Tín dụng chính sách giúp dân vùng chè Thái Nguyên giảm nghèo bền vững

Thứ hai, 21/06/2021 16:56
(ĐCSVN) - Để phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai phù nhiêu, tài nguyên phong phú, đưa kinh tế đa phương phát triển nhanh bền vững, cùng việc đảm bảo an sinh xã hội, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã đẩy mạnh triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách chung cũng như xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù, trong đó chú trọng công tác tập trung các nguồn lực, khai thông dòng chảy vốn tín dụng chính sách đầu tư kịp thời giúp người nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn phát triển sản xuất cải thiện đời sống.

Từ chủ trương đúng đắn đó, NHCSXH trên miền quê “đệ nhất danh trà” Thái Nguyên hiện tại được bố trí nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư do Trung ương chuyển về 3.074 tỷ đồng, tăng 157 tỷ đồng so với cuối năm 2020 và nguồn vốn ngân sách của địa phương chuyển sang 140 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch cả năm 2021.

Đảm bảo an toàn giao dịch trong bối cảnh phòng, chống dịch COVID-19 (Ảnh: PV) 

Có nguồn vốn lớn cùng cách thức cho vay ủy thác thông qua 638 Hội Đoàn thể các cấp và mạng lưới 2.877 tổ TK&VV, hệ thống 171 điểm giao dịch xã luôn duy trì hoạt động định ký phủ rộng khắp địa bàn trung du miền núi rộng lớn, nên NHCSXH Thái Nguyên từ tỉnh đến huyện đã chủ động thực hiện phương thức cấp tín dụng trực tiếp, đầy đủ cho các đối tượng thụ hưởng ngay tại nhà, tại xã phường, thị trấn.

Cũng chính từ quy trình, thủ tục, phương thức cấp tín dụng này, đồng vốn ưu đãi của nhà nước được đưa về kịp thời, an toàn trên miền đất chè rộng lớn, đến cả vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, cho dù gặp trở ngại do thiên tai dịch bệnh gây ra.

Tính đến 31/5/2021, NHCSXH Thái Nguyên đã cho vay với doanh số khoảng 3.800 tỷ đồng, với hơn 107 nghìn khách hàng đang còn dư nợ. Đặc biệt những cán bộ tín dụng chính sách trên mảnh đất này chẳng quản ngại khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, đã bền bỉ, dốc sức chuyển tải 581 tỷ đồng đến tận tay 15.925 hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn tạo điều kiện thuận lợi để họ yên tâm phát triển sản xuất kinh doanh, ổn định cuộc sống.

Nguồn vốn chính sách đã góp phần tích cực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội ở tỉnh Thái Nguyên,giảm bình quân 2,5% hộ nghèo/năm, xây dựng mới nhà ở vững chắc cho 266 hộ đồng bào dân tộc ở miền núi Định Hóa, Đại Từ, mở lối thoát khỏi vùng đặc biệt khó khăn cho 31 xã ở khu vực miền núi dân tộc. Cũng nhờ vốn chính sách, vấn nạn “cho vay nặng lãi, bán lúa non” từ bao năm qua được phòng ngừa, đáng kể, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn, tạo đà đẩy kinh tế - xã hội địa phương chuyển biến tích cực.

 Thái Nguyên triển khai phương châm "giao dịch tại nhà, giải ngân tại chỗ" (Ảnh: PV)

Tại huyện miền núi Định Hóa nơi cách xa Thành phố Thái Nguyên còn 2/3 số xã nằm trong vùng đặc biệt khó khăn và 29,5% hộ nghèo vào thời điểm 10 năm trước, nhưng nay đã thụ hưởng hơn 537 tỷ đồng thuộc 14 chương trình tín dụng chính sách. Nhờ vậy, các hộ nghèo các gia đình đồng bào dân tộc đã chủ động phát triển chăn nuôi trâu bò kéo, lợn nái, thâm canh đồi chè, ruộng lúa đạt năng suất, sản lượng cao, làm cho cuộc sống bớt nhọc nhằn, thêm tươi sáng giữa núi rừng Việt Bắc. Đó là gia đình ông Đỗ Công Thành, người Tày ở thôn Phú Ninh, xã Phú Đình đã sử dụng 45 triệu đồng tín dụng chính sách đâu tư trồng chè sạch, nuôi bò kéo. Vườn chè xanh tốt, đàn bò béo khỏe giúp gia đình ông thoát cảnh nghèo túng; thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm.

Còn phải kể tới hộ chị Hòa Thị Liên, xóm Thống Phong, xã Kim Phụng vay 50 triệu đồng của NHCSXH huyện Định Hóa mua vật tư phân bón chọn lọc, giống cây tốt đầu tư làm kinh tế vườn… Do cần cù lao động, phòng từ dịch bệnh chu đáo cho nên 15 sào vườn cây ăn quả như: cam, chanh leo, đạt năng suất cao, hàng năm nhiều tấn quả bán được giá, 400-500 triệu đồng. Giữa mùa dịch COVID-19 năm nay chị Liên hết nợ vay đợt trước, lại còn được vay tiếp 100 triệu đồng vốn chính sách theo quy định mới về nâng mức vay, thời hạn vay dùng cho hộ có phương án đầu tư đối với các dự án sản xuất, kinh doanh dài hạn.

Giám đốc NHCSXH Thái Nguyên, ông Nguyễn Quang Thịnh, cho biết: Với mục tiêu cụ thể trong năm 2021 và trong cuộc hành trình lâu dài của tín dụng chính sách, tỉnh phấn đấu bảo đảm 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có đủ điều kiện, đủ nhu cầu đều được NHCSXH đáp ứng “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”. Tập thể cán bộ, nhân viên toàn đơn vị quyết vượt khó, chung tay góp sức thực hiện các biện pháp phòng chống rủi ro về thiên tai, dịch bệnh tập trung huy động nguồn lực, chuyển tải nhanh chóng an toàn nguồn vốn chính sách đến đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời không ngừng đổi mới phương hướng quản lý, phương pháp công tác, phục vụ hiệu quả chương trình giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế xã hội của địa phương./.

Dư Minh Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực