Tín dụng chính sách với xóa đói giảm nghèo bền vững ở Bắc Kạn

Thứ sáu, 15/04/2022 11:29
(ĐCSVN) - Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở vùng miền núi dân tộc, cùng với các cấp, ngành, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đã tập trung huy động nguồn lực tài chính, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của nhà nước, góp phần quan trọng thực hiện kế hoạch giảm nghèo của địa phương, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Giám đốc NHCSXH Bắc Kạn, ông Hà Sỹ Côn - người dân tộc Tày của miền sơn cước chợ Đồn, đã có trọn vẹn hai thập niên làm công tác tín dụng ngân hàng gắn bó với người nghèo và các đối tượng chính sách khác - cho biết, kể từ khi Bắc Kạn mới tái lập tỉnh, tỷ lệ hộ đói nghèo của địa phương luôn thuộc nhóm cao nhất cả nước.

Trong bối cảnh đó, dù gặp phải thiên tai khắc nghiệt, dịch bệnh COVID-19 bùng phát nhưng toàn chi nhánh từ Hội sở chính đến 108 điểm giao dịch xã luôn luôn, dốc sức tham gia trực tiếp thực hiện đề án giảm nghèo nhanh, bền vững của địa phương.

Cán bộ tín dụng chính sách tới thăm mô hình hộ vay vốn chăn nuôi bò trên địa bàn (Ảnh: PV) 

Có thể kể đến những công việc cụ thể như lập kế hoạch xử lý phù hợp, tập trung huy động mọi nguồn lực, tích cực chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn ưu đãi về tận làng bản, xã, phường, tạo điều kiện thuận lợi để người dân có vốn chủ động sản xuất kinh doanh và địa phương kịp thời thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.

Ông Hà Sỹ Côn cũng rất tự hào khi chính ý chí vượt khó của những cán bộ tín dụng chính sách đã tạo đà tăng trưởng dư nợ của NHCSXH Bắc Kạn năm sau cao hơn năm trước. Đến hết quý I/2022 dư nợ cho vay trên địa bàn tỉnh đạt trên 2.300 tỷ đồng, tăng khoảng 100 tỷ đồng so với cùng kỳ 2021.

Ngay trong thời kỳ đại dịch COVID-19 lan rộng vừa qua, dịch bệnh đã gây cản trở lớn đến tình hình sản xuất, đời sống của nhân dân nhưng dòng vốn tín dụng ưu đãi vẫn thông suốt, chảy đều đặn. Nguồn vốn này đã hỗ trợ 16 nghìn lượt hộ nghèo và gia đình đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khó khăn trên rẻo cao Pác Nặm, Ngân Sơn, trong vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn Na Rì, Ba Bể được vay 760 tỷ đồng vốn ưu đãi đầu tư vào thâm canh ruộng vườn, phát triển chăn nuôi đàn trâu bò, trồng rừng nguyên liệu giấy, cây công nghiệp sơn, quế, hồi…

 Một hộ vay vốn trồng rừng hiệu quả (Ảnh: PV)

Nguồn vốn ưu đãi trên cũng đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo, gia đình đồng bào Mông, Tày, Nùng… khó khăn ở Bắc Kạn có cơ hội vươn lên thực hiện khát vọng thoát nghèo, làm giàu tại quê hương, góp phần tích cực cho công tác giảm nghèo của tỉnh có những chuyển biến rõ nét. Cụ thể trong giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm Bắc Kạn giảm 2,18% hộ nghèo, đến cuối năm 2021 chỉ còn khoảng 17% hộ nghèo.

Huyện Ba Bể đã thoát khỏi danh sách huyện nghèo 30a và Pác Nặm là huyện xa nhất, cao nhất, khó khăn nhất cũng đạt chỉ tiêu giảm nghèo hàng năm đề ra. Tại xã Cao Tân (huyện Pác Nặm), nguồn vốn tín dụng chính sách đã được lồng ghép với việc triển khai các tiểu dự án hỗ trợ nhiều hộ dân phát huy thế mạnh nông, lâm, nghiệp, đẩy mạnh chăn nuôi trâu bò, ngựa bạch sinh sản và trồng cây ăn quả cam, bưởi…

Vốn về làm thức dậy đất nghèo và hiện lên nhiều gương sáng làm giàu ở vùng đặc biệt khó khăn Cao Tân. Đơn cử như hộ ông Giàng Á Dỉa, dân tộc Mông, trú tại thôn Mạ Khao được nguồn vốn chính sách tiếp sức đến trăm triệu đồng để chăn nuôi trâu bò sinh sản, thu nhập hàng năm hơn 60 triệu đồng. Cùng ở xã Cao Tân còn có anh Giàng Á Dây, thôn Pù Lườn khởi đầu từ 30 triệu đồng vay vốn ưu đãi dành cho gia đình DTTS đặc biệt khó khăn, giờ đây gia đình anh Dây sở hữu mô hình kinh tế đồi rừng, 2 ha, đàn bò 5 con béo mộng. “Số người Mông mình có kinh tế khá bây giờ nhiều lắm, không sao kể hết được, có hộ nuôi cả 40 con trâu lẫn bò, trồng 20 ha cây keo xanh tốt, được bà con thôn xã học tập, noi gương đấy”, Giàng Á Dây sôi nổi cho biết.

Theo giám đốc phòng giao dịch NHCSXH Pác Nặm, ông Vũ Mạnh Hùng, tính đến nay nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH trên địa bàn huyện đạt 286 tỷ đồng, riêng 3 tháng đầu năm 2022 lũy kế doanh số cho vay là gần 24 tỷ đồng, làm động lực để Pác Nặm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 3,5 - 4%.

Không riêng huyện Pác Nặm mà toàn tỉnh Bắc Kạn, vốn chính sách đã phủ kín vùng núi cao rộng 4.859 km2, với 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình đồng bào DTTS khó khăn được tiếp cận dễ dàng tới chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước.

Vậy là, từ một tỉnh còn nhiều khó khăn về địa lý, thời tiết, đông đồng bào DTTS sinh sống, nhưng những năm qua, nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH Bắc Kạn đã thực sự trở thành công cụ hữu hiệu góp phần giúp địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và chương trình giảm nghèo bền vững. Minh chứng sinh động là công tác giảm nghèo tại Bắc Kạn đã có những chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân vùng DTTS được nâng lên. Tình trạng du canh du cư không tái diễn; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,18%/năm. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo, ngăn chặn tái nghèo, NHCSXH Bắc Kạn vẫn bền bỉ, dốc sức huy động nguồn vốn, chuyển tải kịp thời, an toàn nguồn vốn đến được với nhiều hộ nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn, góp phần thiết thực thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên miền rừng núi Việt Bắc bao la./.

Dư Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực