Tín dụng chính sách - kênh giúp thoát nghèo hữu hiệu và thiết thực nhất

Thứ tư, 16/06/2021 16:04
(ĐCSVN) - Hơn 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI, nhiều kết quả tích cực và đáng khích lệ trong công tác triển khai tín dụng chính sách đã được ghi nhận, góp phần hiệu quả vào công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Kết luận của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội

Cụ thể, theo Báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đã có hơn 12 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại NHCSXH; góp phần giúp hơn 2,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm cho hơn 1,3 triệu lao động; giúp hơn 24 nghìn lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; gần 346 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 7,3 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn, gần 142 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách...

Tín dụng chính sách là “điểm sáng” trong các chính sách xã hội

 Kênh thoát nghèo hữu hiệu - tín dụng chính sách. (Ảnh: NHCSXH)

Thực tế, đường lối phát triển kinh tế - xã hội của nước ta là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Từ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Ðảng về hỗ trợ các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế, công tác xóa đói, giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020; Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói, giảm nghèo.

Trong các chính sách xã hội, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, các mục tiêu, nhiệm vụ mà Ðảng và Nhà nước đã đề ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế, xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước đây, hằng năm ngân sách nhà nước dành khoảng 5-7% để chi trực tiếp cho các đối tượng chính sách xã hội (bao gồm bảo trợ xã hội, an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo…), việc hình thành định chế tài chính tín dụng dành cho một số đối tượng chính sách xã hội với cơ chế chuyển từ cấp phát, hỗ trợ trực tiếp sang hình thức cho vay ưu đãi đã giảm dần gánh nặng ngân sách; đồng thời, khuyến khích sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, từng bước làm giàu của các đối tượng chính sách.

Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội (viết tắt là Chỉ thị số 40) thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Ðảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Tín dụng chính sách xã hội được thực hiện thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc thực hiện được tăng cường. Quy mô tăng trưởng tín dụng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày càng tăng, nâng cao chất lượng tín dụng.

Kết quả triển khai Chỉ thị số 40 khẳng định ý nghĩa về kinh tế, đồng thời có ý nghĩa chính trị và xã hội to lớn, góp phần tạo dựng niềm tin của nhân dân vào đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước, đặc biệt đối với nhóm người dễ bị tổn thương; tăng cường tính chủ động, sáng tạo, nâng cao ý thức trách nhiệm khắc phục tình trạng trông chờ, ỷ lại của người thụ hưởng chính sách; góp phần gắn kết các thành viên trong gia đình, gắn kết nhân dân với Ðảng, nhân dân với các hội đoàn thể, giữa các hội đoàn thể với nhau, nhân dân với nhân dân; giúp chính quyền nắm được tâm tư nguyện vọng của nhân dân thông qua giao dịch xã, tổ tiết kiệm và vay vốn; kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc, bức xúc của nhân dân; góp phần đẩy lùi tệ nạn xã hội và đẩy lùi tình trạng tín dụng đen, ổn định tình hình an ninh trật tự xã hội tại địa phương; làm thất bại âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.

Cả hệ thống chính trị quyết tâm chung tay triển khai hiệu quả tín dụng chính sách

Các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương, chính quyền các cấp đã quan tâm, coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành kế hoạch và các quyết định triển khai thực hiện Chỉ thị. Các tổ chức chính trị - xã hội đã vào cuộc mạnh mẽ thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn, quán triệt và chỉ đạo các cấp hội thực hiện các nội dung của Chỉ thị có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của hội. Ban Cán sự đảng các bộ, ngành đã chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đồng bộ với các chủ trương, quan điểm đề ra tại Chỉ thị để tổ chức thực hiện thống nhất, đồng bộ trong cả nước. 100% cấp ủy đảng, chính quyền địa phương các cấp ban hành văn bản chỉ đạo, lãnh đạo công tác tín dụng chính sách xã hội phù hợp với tình hình địa phương, chủ động bố trí ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH, gắn việc huy động và sử dụng nguồn vốn với phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.

Trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội ngày càng được nâng cao. MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội đã chủ động, tích cực thực hiện vai trò tập trung lực lượng, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chính sách của Ðảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân, nhất là người nghèo và các đối tượng chính sách khác; nâng cao hiệu quả giám sát toàn dân đối với công tác tín dụng chính sách xã hội. Các tổ chức chính trị - xã hội ưu tiên triển khai Chỉ thị số 40 như một giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động và công tác dân vận ở cơ sở; phối hợp chặt chẽ với NHCSXH và chính quyền địa phương trong việc củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội, chất lượng của tổ tiết kiệm và vay vốn; tập trung hướng dẫn bình xét đối tượng vay vốn theo quy định; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn; tăng cường kiểm tra, giám sát, hướng dẫn người vay sử dụng vốn hiệu quả, lồng ghép với các chương trình, dự án của các tổ chức chính trị - xã hội; làm tốt công tác tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Ưu tiên tập trung các nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác vào NHCSXH.

HÐND, UBND các cấp căn cứ chỉ đạo của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính tiếp tục dành một phần ngân sách hằng năm ủy thác qua NHCSXH để cho vay các đối tượng chính sách xã hội; ban hành cơ chế đặc thù và quy chế quản lý, sử dụng nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương. Một số tỉnh, thành phố ban hành chuẩn nghèo cao hơn chuẩn nghèo quốc gia đã bố trí đủ nguồn lực để cho vay các đối tượng này. Từ khi có Chỉ thị số 40, nguồn vốn các địa phương ủy thác sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tăng nhanh và mạnh.

Hội đồng quản trị, ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH các cấp đã được kiện toàn, chất lượng hoạt động được nâng cao. Tổ chức đảng thuộc Ðảng bộ NHCSXH được kiện toàn, phù hợp với mô hình hoạt động, nhằm nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đối với hoạt động của NHCSXH, trong đó có việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Ban đại diện hội đồng quản trị các cấp đã làm tốt hơn chức năng quản trị hoạt động của NHCSXH, kịp thời ban hành các nghị quyết, chủ trương, chính sách, quy định, quy chế tổ chức và hoạt động của NHCSXH, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Vẫn còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, việc triển khai Chỉ thị số 40 vẫn còn một số hạn chế, tồn tại. Nguyên nhân chủ yếu là do mức độ đầu tư vốn của Nhà nước so với kế hoạch và yêu cầu nguồn vốn cho các chương trình mục tiêu giảm nghèo nói chung và tín dụng chính sách xã hội nói riêng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa tích cực triển khai, thực hiện Chỉ thị số 40; chưa xác định đúng vị trí, tầm quan trọng của tín dụng chính sách xã hội, chưa chú trọng chuyển vốn ủy thác sang NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Thiếu cơ chế chỉ đạo, phối hợp, lồng ghép các chương trình, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động chuyển giao công nghệ, huấn luyện, đào tạo nghề với hoạt động tín dụng chính sách xã hội trong toàn quốc cũng như trên từng địa bàn, đặc biệt là địa bàn cấp xã.

nhiều quan điểm, chủ trương và nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 40 vẫn còn nguyên giá trị. Trong thời gian tới, các cấp ủy đảng cần tiếp tục chủ động và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp đề ra tại Chỉ thị số 40, với tinh thần khắc phục những hạn chế, yếu kém; phát huy mặt mạnh, rút ra bài học kinh nghiệm quý báu và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến thành công, phù hợp với từng địa phương, từng lĩnh vực.

Kết quả triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Ðảng và Nhà nước, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, củng cố lòng tin của nhân dân đối với Ðảng và Nhà nước, góp phần đạt mục tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững; xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội; ổn định chính trị, an ninh quốc phòng; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền trên cả nước. Sự mở rộng quy mô và hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội được nâng cao đã khẳng định Chỉ thị số 40 ngày càng đi vào cuộc sống./.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực