Nguồn vốn của NHCSXH huyện đã giúp cho 1.828 hộ nghèo, 1.252 hộ cận nghèo và 86 hộ đồng bào dân tộc thiểu số có vốn đầu tư vào sản xuất, nâng cao thu nhập cải thiện đời sống; giải quyết việc làm cho 72 lao động, 137 HSSV có kinh phí học tập; đầu tư xây dựng 2732 công trình nước sạch vệ sinh môi trường và 52 hộ nghèo xây mới và cải tạo nhà ở...
Có được kết quả đó là nhờ cùng với sự chủ động, nỗ lực tích cực của tập thể cán bộ, công nhân viên toàn hệ thống, NHCSXH huyện còn tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác vay vốn để người dân tiếp cận gần hơn với nguồn vốn; hướng dẫn các hộ vay vốn sử dụng hiệu quả nguồn vốn.
Nông dân Triệu Sơn sử dụng vốn vay ưu đãi chuyển đổi trồng lúa kém năng suất sang trồng cây dược liệu (Ảnh: Hồ Khánh)
Bên cạnh đó là tập trung tuyên truyền để giải ngân kịp thời nguồn vốn, ngân hàng tiếp tục tăng cường quản lý vốn ở cơ sở để bảo đảm an toàn và hiệu quả nguồn vốn cho vay quay vòng.
Đáng chú ý, NHCSXH huyện phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội rà soát, đánh giá các Tổ tiết kiệm và vay vốn theo tháng, quý. Sau đó, tiến hành các biện pháp tập huấn nghiệp vụ theo cách cầm tay chỉ việc cho cán bộ tổ. Kịp thời thay đổi Tổ trưởng khi họ thiếu trách nhiệm, không nhiệt tình. Củng cố, kiện toàn ngay các Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động yếu, kém. Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn thực hiện nghiêm túc sự phân công, giao trách nhiệm đối với cán bộ tín dụng phụ trách địa bàn. Qua đó, thường xuyên nắm nhu cầu vay vốn, tình hình sử dụng vốn, để có tham mưu, báo cáo cấp ủy, chính quyền giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc.
Nhờ tác động tích cực của tín dụng chính sách, giai đoạn từ 2011 - 2016, người nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Triệu Sơn đã có điều kiện chuyển trên 400ha đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác và đất lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản. Trong đó, mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng mía với diện tích 204ha, cho thu nhập 65 triệu đồng/ha/năm; mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng ớt xuất khẩu với diện tích 100 ha ở các xã Khuyến Nông, Thọ Vực, Vân Sơn, Nông Trường, An Nông... cho thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận đạt từ 100 - 200 triệu đồng; mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng cây dược liệu với diện tích 27ha ở các xã Thái Hòa, Đồng Thắng, Tân Ninh có thu nhập 400 triệu đồng/ha/năm, thu lãi 200 triệu đồng; mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng hoa, cây cảnh với diện tích 34ha cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận từ 170 - 200 triệu đồng.
Trong chăn nuôi, có thêm nguồn vốn tín dụng ưu đãi, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật của chương trình khuyến nông về xây dựng chuồng trại, thúc ăn, quy trình chăm sóc trong chăn nuôi lợn, vịt, gà, dê... Toàn huyện đang có 240 trang trại, gia trại, đạt hiệu quả kinh tế cao. Nhiều trang trại cho thu nhập từ 500 - 700 triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động với mức thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng.
Là một trong những hộ gia đình được vay 40 triệu đồng từ chương trình hộ cận nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Triệu Sơn để đầu tư vào sản xuất, ông Lê Trọng Sự ở thôn 3, xã Thọ Dân cho biết: Cùng với vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội, gia đình vay thêm bạn bè để đầu tư xây dựng chuồng trại với quy mô 16 ô chuồng, nuôi được khoảng 100 con lợn, trong đó ông nuôi 15 - 20 con lợn sinh sản, đảm bảo con giống, thường xuyên trong chuồng có từ 70 - 80 con lợn thịt, sau khi trừ chi phí, hàng năm cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Đến nay, ngoài chăn nuôi lợn, gia đình ông có thêm 6 con trâu, bò sinh sản và 20 con dê.
Có thể kể đến ông Nguyễn Văn Chung ở thôn 7, xã Vân Sơn, từ năm 2010, tham gia Tổ tiết kiệm và vay vốn và được vay 20 triệu đồng, gia đình ông đã đầu tư nuôi bò sinh sản. Nguồn vốn ưu đãi tiếp thêm thuận lợi cho gia đình ông Chung phát triển kinh tế trang trại, mang về nguồn thu ổn định trên 30 triệu đồng/năm (đã trừ chi phí) và nhân đàn bò từ 2 con lên 10 con, trị giá hơn 150 triệu đồng.
Cũng từ nguồn vốn vay của NHCSXH, còn rất nhiều hộ gia đình nông dân khác đã phát huy được nguồn vốn từ ban đầu, sau các chu kỳ sản xuất, kinh doanh có hiệu quả đã tạo được nhiều việc làm mới cho lao động nông thôn, kinh tế phát triển, ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Các hộ gia đình nông dân đã có tích lũy vươn lên làm giàu chính đáng, từng bước góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới sớm về đích.
Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020 huyện Triệu Sơn sẽ chuyển đổi 2.500ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác và kết hợp sản xuất lúa với nuôi trồng thuỷ sản. Để việc chuyển đổi mang lại hiệu quả kinh tế cao, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Triệu Sơn Lã Văn Lâm cho biết: Huyện tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ sản xuất; lồng ghép các nguồn lực, tổ chức sản xuất theo hướng tập trung; hỗ trợ các hợp tác xã, người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. Tuyên truyền, vận động nhân dân đưa các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng, giá trị thương phẩm cao, phù hợp với nhu cầu thị trường vào sản xuất...