Tín dụng chính sách với xây dựng nông thôn mới ở Bảo Thắng (Lào Cai)

Thứ ba, 16/08/2016 17:21
(ĐCSVN) – Những ngày tháng Tám này, chúng tôi tìm về huyện Bảo Thắng (Lào Cai) – một huyện miền núi biên giới thuộc tỉnh Lào Cai. Xuống cơ sở, không hẹn mà gặp, đoàn công tác chúng tôi đã trực tiếp chứng kiến phiên giao dịch vay vốn chính sách tại một điểm xã khá nhộn nhịp dù hôm đó là ngày thứ bảy – ngày nghỉ trong tuần làm việc.

Một hộ gia đình vay vốn tín dụng mua trâu sinh sản ở Xuân Giao, Bảo Thắng, Lào Cai (Ảnh: HNV)

Được biết, thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Bảo Thắng luôn  nhận được sự quan tâm lãnh chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện; có được sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm, tâm huyết của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn. Việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, nhất là xây dựng nông thôn mới cũng như thực hiện những chính sách về phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội được chú trọng lồng ghép hiệu quả với triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Là một huyện có địa bàn rộng, đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách xã hội lớn, trong khi nguồn vốn cho vay còn khó khăn nhưng huyện ủy, HĐND, UBND cùng Phòng giao dịch (PGD) Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bảo Thắng đã tăng cường phối hợp, chủ động triển khai các ưu đãi tín dụng chính sách phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây, trong đó lưu tâm tới chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Cán bộ NHCSXH Bảo Thắng tại phiên giao dịch xã trên địa bàn (Ảnh:: HNV)

Theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới huyện, giai đoạn 2011 – 2015, cả hệ thống chính trị trên địa bàn huyện Bảo Thắng đã tích cực vào cuộc, diện mạo nông thôn trên địa bàn huyện đến nay đã có nhiều đổi thay tích cực. Tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm từ 42,18% (năm 2010), xuống còn còn 10,97% (cuối năm 2014); tỉ lệ hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và nước sạch hợp vệ sinh tại các khu vực nông thôn đạt bình quân lần lượt là 98% và 85%. Kết cấu hạ tầng nông nông thôn được trú trọng triển khai đầu tư xây dựng.

Nổi bật trong 5 năm, toàn huyện đã thực hiện kiên cố hóa được 149 km đường giao thông trục xã, cứng hóa trên 146 km đường giao thông trục thôn, liên thôn; kiên cố hóa được trên 327 km kênh mương thủy lợi.... Qua đó, góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích canh tác tăng mạnh từ 39,7 triệu/ ha (năm 2010) lên 62,3 triệu/ ha (năm 2015). Lĩnh vực văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm phát triển. Đến nay, toàn huyện Bảo Thắng có 39 trường học đạt chuẩn quốc gia, tăng 24 trường so với năm 2010. Quốc phòng, an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Đáng chú ý, trong xây dựng nông thôn mới, người dân trên địa bàn các xã của huyện cũng đã tích cực đóng góp công sức với việc hiến trên 60.000 mét vuông đất và đóng góp hơn 300.000 ngày công lao động.

Đến nay, toàn huyện Bảo Thắng đã có 3 xã là Phú Nhuận, Xuân Quang, Sơn Hà được công nhận đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới; Xuân Giao đang làm hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn, các xã còn lại hoàn thành từ 7 - 18 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Trung, Chủ tịch UBND xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng, thời điểm này, xã đang hoàn thiện hồ sơ công nhận về đích xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015. Quá trình triển khai của nhận được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự ủng hộ của toàn thể nhân dân. Xã cũng nhận thức được rằng hoàn thành 19 tiêu chí mới chỉ là mặc một chiếc áo mới cho nông thôn, quan trọng là ở hồn cốt mà sinh hoạt văn hóa, đời sống tin thần của người dân mới là cốt lõi, do đó, Đảng ủy xã, HĐND, UBND xã luôn chủ động xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm sau đó triển khai tới từng địa bàn, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng văn hóa” cũng như xem xét ưu đãi, phân bổ các nguồn tín dụng chính sách hợp lý giúp cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội với công tác xóa đói giảm nghèo (XĐGN) tại đây đã đạt hiệu quả rõ rệt, nhất là khi có thêm Chỉ thị 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách.  Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm từng năm, cụ thể : năm 2013 có hơn 20% hộ nghèo, năm 2014 giảm còn 10% hộ nghèo, năm 2015 giảm còn hơn 6%. “Nói thêm về chính sách tín dụng, tôi phải khẳng định rằng, chương trình hỗ trợ rất hiệu quả, tạo điều kiện dân vay vốn phát triển sản xuất và XĐGN (có mức cho vay phù hợp 30-50 triệu). Cùng với việc triển khai tới các hộ, sự quan tâm tới hiệu quả của đồng vốn, các bên liên quan cũng thường xuyên kiểm tra giám sát tới từng hộ xem xét việc sử dụng đúng không, đạt hiệu quả không, nếu phát hiện không đúng sẽ có biện pháp can thiệp ngay”- Chủ tịch Nguyễn Đức Trung nói.

Bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc PGD NHCSXH Bảo Thắng tại một hộ vay vốn trên địa bàn (Ảnh: HNV)

Chia sẻ với đoàn công tác, bà Hoàng Thị Lý, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bảo Thắng cho biết, hiện, NHCSXH Bảo Thắng đang triển khai 12 chương trình tín dụng chính sách, trong đó đối tượng hộ nghèo có nhu cầu nhiều nhất. Năm 2016 này, theo tiêu chí mới về hộ nghèo đa chiều thì số hộ nghèo của toàn huyện tăng lên 5.100 hộ. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu vốn của dân rất lớn. “Nhu cầu trong dân rất cao, qua tiếp xúc đối thoại với dân ở các xã trên địa bàn huyện, chúng tôi thấy nhu cầu vốn vay nhiều. PGD hiện đang cho diện hộ nghèo vay với nguồn vốn quay vòng, dư nợ về đến đâu giải ngân đến đấy vì 6 tháng đầu 2016, chúng tôi mới được bổ sung chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho hộ nghèo 10 tỷ đồng” - bà Lý nói.

Liên quan tới hoạt động khuyến khích huy động nguồn vốn từ địa phương theo chỉ thị 40 của Ban Bí thư, trên cơ sở Kế hoạch của Huyện ủy cũng vận động các tổ chức chính trị trên địa bàn huyện, Phó Giám đốc PGD NHCSXH huyện Bảo Thắng cho biết, vừa rồi, Ban giám đốc NHCSXH huyện đã làm việc với đại diện một số nhà máy trên địa bàn huyện để xin thêm và kêu gọi huy động các nguồn từ đây để cho vay các hộ nghèo. Tuy nhiên, hiện các nhà máy cũng đang cân đối vì 6 tháng đầu 2016, tình hình kinh tế khó khăn nên tài chính của đơn vị cũng bị ảnh hưởng, do đó, họ còn đang cân nhắc. Còn về phía PGD huyện, chúng tôi cũng đang tích cực vận động Thường trực 3 bên - HĐND, UBND và Huyện ủy để có những bố trí nguồn ngân sách của huyện một cách kịp thời. Đặc biệt, trong buổi họp đầu tháng 8/2016, Thường trực 3 bên đã thống nhất sẽ chuyển nguồn vốn của Quỹ Nông thôn mới của huyện sang NHCSXH đáp ứng nhu cầu vay hộ nghèo của huyện.

Cũng theo bà Lý, thực tế, số tiền phân bổ cho các xã căn cứ nhu cầu thực tế lập của các xã và cân đối số tiền cấp trên chuyển về, trước mắt, sẽ tập trung ưu tiên những xã về đích nông thôn mới của năm. Đơn cử như năm 2016 này, xã Xuân Hà về đích thì sẽ ưu tiên để họ hoàn thiện các tiêu chí trước: tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Đây cũng là mục tiêu của hệ thống tín dụng chính sách với mong muốn được góp một phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực