thứ hai từ trái qua) - Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH khảo sát thực tế tại huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi (Ảnh: VBSP) |
Phóng viên (PV): Là Trưởng đoàn giám sát của UBTVQH về việc giải quyết kiến nghị của cử tri đến Kỳ họp thứ VIII, Quốc hội Khóa XIII, xin ông cho biết, cử tri có những đề xuất gì về chính sách tín dụng đối với hộ nghèo và gia đình chính sách?
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: Tại kỳ họp thứ VIII, Quốc hội Khóa XIII, cử tri cả nước đã gửi đến 2.018 kiến nghị về tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đối ngoại của đất nước.
Trong đó, có các kiến nghị về tín dụng đối với hộ nghèo và các đối chính sách khác như: tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến điều kiện, thủ tục vay vốn; thời hạn trả nợ; nâng mức cho vay, kéo dài thời hạn cho vay; bổ sung đối tượng cho vay đối với hộ gia đình, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; quy định về phương thức cho vay phù hợp với sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi theo mùa vụ; giảm lãi suất cho vay và nâng mức cho vay; chính sách hỗ trợ vốn vay đối với các đối tượng mới thoát nghèo...
PV: Những kiến nghị này đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: Việc thực hiện chính sách tín dụng được xây dựng trên cơ sở nguồn lực của Nhà nước và huy động các nguồn vốn khác trong xã hội. Thời gian qua, Chính phủ đã nhiều lần điều chỉnh lãi suất, bảo đảm phù hợp hơn với thực tế, yêu cầu nguyện vọng của cử tri. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số chương trình tín dụng khác tại NHCSXH. Mới đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 750/QĐ-TTg, theo đó, từ ngày 05/6/2015, giảm lãi suất cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, HSSV, đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và nhiều chương trình, dự án khác; đồng thời, xem xét nâng mức cho vay tối đa đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo từ 30 triệu đồng lên 50 triệu đồng/hộ.
Việc giảm lãi suất, nâng hạn mức cho vay trong thời gian vừa qua là nỗ lực lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành, trong đó có vai trò tích cực của NHNN và NHCSXH. Qua theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri cho thấy, cùng với việc hỗ trợ người dân thoát nghèo, Chính phủ đã giao NHNN nghiên cứu, đề xuất việc tiếp tục cho hộ mới thoát nghèo được hưởng chính sách vay vốn tín dụng ưu đãi để bảo đảm thoát nghèo bền vững.
PV: Vừa qua, Ban Dân nguyện đã làm việc với huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) và huyện Diễn Châu (Nghệ An), hiệu quả của chính sách tín dụng tại 2 địa phương như thế nào, thưa ông?
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: Đoàn đã khảo sát thực tế tại cơ sở và tiếp xúc với một số ngư dân - những người trực tiếp đánh bắt hải sản ngoài khơi để tìm hiểu và giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống trong đó có việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi theo tinh thần Nghị định 67/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Qua đó cho thấy, nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách đã góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, làm chuyển biến nhận thức, cách thức làm ăn cho hàng nghìn lượt hộ nghèo. Đặc biệt đối với vùng ven biển, hải đảo, việc cho vay ưu đãi đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách còn tác động quan trọng đối với việc giữ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần bảo đảm ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
|
Vốn tín dụng chính sách đã đến tận tay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi (Ảnh: VBSP) |
Tại huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), dư nợ tín dụng của NHCSXH đến nay đạt gần 70 tỷ đồng; dư nợ bình quân 23 triệu đồng/hộ; đặc biệt là không có nợ quá hạn... Tuy vậy, do điều kiện không thuận lợi, cách đất liền khoảng 15 hải lý, nguồn lực còn hạn chế, việc đầu tư để phát triển kinh tế biển đảo tại đây chưa tương xứng với tiềm năng. Đời sống của người dân trên đảo Lý Sơn còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, gió bão, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, khoảng 16,31% dân số, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước.
Tại Diễn Châu (Nghệ An) - một trong những huyện được đánh giá là địa phương thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi có dư nợ cao nhưng nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,09% trong tổng dư nợ cho vay của ngân hàng, bằng 1/5 dư nợ quá hạn bình quân chung của cả nước (0,43% - 0,45%). Hiện, dư nợ toàn huyện đạt 584 tỷ đồng; trong đó, có khoảng 9.300 HSSV có dư nợ vay chương trình tín dụng, với dư nợ hơn 240 tỷ đồng.
PV: Phần lớn các hoạt động an sinh xã hội và các chương trình tín dụng ưu đãi hiện đều được thực hiện thông qua NHCSXH. Theo ông, mô hình và hoạt động hiện nay của NHCSXH đã đáp ứng được nhu cầu của người dân hay chưa?
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: Năm 2002, Chính phủ đã ban hành Nghị định 78 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đồng thời thành lập NHCSXH, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để triển khai thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi. Mô hình tổ chức quản trị của NHCSXH mang tính đặc thù và thời gian qua đã đáp ứng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn và thực hiện xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Với mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch rộng khắp toàn quốc và hệ thống điểm giao dịch xuống tận các xã, phường, thị trấn; các tổ tiết kiệm và vay vốn thành lập tại các thôn, bản, ấp, buôn làng nên việc triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách rất thuận lợi, đơn giản, ngay tại cơ sở, tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại cho người dân.
Cùng với đó, theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH Nguyễn Văn Bình, hiện tại, NHCSXH tại các địa phương đã cử cán bộ tham gia các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH và đại biểu HĐND để kịp thời giải trình những vấn đề cử tri nêu thuộc trách nhiệm ngân hàng; tham gia tích cực phong trào đền ơn đáp nghĩa, hỗ trợ người nghèo bằng chính sự đóng góp của từng cán bộ nhân viên trong toàn hệ thống. Thông qua các hoạt động này đã tạo gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng với người vay và với chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp cơ sở, được cử tri hoan nghênh, đánh giá cao.
PV: Qua thực tế tiếp xúc cử tri của các Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) trước Kỳ họp thứ IX, cử tri nhiều địa phương kiến nghị Chính phủ giảm lãi suất một số chương trình cho vay; tăng mức cho vay đối với hộ nghèo, gia đình chính sách. Là ĐBQH và Trưởng Ban dân nguyện, ông nghĩ sao về kiến nghị này?
Trưởng Ban dân nguyện Nguyễn Đức Hiền: Việc giảm lãi suất vốn vay hay tăng mức cho vay đối với người dân, doanh nghiệp nói chung và người nghèo, đối tượng chính sách nói riêng là yêu cầu chính đáng và cũng là mong muốn của Đảng và Nhà nước ta, với mục đích phục vụ nhân dân, thực hiện tốt hơn các yêu cầu về an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất cải thiện cuộc sống.
Mức cho vay như hiện nay tương đối phù hợp với nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Tuy nhiên, trên cơ sở tiếp thu, nghiên cứu giải quyết kiến nghị của cử tri, đề nghị Chính phủ tiếp tục có chính sách tín dụng ưu đãi phù hợp, trong đó có việc giảm lãi suất, giảm thủ tục và điều kiện cho vay, tạo điều kiện để người dân được tiếp cận nguồn tín dụng phục vụ sản xuất. Đồng thời, cùng với chính sách tín dụng cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, tạo công ăn việc làm cho người lao động, giúp cho người nghèo thoát nghèo bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!