Tín dụng chính sách "mở lối" thoát nghèo ở Sóc Trăng

Thứ ba, 20/09/2022 16:20
(ĐCSVN) – Liên tục 20 năm qua, tại Sóc Trăng, được sự quan tâm chỉ đạo của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam (NHCSXH), cấp ủy và chính quyền địa phương, sự phối hợp chặt chẽ của các ban ngành, đoàn thể, dòng vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước luôn chảy đều đặn về khắp địa bàn, đến từng xóm ấp, hỗ trợ kịp thời từng hộ nghèo, từng gia đình đồng bào Khmer khó khăn phát triển sản xuất kinh doanh, cải thiện cuộc sống.

Từ một tỉnh thuần nông nghèo “đầu bảng” với số đồng bào dân tộc Khmer, sinh sống đông nhất ở đồng bằng sông Cửu Long, hiện, Sóc Trăng đã có bước phát triển vượt bậc, mạnh mẽ với nhiều sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng như gạo thơm, tôm sú, đặc biệt thực hiện xây dựng nông thôn mới vượt chỉ tiêu đề ra, nhất là có tỷ lệ giảm nghèo nhanh, bền vững.

 Cán bộ tín dụng chính sách NHCSXH Sóc Trăng thăm mô hình hộ vay vốn hiệu quả trên địa bàn

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đồng thời là Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH của địa phương cho biết: nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến huyện xã, sự tham gia tích cực của nhân dân, cùng những đóng góp tích cực, hiệu quả của NHCSXH trong việc thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, Sóc Trăng đã đạt kết quả ấn tượng trong triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo.

Trong khi đó, theo giám đốc NHCSXH Sóc Trăng, ông Trần Duy Đông, năm 2003, vào thời điểm thành lập NHCSXH Sóc Trăng đã phải đối mặt với bộn bề khó khăn, thách thức như vốn liếng ít ỏi, cán bộ tác nghiệp, điều hành vừa thiếu, vừa yếu trình độ, thêm nữa địa bàn hoạt động rộng lớn và nhiều xã, ấp thuộc vùng 3 (vùng đặc biệt khó khăn) và hơn 60% hộ đồng bào dân tộc Khmer nghèo khó, thiếu vốn sản xuất trầm trọng. “Với quyết tâm cao độ, không nản chí và huy động sự đoàn kết chung sức, chúng tôi đã từng bước xây dựng các phương án xử lý phù hợp, trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực và khẩn trương tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Đặc biệt, 2 năm gần đây, ruộng đồng bị nước biển xâm nhập nhiễm mặn nặng, đại dịch COVID-19 bùng phát lan rộng, những người làm tín dụng chính sách chúng tôi luôn trong tư thế sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, chủ động trong cuộc chiến đầy cam go quyết liệt chống đói nghèo này” – Giám đốc Trần Duy Đông nói.

Bằng các giải pháp tập trung huy động nguồn lực từ nhiều kênh, nhiều đối tượng, nhiều hình thức, đến ngày 31/7/2002, tổng nguồn vốn chính sách ở Sóc Trăng đạt 4.307 tỷ đồng tăng gấp 58 lần so với năm 2003. Toàn bộ nguồn vốn lớn do tạo lập được, kể cả nguồn vốn ngân sách từ UBND tỉnh, huyện ủy thác sang NHCSXH là 143,5 tỷ đồng bởi cấp ủy, chính quyền các cấp đã quán triệt sâu sắc nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách, đã được NHCSXH từ hội sở tỉnh đến phòng giao dịch huyện chuyển tải kịp thời về 109 Điểm giao dịch xã, phân bổ đến 3.168 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) ở tại 773 ấp, khóm giúp người dân có vốn, thêm điều kiện thâm canh ruộng vườn, khôi phục làng nghề, mở rộng sản phẩm dịch vụ, phát triển kinh tế sau dịch bệnh.

 Nguồn vốn tín dụng chính sách được các hộ vay vốn trên địa bàn Sóc Trăng sử dụng hiệu quả

Sau 20 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ, NHCSXH Sóc Trăng đã nâng số chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện từ con số 2 lên 17, với doanh số cho vay là 10.619 tỷ đồng và 660 nghìn lượt hộ được vay vốn. Đồng vốn ưu đãi đã giúp gần 138 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, tạo việc làm cho hơn 38 ngàn lao động, trong đó có 1,9 ngàn lượt lao động đi làm việc ở nước ngoài, trên 50 ngàn học sinh sinh viên được vay vôn học tập, khoảng 147 ngàn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được xây dựng cùng 20.000 ngôi nhà ở được sửa chữa, cải tạo, xây mới, hỗ trợ cho 9 doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 912 lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

 Sự đồng hành, sâu sát của cán bộ tín dụng chính sách Sóc Trăng là một trong những nguyên nhân gia tăng hiệu quả vốn vay 

Điều quan trọng nữa là đồng vốn ưu đãi đã đến đúng đối tượng thụ hưởng khắp địa bàn, góp phần tích cực ngăn chặn hoạt động cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp đỡ các hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn có vốn để chủ động phát triển kinh tế, tạo việc làm, nâng cao cuộc sống. Đơn cử như gia đình anh Trần Sán dân tộc Khmer, ngụ ấp Tú Điệp, xã Đại Ân 2, trước kia chỉ sống bằng nghề làm thuê, chi tiêu trong gia đình “thiếu trước hụt sau”. Từ khi được NHCSXH huyện Trần Đề cho vay 50 triệu đồng, anh San đã đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm nhờ tính cần cù, ham học hỏi kinh nghiệm của xóm giềng nên cặp bò sinh sản phát triển tốt. Tính đến nay, gia đình anh có 5 con bò, mỗi năm thu lãi khoảng 60 triệu đồng từ chăn nuôi và trồng rau sạch, cuộc sống của vợ chồng anh khấm hơn trước nhiều nên đã trả hết nợ vay ngân hàng, thậm chí còn đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” cấp huyện.

Dẫu biết rằng sẽ vẫn còn nhiều gian khó, thách thức lớn nhưng NHCSXH Sóc Trăng vẫn kiên trì dốc sức, hợp lực từng ngày đưa dòng vốn ưu đãi đến được với nhiều hộ nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn, góp phần thiết thực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, chương trình giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội bền vững nơi miền quê duyên hải đồng bằng sông Cửu Long./.

Đông Dư – Trần Việt

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực