(ĐCSVN) - Thực hiện chương trình vay vốn tín dụng của Ngân hàng Chính sách xã hội, thời gian qua, nhiều địa phương thuộc tỉnh Lào Cai đã phát huy lợi thế sẵn có, tạo điều kiện cho bà con vươn lên sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương mình.
Là một huyện miền núi vùng thấp của tỉnh Lào Cai, huyện Bảo Thắng có diện tích tự nhiên 68.219ha. Toàn huyện có 14 xã, thị trấn thuộc vùng khó khăn, trong đó có 1 xã biên giới, 5 xã thuộc khu vực III và 104 thôn đặc biệt khó khăn.
Theo Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Bảo Thắng Phan Thanh Sơn, công tác bám sát cơ sở, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người dân trên địa bàn luôn được quan tâm, chú ý nhằm tạo điều kiện cho bà con được tiếp xúc với nguồn vốn vay và phát huy hiệu quả nguồn vốn. Đặc biệt, với những địa bàn xã khó khăn, ngân hàng tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân về những vướng mắc về nguồn vốn, sử dụng nguồn vốn. Bên cạnh đó, công tác chăm lo cho ngành, nghề sản xuất của người dân được chú trọng với các buổi tập huấn cho bà con nông dân, hướng mục tiêu sản xuất tập trung vào một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương.
Nhờ vậy, trong năm 2014, nguồn vốn tín dụng chính sách đã mang lại hiệu quả thiết thực, đóng góp một phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn đã góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, về giảm nghèo bền vững tại địa phương. Năm 2014, huyện đã giảm được 1.106 hộ nghèo (giảm 4,25%); trong 4 năm 2011-2014 giảm 6.758 hộ nghèo (bình quân giảm 7,8%/năm).
|
Nhờ vay vốn Ngân hàng chính sách xã hội của huyện, gia đình chị Phương đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi lợn, cho thu nhập đều đặn mỗi năm (Ảnh: BT) |
Là một trong những hộ khó khăn của xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, gia đình chị Nguyễn Thị Phương trước đây chỉ trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của chồng. Năm 2011, chị mạnh dạn vay vốn tín dụng sản xuất kinh doanh với nguồn vốn 30 triệu đồng. Được Nhà nước cho vay vốn ưu đãi, chị đầu tư chuồng trại, con giống chăn nuôi lợn. Ban đầu với 5 con lợn nái làm giống, đến nay đàn lợn của chị mỗi năm xuất khoảng trên 100 con lợn thịt, với giá bán 480 - 500 nghìn đồng/yến, cho doanh thu 500 triệu đồng/năm, cho lãi 100-200 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình chị còn triển khai nuôi vịt với nguồn cung 400-500 con vịt con/tháng đã tạo thêm thu nhập cho gia đình chị khoảng 4-5 triệu đồng/tháng.
Không chỉ tại Bảo Thắng, TP Lào Cai cũng là một trong những đơn vị triển khai khá hiệu quả chương trình tín dụng chính sách xã hội cho bà con nơi đây. Với việc triển khai 9 chương trình như: cho vay hộ nghèo, cho vay hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay học sinh sinh viên… đã trở thành công cụ thiết thực thực hiện xóa đói giảm nghèo bền vững cho Thành phố.
Cụ thể, các nguồn vốn tín dụng cho hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn, được đầu tư vào 3 xã, phường (Đồng Tuyển, Tả Phời, Hợp Thành) với mức vay 30 triệu đồng/hộ không cần tài sản thế chấp. Nguồn vốn đã phát huy hiệu quả, tạo điều kiện cho các hộ thoát nghèo chưa bền vững, được bổ sung vốn để sản xuất, kinh doanh, góp phần thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp, nông thôn, tăng trưởng kinh tế giữa các vùng. Đối với Quỹ quốc gia giải quyết việc làm đã góp phần giảm sức ép về lao động và việc làm cho các hộ thuộc các xã, phường về chuyển đổi cơ cấu kinh tế; khôi phục ngành nghề và hình thành các mô hình trang trại, các vùng dự án.
Đồng thời, việc cho vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã giúp cho các hộ đảm bảo có công trình nước sạch và vệ sinh môi trường, các công trình được xây dựng mới hoặc cải tạo đảm bảo hợp vệ sinh. Thêm vào đó, kênh vốn hỗ trợ cho vay hộ cận nghèo với mức cho vay 50 triệu đồng/hộ không cần tài sản thế chấp đã giúp các hộ thoát nghèo nhưng chưa bền vững có vốn để củng cố và phát triển kinh tế gia đình.
|
Ao nuôi cá của gia đình chị Kết cho doanh thu trên 100 triệu đồng mỗi năm (Ảnh: BT) |
Gia đình chị Đoàn Thị Kết, thôn Phời 3, xã Tả Phời là một trong những hộ điển hình sử dụng hiệu quả nguồn vốn sản xuất kinh doanh trong sản xuất. Chị cho biết, trước đây, gia đình chị chỉ làm ăn buôn bán nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh, tuy nhiên, khi có chính sách vay vốn, gia đình chị đã mạnh dạn vay vốn đầu tư sản xuất nuôi cá chép, cá trắm, cá rô phi thương phẩm. Đồng thời, gia đình chị cũng tập trung vào sản xuất chăn nuôi lợn.
Mỗi năm, gia đình chị thu hoạch 2 vụ cá với giá bán 50-70 nghìn đồng/kg cùng với xuất từ 1-2 tấn thịt lợn, trừ các chi phí, gia đình cũng thu lãi về từ 120- 130 triệu đồng. Từ nguồn vốn ban đầu, đến nay gia đình chị đã xây dựng được cơ ngơi về ao, chuồng trại, cơ sở buôn bán nhỏ,…tạo nguồn thu nhập ổn định hàng năm cho gia đình. Thời gian tới chị cũng cho biết, gia đình chị sẽ tiếp tục đầu tư nhằm nâng cấp hệ thống chuồng trại và triển khai làm mô hình vườn – ao – chuồng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Bên cạnh đó, còn phải kể đến gia đình anh Lương Văn Phúc, thôn Phời 3 vay 30 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ nghèo. Gia đình anh đã đầu tư mua trâu từ năm 2011, đến nay, số lượng đàn trâu của gia đình anh đã được 3 con, với giá bán từ khoảng 25-30 triệu đồng/con, đồng thời gia đình anh cũng đã trả nợ vốn được 20 triệu đồng.
Việc tạo điều kiện vay vốn chính sách là một trong những điều kiện cần thiết để người dân nông thôn, đặc biệt là đồng bào các dân tộc vùng sâu vùng xa có điều kiện tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Tuy nhiên, để tiếp tục phát huy hiệu quả nguồn vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh, bà con nông dân cũng mong muốn, trong thời gian tới có thể được nâng mức vốn vay để có điều kiện đầu tư cơ sở vật chất, tái đàn…nhằm tiếp tục duy trì và mở rộng cơ sở sản xuất kinh doanh./.