Vốn vay ưu đãi đã giúp hàng triệu gia đình có tiền chu cấp cho con học theo đuổi ước mơ tới trường (Ảnh: P.V)
Hiệu quả của chương trình
Thực tế, chính sách tín dụng đối với HSSV trong 10 năm qua đã khẳng định là một chính sách có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội. Tính đến nay, tổng dư nợ chương trình đạt hơn 15.993 tỷ đồng với trên 671 nghìn khách hàng còn dư nợ. Vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 3,5 triệu lượt HSSV có hoàn cảnh khó khăn trên khắp cả nước được vay vốn học tập.
Trong các địa phương triển khai hiệu quả chương trình, phải kể đến Hà Tĩnh, một trong những vùng đất hiếu học. Theo ông Lưu Văn Minh, Giám đốc NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh, đến nay, chi nhánh thực hiện giải ngân hơn 407 tỷ đồng, với 15.828 hộ đang có dư nợ chương trình HSSV. Để đạt được kết quả trên, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức triển khai về tín dụng đối với HSSV tới các cấp chính quyền, các ban, ngành và các tổ chức chính trị - xã hội, cơ sở đào tạo; chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí tuyên truyền sâu, rộng chủ trương, chính sách đến nhân dân. Bên cạnh đó, thông qua đội ngũ cán bộ tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác và các Tổ tiết kiệm và vay vốn để phổ biến trực tiếp tại các địa bàn dân cư; niêm yết công khai chủ trương, chính sách tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn nhằm đưa chính sách này đến từng thôn xóm, từng hộ gia đình.
Thực hiện phương châm “Giao dịch tại xã, giải ngân tận hộ”, NHCSXH tỉnh Hà Tĩnh cùng với các tổ chức hội, đoàn thể, Tổ tiết kiệm và vay vốn thực hiện công khai, dân chủ việc bình xét đối tượng vay; kịp thời phát hiện những tồn tại, vướng mắc để khắc phục, đồng thời triển khai kịp thời, nghiêm túc việc tổ chức thu lãi hàng tháng đối với các hộ gia đình tự nguyện trả nợ gốc, nợ lãi trước hạn, nhằm tạo ý thức trả nợ dần cũng như giảm áp lực trả nợ cho người vay khi đến hạn.
Thạch Hà là một trong những huyện có tỷ lệ HSSV vay khá cao. Một ngày cuối tháng 8 theo chân cán bộ NHCSXH huyện Thạch Hà, chúng tôi ghé thăm gia đình bà Nguyễn Thị Thành ở thôn Nam Thai, xã Thạch Hội, huyện Thạch Hà. Bà Thành vẫn không thể quên được thời gian đầy khó khăn và vất vả mà gia đình đã trải qua. Bà Thành chia sẻ, gia đình bà thuộc diện hộ nghèo. Khi con đỗ đại học, gia đình mừng vì con có cơ hội được học nâng cao nhưng lại lo vì không có tiền chu cấp cho con theo học. May mắn trong hoàn cảnh đó, được sự tư vấn, hỗ trợ của Tổ tiết kiệm và vay vốn của thôn, gia đình tôi được vay vốn ưu đãi từ chương trình tín dụng HSSV có hoàn cảnh khó khăn số tiền trên 55 triệu đồng để trang trải chi phí học tập cho 3 con theo học đại học, cao đẳng. Hiện nay, cháu Nguyễn Minh Thị đã ra trường và làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, còn cháu Nguyễn Minh Chí nhờ thành tích học tập tốt, hiện, cháu đang được đi du học tại Nhật Bản và cháu Nguyễn Thị Ánh làm kế toán cho doanh nghiệp trên địa bàn huyện. Công việc của các cháu ổn định, đời sống của gia đình tôi dần khấm khá lên. Mỗi tháng các cháu đều dành dụm gửi tiền về và cùng với gia đình trả nợ, trả lãi cho ngân hàng đều đặn, hiện tại tôi đã trả được 26 triệu đồng tiền gốc và lãi cho ngân hàng, dự kiến khoảng 1 - 2 năm nữa gia đình tôi sẽ trả hết số nợ còn lại cho NHCSXH”.
Sát cánh cùng NHCSXH trong nhiệm vụ chuyển tải và quản lý nguồn vốn tín dụng HSSV, chính quyền các địa phương và các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cũng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho năm học mới. Ông Nguyễn Thanh Long, Chủ tịch UBND xã Thạch Hội (Thạch Hà) cho biết: “Các thủ tục để được vay vốn HSSV dù không phức tạp, nhưng với người nông dân thì phải hướng dẫn một cách tỉ mỉ, đặc biệt là với những hộ vay mới. Vì vậy, ngoài việc phổ biến chương trình này trong các cuộc họp thôn, họp Tổ tiết kiệm và vay vốn, chính quyền xã chỉ đạo các hội, đoàn thể hướng dẫn Tổ trưởng các Tổ tiết kiệm và vay vốn trực tiếp rà soát, chuẩn bị các thủ tục giúp các hộ vay để khi có nguồn vốn phân bổ là có thể giải ngân ngay.
Giải pháp để chương trình thực sự phát huy hiệu quả
Kết quả đạt được từ gần 10 năm qua cho thấy, chính sách tín dụng đối với HSSV có ý nghĩa cả về kinh tế, chính trị và xã hội, phù hợp với tình hình thực tế, tạo được sự đồng thuận của các ngành, các cấp, của cộng đồng xã hội. Qua đó, đã góp phần xây dựng nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ, kiến thức và tay nghề phục vụ phát triển đất nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, doanh số cho vay của chương trình này giảm dần. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chính do nhu cầu vay giảm mạnh. Hiện, nhiều gia đình lựa chọn cho con đi học nghề nhiều hơn là học các trường đại học và cao đẳng. Bởi, học nghề thời hạn ngắn hơn, vay vốn ít hơn và ra trường tìm được việc làm ngay trong khi nhiều trường hợp học 4 năm đại học nhưng ra trường không có việc làm. Nguyên nhân nữa là mức cho vay HSSV vẫn thấp so với nhu cầu vì vậy nhiều hộ dân dù có vay cũng không đủ đảm bảo cho con theo học. Theo quy định, hiện nay mỗi HSSV đủ điều kiện được vay 1.500.000 đồng/tháng với lãi suất 0,55%/tháng trong khi mỗi tháng HSSV cần chi tiêu tối thiểu khoảng 4.000.000 đồng cho các nhu cầu học tập và sinh hoạt. Việc hoàn chỉnh thủ tục để HSSV được vay vốn cũng còn một số vấn đề cần có sự vào cuộc hơn nữa của các trường. Mẫu giấy xác nhận vay vốn mặc dù đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo, NHCSXH quy định rõ, thống nhất, nhưng nhiều trường vẫn làm sai, cấp chậm, khiến cho việc thực hiện hồ sơ vay vốn kéo dài, ngân hàng khó chủ động kế hoạch. Một số nơi còn xác nhận chưa đúng thẩm quyền, thông tin trên mẫu còn để HSSV tự khai, thiếu tính chính xác hoặc khai không đầy đủ (thiếu mã trường, mã sinh viên, không xác định rõ thời gian kết thúc khoá học…) khiến cho việc khai báo thông tin HSSV tại ngân hàng rất khó khăn, ảnh hưởng đến việc làm thủ tục vay vốn, quản lý, thống kê số liệu, xác định kỳ hạn trả nợ…
Để chương trình phát huy hiệu quả cao hơn nữa, trong thời gian tới các tổ chức hội, đoàn thể, các cơ sở đào tạo phối hợp chặt chẽ hơn nữa với NHCSXH để việc giải ngân cũng như thu nợ đạt hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó Nhà nước, Chính phủ có thể xem xét mở rộng đối tượng cho vay đối với hộ gia đình không quá khó khăn nhưng có từ 2 - 3 con đang đi học trở lên, tạo điều kiện giúp các hộ gia đình giải tỏa được gánh nặng về tài chính, đồng thời tiếp tục nâng mức cho vay đối với chương trình để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu trang trải chi phí cho HSSV.
Có thể nói, chương trình tín dụng HSSV thực sự là “điểm tựa” để gia đình có hoàn cảnh khó khăn cho con mình theo đuổi con đường học tập, mở ra nhiều cơ hội cho thế hệ trẻ. Chương trình cũng đã tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Ngày 27/9/2007, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 157/2007/QĐ-TTg về tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV), thể hiện sự quan tâm của Đảng, Chính phủ trong việc thực hiện chủ trương về phát triển giáo dục, bảo đảm an sinh xã hội. |