Phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội
|
Đại biểu dân tộc thiểu số tại Hội nghị sơ kết Chỉ thị 40 gần đây (Ảnh: HNV) |
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh, quan điểm nhất quán và xuyên suốt của Đảng ta là phát triển kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. Nhờ những chủ trương và chính sách đúng đắn của Đảng đối với các đối tượng chính sách trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, công tác xóa đói giảm nghèo ở nước ta trong thời gian qua đạt được những kết quả nổi bật.
Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm xuống chỉ còn dưới 3% vào năm 2020; Việt Nam đã sớm hoàn thành các mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp Quốc, trở thành hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển về xóa đói giảm nghèo.
Trong số các chính sách phát triển kinh tế xã hội được triển khai trong thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội là một điểm sáng, được đánh giá là giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và thông qua đó tiếp tục khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, các bộ ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị ở Trung ương, các địa phương đã phổ biến, quán triệt triển khai thực hiện tới các đơn vị, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức phù hợp, tạo sức lan tỏa, cộng đồng trách nhiệm rộng rãi trong toàn xã hội.
Kết quả sơ kết tình hình thực hiện Chỉ thị số 40 trong 5 năm qua ở các địa phương cho thấy, địa phương nào có các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đúng đắn, đầy đủ về nội hàm tính “sáng tạo” và “nhân văn” và thực sự quan tâm trong triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Chỉ thị thì tại địa phương đó, đạt kết quả rất tích cực; đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay trong triển khai thực hiện Chỉ thị quan trọng này của Đảng.
Thực hiện Chỉ thị 40 cũng chính là làm tốt dân vận tại cơ sở
|
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương
(Ảnh: HNV)
|
Cũng theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, thực tiễn cho thấy, việc thực hiện tốt chương trình tín dụng chính sách xã hội theo tinh thần Chỉ thị 40 cũng chính là làm tốt công tác dân vận tại cơ sở, nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới, xoá đói giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, triển khai tín dụng chính sách một cách chủ động, kịp thời cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong giai đoạn hiện nay được xem là một trong các giải pháp đặc biệt cấp bách, quan trọng, có ý nghĩa rất lớn, giúp người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện ổn định công ăn, việc làm, ổn định cuộc sống.
Quá trình thực hiện cũng đặt ra một số vấn đề cần bổ sung, hoàn chỉnh hơn theo hướng:
Một là, phân tích và làm rõ kết quả sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội; làm rõ những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm. Trong đó, chú trọng về các mô hình và cách làm hay tại các địa phương.
Hai là, nhận diện và làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội theo những chủ trương, nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 40;
Ba là, phân tích, đánh giá đúng về hiệu lực và hiệu quả của việc tập trung nguồn lực và hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách xã hội;
Bốn là, đánh giá, làm rõ về kết quả việc đổi mới, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội;
Năm là, đánh giá đúng và khách quan về công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong triển khai thực hiện Chỉ thị 40. Nhận diện đúng bối cảnh và yêu cầu mới đối với tín dụng chính sách trong thời gian tới để đề xuất hoàn thiện mô hình, cơ chế, định hướng, các nhiệm vụ và giải pháp đã nêu trong Chỉ thị 40.