Tín dụng chính sách trở thành một động lực phát triển kinh tế tại Hải Dương

Thứ ba, 27/08/2019 16:55
(ĐCSVN) - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định, Chỉ thị số 40 về tín dụng chính sách là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, khẳng định thêm hiệu quả chủ trương của Đảng, Nhà nước.

“Nằm ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Hồng, trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, có lợi thế về giao thông, kinh tế - xã hội song đời sống của người dân Hải Dương vẫn còn nhiều khó khăn. Chính vì vậy, cùng với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Tỉnh ủy Hải Dương đã xác định công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ cấp thiết và quan trọng. Chỉ thị số 40-CT/TW ra đời đã tạo ra bước chuyển biến tích cực trong việc triển khai thực hiện tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh”, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND - Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển nhìn lại tại Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (Chỉ thị số 40). Hội nghị diễn ra ngày 22/8/2019.

Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định vai trò quan trọng của Chỉ thị 40 (Ảnh: VH)

Tối ưu hóa tín dụng chính sách vào phát triển kinh tế

Chị Tô Thị Chuyền, sinh năm 1967 tại thôn Phù Tải 2, xã Kim Đính, huyện Kim Thành không nén nổi niềm vui nghẹn ngào khi chia sẻ sự đổi đời của gia đình mình từ “ánh sáng” Chỉ thị số 40. Dù đã từng tiếp cận với NHCSXH từ năm 2010, song chị cũng chỉ dám vay để cho con thứ hai nhập học Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội, với số tiền là 8,6 triệu đồng. Cuộc sống gia đình vẫn bộn bề nỗi lo cơm áo chỉ chòng chọc trông vào 1,1 mẫu ruộng nuôi 3 đứa con ăn học. Chính vì vậy, năm 2014 cùng với chủ trương của UBND lồng ghép tín dụng chính sách với chuyển đổi cơ cấu cây trồng chị đã được Hội Nông dân, được Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn vận động tuyên truyền chị vay vốn chương trình hộ nghèo để chuyển đổi 5 sào ruộng năng suất thấp lập vườn trồng cây vải, nhãn trên nền đất ruộng cũ với số tiền vay 19 triệu đồng. Kiến thức và kỹ năng chưa có của chị và gia đình đã được bổ khuyết từ sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã với việc mời cán bộ khuyến nông về tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, vườn cây ăn quả của chị vì thế ngày một tăng năng suất. Đến giữa năm 2017, chị đã trả hết số nợ vay ban đầu của cả chương trình HSSV và hộ nghèo. Tháng 5/2018, chị tiếp tục được địa phương quan tâm xét duyệt cho vay vốn chương trình hộ cận nghèo với số tiền là 50 triệu đồng để mở rộng mô hình sản xuất hiện có.

Chị Tô Thị Chuyền, xã Kim Đính, huyện Kim Thành vui mừng chia sẻ sự đổi đời của gia đình mình từ “ánh sáng” Chỉ thị số 40 (Ảnh: VH)

Cũng theo chị Chuyền, năm 2019, theo chủ trương của Nhà nước về nâng mức cho vay tối đa lên 100 triệu đồng, gia đình chị mạnh dạn chuyển đổi mục đích sang đào ao thả cá và tiếp tục đề nghị NHCSXH cho vay bổ sung vốn chương trình hộ cận nghèo là 50 triệu đồng. Cháu thứ 3 của gia đình cũng đã nhập học Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội từ nguồn vốn vay HSSV với số tiền giải ngân lần đầu là 7,5 triệu đồng.

Với một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn tốc độ giảm nghèo còn chậm và không đồng đều như Tứ Kỳ, từ chuyển biến trong tư duy về tín dụng chính sách cấp ủy, chính quyền địa phương đã tận dụng nguồn vốn này để hóa giải những nút thắt trong phát triển kinh tế huyện đó là tạo việc làm và nâng cao thu nhập, xóa bỏ nguy cơ tái nghèo luôn tiềm ẩn. UBND huyện đã yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung lãnh đạo tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của NHCSXH huyện.

UBND huyện cũng đặt nhiệm vụ cho các UBND các xã, thị trấn phải xác định nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách ưu đãi của Chính phủ là một trong những nội dung trong chương trình, kế hoạch hoạt động thường xuyên của đơn vị. Đồng thời xác định rõ vai trò trách nhiệm của xã trong việc bình xét, xác nhận đối tượng cho vay, theo dõi sử dụng vốn vay, đôn đốc xử lý kịp thời các khoản nợ đến hạn, thực hiện các biện pháp kiên quyết để thu hồi nợ, tránh tình trạng trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách, tạo tâm lý muốn vay nhưng không muốn trả nợ trong nhân dân.

Kết quả sau 05 năm thực hiện Chỉ thị số 40, tín dụng chính sách trên địa bàn huyện đã tăng cả về quy mô và chất lượng. NHCSXH huyện đã cho vay với doanh số 473,5 tỷ đồng, với tổng dư nợ đến 31/7/2019 đạt 317 tỷ đồng, giúp 1.972 lượt hộ nghèo, 1.960 hộ cận nghèo, 3.773 hộ mới thoát nghèo được vay vốn, góp phần giảm nghèo từ 7,7% (2015) xuống còn 2,58% (đầu năm 2019); giúp 7.848 hộ xây dựng mới hoặc sửa chữa cải tạo được 15.696 công trình NS&VSMTNT; giải quyết việc làm cho 8.164 lao động tại chỗ ở địa phương; 2.650 HSSV có hoàn cảnh khó khăn theo học tại các trường đại học, cao đẳng, đào tạo nghề. Huyện cũng đã ủy thác qua NHCSXH huyện 1,710 tỷ đồng và cấp 2.500m2 đất cho Phòng Giao dịch cấp huyện xây dựng trụ sở làm việc.

“Chỉ thị số 40 đã làm thay đổi nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị đối với việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh; vai trò, vị trí của tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện trong việc giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội”, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Dương Thái nhìn lại kết quả 05 năm triển khai trên địa bàn.

Điều này có thể thấy rõ chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế từ cấp tỉnh đến xã đã lồng ghép hoạt động tín dụng chính sách với các chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm... Các Sở, ngành phối hợp với NHCSXH tỉnh chủ động tham mưu ban hành chương trình, kế hoạch, chính sách trong thực hiện tín dụng chính sách xã hội; tăng cường trách nhiệm trong việc thực thi, giám sát hoạt động tín dụng chính sách xã hội. “Một số địa phương mạnh dạn trong việc xây dựng kết nối tín dụng chính sách xã hội với các chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, có yêu cầu, nhiệm vụ của chính sách tín dụng ưu đãi, cụ thể hóa mục tiêu đầu tư tín dụng ưu đãi đến các vùng, khu vực, các nhóm đối tượng chính sách hướng đến trọng tâm nhằm nâng cao hiệu quả đồng bộ các chính sách”, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết .

Tiếp tục là một những nhiệm vụ trọng tâm

Tổng Giám đốc NHCSXH Dương Quyết Thắng (Ảnh: VH)

Từ quan điểm tín dụng chính sách là một công cụ quan trọng và trực tiếp thúc đẩy giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, nên dù điều kiện tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn còn khó khăn, nhưng UBND các cấp đã ưu tiên dành nguồn lực để bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương sang NHCSXH để cho vay. 05 năm qua nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH để bổ sung nguồn vốn cho vay trên địa bàn tỉnh đã tăng thêm 33 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn địa phương chuyển sang là 61 tỷ đồng.

Sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền các cấp chất lượng tín dụng chính sách không ngừng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng, góp phần cải thiện đời sống cho hộ nghèo và đối tượng chính sách, đẩy lùi tình trạng “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Đến ngày 30/6/2019, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt trên 3.338 tỷ đồng tăng 993 tỷ đồng, với 91.223 hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội được đưa đến 100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh; tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi và kịp thời.

Nhìn lại 05 năm qua, 196.087 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn NHCSXH với doanh số 5.523 tỷ đồng. Trong đó đã có 38.755 hộ vượt qua ngưỡng nghèo; tạo việc làm cho 6.518 lao động; giúp 608 hộ nghèo và gia đình chính sách được vay vốn đi lao động có thời hạn ở nước ngoài; giúp 19.374 HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng 211.001 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, 310 căn nhà cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác...

“Có thể khẳng định Chỉ thị số 40 là quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, khẳng định thêm chủ trương của Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm chăm lo đến đời sống của người nghèo và các đối tượng chính sách, chăm lo đến công tác an sinh xã hội, thông qua đó nhân dân tin tưởng hơn vào chính sách của Đảng, Nhà nước, tạo sự gắn kết trong toàn đảng, toàn dân. Với sự cố gắng nỗ lực của cả một hệ thống chính trị vào cuộc một cách quyết liệt, trách nhiệm và đồng bộ đã góp phần giảm nghèo, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tình hình an ninh giữ vững, chính trị ổn định, kinh tế - xã hội được phát triển...”, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển ghi nhận

Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong triển khai thực hiện Chỉ thị số 40 vinh dự được UBND tỉnh, NHCSXH khen thưởng

Tuy nhiên, con đường phát triển kinh tế, Hải Dương vẫn còn nhiều trở ngại từ những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và hoạt động sản xuất của một bộ phận người dân đặc biệt là hộ nghèo, hộ cận nghèo, tác động xấu đến chất lượng, hiệu quả tín dụng chính sách. Vẫn còn địa phương chưa thực sự quan tâm đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Chính vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 40, phát huy hơn nữa một chương trình tín dụng chính sách đầy tính nhân văn của Việt Nam, Bí thư Tỉnh ủy cho biết, trong thời gian tới Tỉnh ủy sẽ chỉ đạo cấp ủy, chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn. Đồng thời tiếp tục xác định việc lãnh đạo, chỉ đạo đối với tín dụng chính sách xã hội là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hoạt động thường xuyên của đơn vị; hỗ trợ cơ sở vật chất, điều kiện làm việc cho NHCSXH, nhất là tại các Điểm giao dịch xã. Tỉnh cũng sẽ thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tính dụng chính sách đến đúng đối tượng. Đồng thời triển khai công tác khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tiêu thụ sản phẩm, định hướng sản xuất cây trồng, vật nuôi để người dân không chỉ thoát nghèo mà còn có sinh kế bền vững. Tỉnh cũng ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn, đưa nội dung bổ sung nguồn vốn ngân sách cho vay hộ nghèo và đối tượng chính sách qua NHCSXH vào nghị quyết HĐND và dự toán ngân sách hàng năm của các huyện. Bên cạnh đó, tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia đóng góp bổ sung nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội.

Những hiệu ứng tín dụng chính sách trên địa bàn cùng hứa hẹn những bứt phá mới khi đầu năm 2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU, trong đó nhấn mạnh “Mỗi năm ngân sách tỉnh dành từ 20 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng cho Chương trình giảm nghèo; trong đó, ưu tiên bố trí kinh phí cho NHCSXH tỉnh Hải Dương để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo”.

“Về phía NHCSXH, với tinh thần trách nhiệm cao đối với xã hội, nhất là đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, chú trọng phân bổ nguồn lực để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi tại địa bàn tỉnh Hải Dương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương”, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng khẳng định.

 

 

 

VH

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực