Tuy nhiên, bên ngoài những bức tường nhà máy, ở những xã cách xa trung tâm, vẫn còn những gia đình thuần nông, những hộ nghèo, gia đình chính sách với khó khăn nhất định.
Qua 15 năm hoạt động, NHCSXH không những chỉ mang đến đồng vốn cho các hộ, mà còn mang đến sự đồng hành sẻ chia, tạo nguồn động lực, tạo cú hích quan trọng cho nhiều hộ gia đình là hộ nghèo có cơ hội thoát nghèo bền vững, hộ kinh doanh có điều kiện mở rộng sản xuất, chuyển đổi diện tích đất bạc màu sang trồng cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Tín dụng chính sách được ủy thác qua các tổ chức chính trị, xã hội nên vốn vay ưu đãi đã đến đúng đối tượng, chất lượng tín dụng luôn được nâng cao, nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,052% tổng dư nợ. Dưới bóng mát của vườn cây trái, đồng vốn chính sách đang cùng người dân Văn Lâm viết lên những câu chuyện về xây dựng nông thôn mới giàu đẹp. Đến nay, trên địa bàn huyện Văn Lâm có 11.026 hộ được vay vốn ưu đãi, với tổng dư nợ đạt 200 tỷ đồng của 9 chương trình cho vay, trong đó cho vay hộ nghèo đạt hơn 21 tỷ đồng, hộ mới thoát nghèo hơn 22 tỷ đồng, cho vay giải quyết việc làm đạt hơn 7 tỷ đồng...
Gia đình anh Đào Minh Chuyên ở thôn Như Xuyên, thị trấn Như Quỳnh với vườn nhãn giống mới năm nay dự tính thu được tới cả trăm triệu đồng
Vườn ươm cây bưởi giống mới của gia đình anh Đào Minh Chuyên cung cấp cho các gia đình trong khu vực có nhu cầu chuyển đổi cây trồng
Gia đình ông Đặng Ngọc Thạch ở thôn Cát Lư, xã Chỉ Đạo, huyện Văn Lâm vay vốn giải quyết việc làm đầu tư trồng cây thanh long cho thu nhập cao hơn trồng màu
Cùng xã Chỉ Đạo còn có gia đình anh Lê Văn Tâm đã sử dụng vốn vay ưu đãi đầu tư chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, cây nghệ cho hiệu quả kinh tế cao
Những mô hình chuyển đổi từ ruộng bạc màu sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao ở xã Chỉ Đạo
Những vườn cây trĩu quả ở huyện Văn Lâm có sự đóng góp của nguồn vốn vay ưu đãi
Cán bộ tín dụng NHCSXH thường xuyên kiểm tra thực tế các mô hình sử dụng vốn vay ưu đãi