|
Quang cảnh một phiên giao dịch tại xã trên địa bàn Hiệp Hòa, Bắc Giang (Ảnh: Trần Việt) |
Vốn tín dụng chính sách được chuyển về tận 100% xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị xã, thành phố thuộc địa bàn tỉnh. Hầu hết hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn thuận lợi, kịp thời đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn chính sách đã góp phần quan trọng thực hiện các chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội trên quê hương quan họ Bắc Giang. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo nơi đây dã giảm từ 30,7% ( năm 2005) xuống còn 2,63% (năm 2023) theo chuẩn nghèo đa chiều mới; toàn tỉnh hiện có 154/182 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
|
Nguồn vốn được trao tận tay hộ vay, phát huy hiệu quả trong xóa đói giảm nghèo tại địa phương (Ảnh: Trần Việt) |
Thành quả đó chứng minh sự nỗ lực phấn đấu của NHCSXH tỉnh Bắc Giang trong thời gian qua đã tích cực, chủ động huy động nguồn lực, tổ chức hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Điển hình là tham mưu kịp thời, đầy đủ cho cấp ủy, chính quyền, ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH địa phương và thực hiện tốt Chỉ thị 40 – CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội. Từ đó làm cơ sở để Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Đề án cho vay hỗ trợ tạo việc làm ở tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023 – 2025 hiệu quả rõ rệt ngay từ năm đầu tiên (2023) thực hiện đề án, nguồn vốn ngân sách của địa phương bố trí hơn 50 tỷ đồng; nguồn vốn trung ương đối ứng 105 tỷ đồng, đạt 210 kế hoạch đã duy trì, mở rộng việc làm cho 6.700 lao động.
Cùng với đó, NHCSXH Bắc Giang tổ chức triển khai thực hiện tốt chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng được giao năm 2023 và tập trung tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách theo nghị quyết số 11/NQ-CP của chính phủ về hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế của địa phương, đảm bảo an ninh xã hội, ổn định đời sống nhân dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh. Trong năm 2023, đã thực hiện giải ngân cho vay 4.881 lượt khách hàng với số tiền 707 tỷ đồng. Tính đến 31/12/2023 có trên 10 nghìn khách hàng còn dư nợ với NHCSXH 1.071 tỷ đồng, hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
|
Hộ vay vốn tín dụng chính sách sản xuất kẹo, từng bước thoát nghèo và làm giàu trên quê hương Hiệp Hòa, Bắc Giang (Ảnh: Trần Việt) |
Đặc biệt, NHCSXH các huyện Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, Yên Thế đã phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, đoàn thể tổ chức rà soát, phê duyệt đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng theo nghị định 28 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ngoài ra, NHCSXH các huyện, thị xã, thành phố Bắc Giang, Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa… cũng chủ động triển khai hỗ trợ cho vay ký quỹ tại NHCSXH đối với người lao động thuộc đối tượng chính sách đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS và thực hiện kịp thời việc cho vay vốn chính sách đối với người chấp hành xong án phạt tù theo Quyết định 22/2023 của Thủ tướng chính phủ. Tuy chính sách này mới triển khai từ 10/10/2023 nhưng đã đạt kết quả đáng nghi nhận với con số 82 người chấp hành xong án phạt tù được vay vốn với số tiền 7,9 tỷ đồng.
Năm 2023, NHCSXH tỉnh Bắc Giang đã ghi đậm dấu ấn: Đạt tăng trưởng dư nợ cao nhất trong cuộc hành trình 21 năm vì an sinh xã hội đó là quy mô tín dụng lên 7.005 tỷ đồng, tăng 1.178 tỷ đồng so với năm 2022, đứng thứ 7 toàn quốc. Bình quân dư nợ 1 đơn vị NHCSXH cấp huyện là 700 tỷ đồng, cao nhất toàn quốc. Lục Ngạn là 1 trong 2 NHCSXH cấp huyện của cả nước có dư nợ cao trên 1000 tỷ đồng. Song song đó, chất lượng tín dụng được giữ vững, tỷ lệ nợ khoanh và nợ quá hạn chỉ chiếm 0,06% so với tổng dư nợ. Chất lượng hoạt động của các điểm giao dịch xã, các tổ chức hội đoàn thể làm nhiệm vụ ủy thác vay vốn chính sách và mạng lưới Tổ tiết kiệm và vay vốn – cánh tay nối dài của NHCSXH cũng được đảm bảo, ngày càng nâng cao.
|
Cán bộ tín dụng chính sách thăm và động viên hộ vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn (Ảnh: Trần Việt) |
Nhìn lại thành quả năm 2023, nguồn vốn chính sách đã giúp trên 31 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tạo việc làm cho 6.639 lao động xây mới và sửa chữa 25.090 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây dựng 141 căn nhà vững chắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện xây dựng, sửa chữa, mua mới 958 căn nhà ở xã hội, giúp 136 đối tượng chính sách vay vốn để chi phí đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng, giúp cho 2.043 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập.
Cùng với đó, nguồn vốn chính sách còn góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, làm giầu chính đáng lan rộng khắp đồng bằng, trung du, miền núi, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Bước sang năm 2024, NHCSXH Bắc Giang vui đón nhận cờ thưởng thi đua Đơn vị xuất sắc nhất khu vực III năm 2023 của NHCSXH Việt Nam và cờ Thi đua dẫn đầu phong trào thi đua năm 2023 của UBND tỉnh Bắc Giang trao tặng.
Phát huy thành tích đạt được, tập thể cán bộ người lao động NHCSXH Bắc Giang tiếp tục bám sát chỉ tiêu kế hoạch tín dụng giao, tăng cường các giải pháp huy động vốn, tập trung mọi nguồn lực triển khai thực hiện tốt các chính sách tín dụng ưu đãi, tích cực phối hợp chặt trẽ với các cơ quan, đơn vị, địa phương, thường xuyên rà soát vốn, chuyển tải nhanh, kịp thời vốn về các xã, phường, thị trấn, đến tận tay các đối tượng thụ hưởng, hoàn thành vượt mức kế hoạch trung ương và địa phương giao năm 2024, giữ vững, danh hiệu trụ cột giảm nghèo bền vững, góp phần đưa Bắc Giang phát triển nhanh, toàn diện, trở thành một Trung tâm kinh tế lớn ở khu vực trung du miền núi phía Bắc và cả nước./.