Tín dụng chính sách ở nuôi dưỡng ước mơ đến trường của học sinh sinh viên ở Nghệ An

Thứ hai, 20/08/2018 16:08
(ĐCSVN) - Nhờ chương trình tín dụng học sinh, sinh viên (HSSV) của Thủ tướng Chính phủ theo theo Quyết định 157, hơn 11 năm qua, tỉnh Nghệ An đã có hàng ngàn hộ gia đình được vay vốn để cho con đi học tại các trường đại học, cao đẳng và trung học dạy nghề.

Các phụ huynh HSSV ở xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đến Điểm giao dịch xã của NHCSXH để nhận vốn vay cho con đi học. (Ảnh: Trần Việt)

Sức lan tỏa từ chương trình

Nghệ An là vùng đất học, cũng là tỉnh có dư nợ chương trình tín dụng HSSV đứng đầu trong toàn quốc. Với tinh thần “không để bất kỳ một sinh viên có hoàn cảnh khó khăn nào phải bỏ học vì thiếu tiền đóng học phí”, NHCSXH tỉnh Nghệ An quyết tâm khắc phục khó khăn, đưa nguồn vốn đến với người dân, mang lại cơ hội học tập cho hàng chục ngàn sinh viên nghèo. Nhờ được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi đã giảm gánh nặng cho hàng nghìn hộ gia đình nghèo ở khắp các làng quê từ miền núi đến đồng bào và các huyện ven biển trong tỉnh.

Thực hiện Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với HSSV có hoàn cảnh khó khăn, trong 11 năm qua, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện tốt việc bình xét cho 545.898 HSSV được vay vốn, đạt doanh số 4.256 tỷ đồng.

Tính đến hết ngày 31/7/2018 tổng dư nợ chương trình đạt 676 tỷ đồng, với 27.639 HSSV đang vay vốn.

Một số địa phương có dư nợ vay lớn như huyện Yên Thành 83 tỷ đồng; Diễn Châu 64 tỷ đồng; Thanh Chương 56 tỷ đồng; Anh Sơn 52 tỷ đồng; Đô Lương 51 tỷ đồng, Quỳnh Lưu 46 tỷ đồng, Tân Kỳ 45 tỷ đồng, TP. Vinh 39 tỷ đồng...

Đối tượng vay vốn chương trình nhiều nhất là hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo với 398 tỷ đồng/14.337 hộ, chiếm 59% tổng dư nợ và chiếm 58,9% tổng số hộ vay vốn. Kế tiếp là đối tượng là hộ gia đình nghèo, chiếm 29% tổng dư nợ và chiếm 27% tổng số hộ vay vốn; đối tượng là hộ gia đình gặp khó khăn về tài chính chiếm 12% tổng dư nợ và chiếm 14% tổng số hộ vay vốn; ngoài ra các đối tượng khác như: HSSV thuộc diện mồ côi, bộ đội xuất ngũ, lao động nông thôn học nghề, cho vay HSSV Y khoa sau khi đã tốt nghiệp theo Quyết định số 09/2016/QĐ-TTg ngày 02/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ... cũng được thụ hưởng từ nguồn vốn chương trình tín dụng HSSV.

Từ nguồn vốn vay, đã có 27.573 sinh viên học đại học với dư nợ 663 tỷ đồng, chiếm 69,5% về dư nợ; có 11.867 sinh viên cao đẳng với dư nợ 246,6 tỷ đồng, chiếm 25,9%; có 2.645 HSSV học trung cấp với dư nợ 43 tỷ đồng, chiếm 4,5%. Ngoài ra, có 13 HSSV học nghề ngắn hạn (dưới 1 năm) với dư nợ 169 triệu đồng, chiếm 0,02%. Doanh số thu nợ đến tháng 7/2017 đạt hơn 250 tỷ đồng. Các huyện có tỷ lệ thu nợ cao như: Yên Thành, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, Thanh Chương, Anh Sơn...

Là một huyện nghèo miền núi, Tương Dương hiện đang có trên 600 sinh viên đang vay vốn với tổng số vốn 12 tỷ đồng. Phó Chủ tịch UBND xã Tam Đình Vi Văn Miên cho biết: “Trong số gần 50 sinh viên của xã vay vốn trong những năm gần đây thì đã có một số sinh viên ra trường và tìm được việc làm như trường hợp của em Lô Thị Huyền học trường Đại học Luật Hà Nội, hiện là công chức của xã. Hay em Lô Văn Nghĩa học trường Cao đẳng Thể dục Thể thao, khi hoàn thành khóa học trở về quê hương làm giáo viên thể dục. Còn những trường hợp khác khó khăn chưa tìm được việc làm ổn định thì UBND xã làm việc với NHCSXH huyện tạo điều kiện gia hạn thêm cho các em và gia đình.

Còn tại huyện Nam Đàn hiện cũng đang có 2.100 sinh viên vay vốn theo chương trình vay vốn tín dụng đối với HSSV với dư nợ hơn 51 tỷ đồng. Giám đốc NHCSXH huyện Hồ Văn Lý cho hay: “11 năm thực hiện chương trình có nhiều hộ gia đình đã được vay vốn, hỗ trợ học tập cho con em ở các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Nhiều sinh viên, sau khi ra trường đã có việc làm ổn định và trả nợ trước thời hạn".

Là khách hàng của chương trình, hộ gia đình chị Nguyễn Thị Khánh ở xã Hùng Tiến, huyện Nam Đàn cho biết, vào năm 2009, gia đình chị cũng thuộc diện khó khăn, cùng lúc đó con gái đỗ hai trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Văn hóa, chị đã “mạnh dạn” làm đơn xin vay tiền. 4 năm con theo học, gia đình chị được vay 4 lần với tổng số tiền hơn 50 triệu đồng. Với thành tích học tập xuất sắc, cô con gái Lê Thị Hằng giờ đã có công việc khá ổn định ở một tòa soạn thuộc Bộ Quốc phòng. Số tiền lương tiết kiệm được, không chỉ giúp Hằng trả nợ trước thời hạn hai năm mà còn hỗ trợ được bố mẹ sửa sang lại nhà cửa.

Chia sẻ về niềm vui này, chị Khánh tâm sự, với những gia đình chỉ sống bằng nông nghiệp như chúng tôi để có số tiền vài triệu đồng cho con nhập học không phải dễ dàng. Rất may, nhờ chương trình này, chúng tôi đã được hỗ trợ vay vốn với lãi suất thấp, thủ tục đơn giản. Quan trọng hơn là việc trả nợ được kéo dài nên chúng tôi không áp lực lắm khi trả nợ.

Tăng cường kiểm tra, giám sát và đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện chương trình tín dụng đối với HSSV không chỉ riêng NHCSXH mà là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Quá trình đó, cấp xã có vai trò quan trọng từ khâu bình xét, xác nhận, phê duyệt đối tượng vay vốn, kiểm tra sử dụng vốn vay đến khâu kiểm tra, đôn đốc việc chấp hành trả nợ đúng hạn cho Nhà nước. Do đó, NHCSXH tỉnh Nghệ An tích cực tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, các sở, ngành liên quan tổ chức các cuộc kiểm tra bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm hạn chế những tiêu cực phát sinh, đảm bảo vốn đến đúng đối tượng, đúng mục đích, thu hồi vốn an toàn.

NHCSXH tỉnh Nghệ An còn thực hiện nhiều biện pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội các cấp... Đặc biệt, đơn vị đã triển khai kịp thời, nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo 231/TB-VPCP về việc tổ chức thu nợ, thu lãi hàng tháng tại các Điểm giao dịch đối với các hộ gia đình có điều kiện, tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn.

Thực hiện nghiêm túc chính sách giảm lãi đối với những khách hàng trả nợ trước hạn, tính đến nay, NHCSXH tỉnh Nghệ An đã thực hiện hỗ trợ giảm lãi cho hàng ngàn hộ gia đình trả nợ trước hạn. Qua hơn 11 năm thực hiện, đến nay chất lượng chương trình tín dụng HSSV đã và đang phát huy hiệu quả rất tốt. Tỷ lệ thu hồi nợ luôn ở mức cao, nợ quá hạn chiếm tỷ lệ khá thấp so với dư nợ của chương trình.

Ông Trần Khắc Hùng - Giám đốc NHCSXH tỉnh Nghệ An cho biết: Đây là chương trình có ý nghĩa nhân văn hội sâu sắc, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Đây là sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước đối với sự nghiệp “trồng người”. Trong suốt thời gian qua, chương trình đã nhận được sự quan tâm, đồng thuận cao từ cộng đồng xã hội, là chương trình tín dụng có tính xã hội hóa cao, được các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân có liên quan từ Trung ương đến địa phương phối hợp triển khai đạt kết quả cao.

NHCSXH tỉnh Nghệ An cũng đề nghị, bên cạnh sự nỗ lực cao của ngân hàng mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền, các ngành, đoàn thể trong việc chỉ đạo rà soát, bổ sung, xác nhận đối tượng kịp thời, chính xác để ngân hàng căn cứ cho vay, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ từ các tổ chức nhận ủy thác trong việc tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách tín dụng HSSV đến với người dân nhằm phát huy tối đa hiệu của chương trình trong thời gian tới./.

Việt Hải (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực