Thăm hỏi, động viên bà con vùng lũ xã Cát Chánh, huyện Phù Cát, Bình Định (Ảnh: T.G.N)
Với mong muốn giúp bà con miền Trung vượt qua chặng đường gian khó, chương trình Tọa đàm trực tuyến lần này nhằm cung cấp cho độc giả những thông tin mới nhất về chính sách vay vốn, hỗ trợ nguồn vốn giúp người dân tái sản xuất; đồng thời các chuyên gia cũng sẽ liên quan đến thủ tục, hồ sơ trong quá trình vay vốn giúp người dân ổn định cuộc sống, vượt qua khó khăn và góp phần đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương. Tham gia tọa đàm trực tuyến là các cán bộ đến từ NHCSXH, gồm có: ông Nguyễn Việt Hải, Phó giám đốc Ban hợp tác quốc tế và truyền thông; bà Nguyễn Thị Liễu - Giám đốc Ban quản lý nợ và xử lý rủi ro; bà Hồ Lan Hương, Phó giám đốc Ban tín dụng người nghèo và ông Đinh Xuân Hùng, Phó giám đốc Ban kế hoạch nguồn vốn.
Theo NHCSXH, tính đến hết tháng 10/2016, tại ngân hàng có 8.605 món vay bị ảnh hưởng thiệt hại với số tiền là 167,6 tỉ đồng bởi sự cố môi trường biển. Trong đó, thiệt hại trực tiếp đến vốn tín dụng chính sách của NHCSXH do cá, tôm, ngao nuôi bị chết là 7,1 tỉ đồng; ảnh hưởng gián tiếp đến nguồn vốn của NHCSXH như: Ngư cụ đánh bắt hải sản mua từ nguồn vốn vay tại NHCSXH nay không đi đánh bắt được; máy móc, vật liệu sản xuất chế biến thủy hải sản nay không có nguyên liệu để chế biến; hải sản đánh bắt không bán được, lao động mất việc làm từ ngư nghiệp và kinh doanh dịch vụ liên quan, số tiền thiệt hại ước tính 160,5 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Việt Hải, Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông trả lời bạn đọc tại chương trình (Ảnh: HNV)
Về thiệt hại do mưa lũ, tại 5 tỉnh miền Trung: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, đến tháng 10/2016, tình hình thiệt hại vốn tín dụng NHCSXH là 4.066 món vay, với tổng số tiền là gần 78 tỉ đồng.
Trước tình hình trên NHCSXH đã thông báo vốn cho vay bổ sung đối với các hộ có phương án sản suất kinh doanh mới theo đề nghị của các tỉnh với số tiền 216 tỉ đồng để giúp cho hộ vay vốn vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề.
Trả lời các thắc mắc của độc giả xung quanh các chính sách hỗ trợ các đối tượng vay tín dụng chính sách bị thiệt hại và ảnh hưởng do rủi ro thiên tai, các đại diện đến từ NHCSXH đều chung suy nghĩ rằng, thiên tai lũ lụt, mất nhà cửa, mất ruộng vườn là điều không ai mong muốn. Ông Nguyễn Việt Hải, Phó Giám đốc Ban Hợp tác quốc tế và Truyền thông cho biết, từ đầu 2016 tới nay, trước các đợt thiên tai, lũ lụt, NHCSXH luôn chủ động tổ chức kênh cung cấp và xử lý thông tin về tình hình thiệt hại do bão lũ, kịp thời tham mưu cho Đảng ủy NHCSXH Trung ương, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đề xuất các phương án cứu trợ cho các hộ gia đình bị thiệt hại tại các địa phương. Đơn cử, đã tổ chức 05 Đoàn công tác đi hỗ trợ bà con bị thiệt hại tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, trong thời gian từ ngày 17/10/2016 đến ngày 06/11/2016, ủng hộ cho 3.300 hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ (trong đó có 45 gia đình có người chết do mưa lũ) với tổng số tiền là 1.988 triệu đồng theo đúng tinh thần, kịp thời hỗ trợ hộ gia đình bị thiệt hại do mưa lũ gây ngập lụt, đến đúng địa chỉ cần hỗ trợ và tạo dựng, củng cố thêm hình ảnh gần gũi của NHCSXH.
Bổ sung thêm thông tin, theo bà Hồ Lan Hương, Phó Giám đốc Ban Tín dụng người nghèo, NHCSXH đã kịp thời phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội tại địa phương và khách hàng vay vốn tại NHCSXH nắm bắt kịp thời những thiệt hại do mưa lũ gây ra. Căn cứ theo mức độ của từng khoản vay, NHCSXH nơi cho vay phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn khách hàng lập hồ sơ và đề nghị xử lý nợ rủi ro theo quy định. Đồng thời, NHCSXH Trung ương đã thông báo bổ sung tăng chỉ tiêu dư nợ để các chi nhánh cho hộ vay vốn tiếp tục khôi phục sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định đời sống, đảm bảo an sinh xã hội.
Giải đáp thắc mắc của bạn đọc, bà Hồ Lan Hương cho hay, để tạo điều kiện cho các hộ gia đình có dư nợ vay bị thiệt hại trong đợt lũ lụt vừa qua và những khách hàng vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh bị rủi ro do nguyên nhân khách quan như: thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, … có vốn tái sản xuất đầu tư sản xuất kinh doanh, NHCSXH đang hướng dẫn thực hiện cho vay bổ sung vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh đối với những chương trình thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng quản trị NHCSXH còn đối với những chương trình thuộc thẩm quyền quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, NHCSXH sẽ kiến nghị trình trong cơ chế xử lý nợ rủi ro của NHCSXH (dự kiến trong đầu năm 2017).
Bà Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc Ban Quản lý nợ và xử lý rủi ro tại Tọa đàm (Ảnh: HNV)
Liên quan tới các câu hỏi của bạn đọc về khoanh nợ, gia hạn nợ, xóa nợ với các hộ vay bị ảnh hưởng bởi rủi ro thiên tai, bà Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc Ban Quản lý nợ và Xử lý rủi ro cho biết, khách hàng bị thiên tai lũ lụt, mất nhà cửa, mất ruộng vườn được xem xét khoanh nợ, xóa nợ trong các trường hợp: khi khách hàng gặp rủi ro do thiên tai lũ lụt với mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến 100%. Trong đó: khoanh nợ tối đa 3 năm nếu mức độ thiệt hại về vốn và tài sản từ 40% đến dưới 80%, khoanh nợ tối đa 5 năm nếu mức độ thiệt hại từ 80% đến 100%; nếu khách hàng chết, mất tích, có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt không nơi nương tựa mà không còn tài sản để trả nợ, không có người thừa kế hoặc người thừa kế thực sự không có khả năng trả nợ thay cho khách hàng.
Trao đổi thêm với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Việt Hải, Phó giám đốc Ban hợp tác quốc tế và truyền thông cho biết thêm, thời gian qua, đặc biệt từ đầu năm 2016 tới nay, NHCSXH đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tập trung bảo quản tài sản, con người, cán bộ, công nhân viên trên địa bàn đồng thời tổ chức các đợt thăm hỏi, động viên, kịp thời, đặc biệt đã tổ chức nhanh các đoàn công tác thăm hỏi các địa phương bị ảnh hưởng lớn của thiên tai, lũ lụt: Phú Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh… Đồng thời, chỉ đạo các chi nhánh NHCSXH bị ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai cũng nhanh chóng, triển khai thống kê rà soát các thiệt hại để có những đề xuất gia hạn nợ, khoanh nợ, xóa nợ một cách phù hợp.
Theo bà Nguyễn Thị Liễu, Giám đốc Ban Quản lý nợ và xử lý rủi ro, từ đầu năm, rủi ro thiên tai là những điều không ai mong muốn. Nhưng từ đầu năm 2016 đến nay, đã có 4 đợt thiệt hại do thiên tai xảy ra được NHCSXH kịp thời triển khai các hoạt động hỗ trợ, đó là: thiệt hại do rét đậm, rét hại, bão tuyết ở một số tỉnh miền núi phía Bắc; sự cố môi trường biển với 4 tỉnh ven biển miền Trung; hạn hán xâm nhập mặn ở Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long và lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Căn cứ vào mức độ thiệt hại của khách hàng, NHCSXH phối hợp với các đơn vị ủy thác để lập hồ sơ, có giải pháp xem xét giải quyết phù hợp, bảo đàm quyền lợi và nghĩa vụ của người dân./.