Về nơi “ba không, một có”

Thứ hai, 06/12/2021 18:01
(ĐCSVN) – “Thành quả lớn nhất từ vốn vay chính sách là thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Khi tư tưởng của người dân thay đổi, biết tư duy, biết nhận thức, biết xây dựng được ý chí tự lực, tự cường để vươn lên thì đó là cái thành quả và nó sẽ là tiền đề để mở ra một tương lai mới tươi sáng hơn cho bà con”.

Đó là chia sẻ rất chân tình của Trưởng bản Xốp Cháo, ông Lô Văn Hưng khi trao đổi về hoạt động tín dụng chính sách nơi đây trong suốt thời gian qua.

Từ bến thượng lưu đập thủy điện Bản Vẽ, sau 40 phút đi thuyền máy xuyên qua lòng hồ trên sông Nậm Nơn, chúng tôi đến bản Xốp Cháo, xã Lượng Minh. Đây là vùng lõi nghèo của Tương Dương - huyện biên giới 30A, tỉnh Nghệ An.

Như là một "ốc đảo" lẻ loi giữa lòng hồ rộng lớn, Xốp Cháo đến nay vẫn là bản 3 "không": Không đường giao thông, không điện lưới và không sóng điện thoại. Song sự cách trở ấy không ngăn được dòng vốn chính sách đang đổ về, giúp những người dân Khơ Mú từng bước vượt qua nghèo khó vốn đã thâm căn cố đế bao đời.

leftcenterrightdel
Bản Xốp Cháo - như là “ốc đảo” trong vùng hồ thủy điện Bản Vẽ, có 109 hộ dân thì 104 nhà là hộ nghèo 

Bản Xốp Cháo nằm rải rác trên những ngọn núi thấp. Đây là nơi quây quần sinh sống của 109 hộ với 457 người dân là Khơ Mú. Tổng diện tích đất tự nhiên ở đây rất rộng tới 6.972 héc - ta.

Cụ Lô Tấn Đào, năm nay tuổi đã ngoài 80, nguyên Trưởng bản Xốp Cháo và đã kinh qua 4 nhiệm kỳ làm Bí thư chi bộ tâm sự: “Bây giờ cuộc sống của đồng bào khác trước kia, con cháu biết chữ, từ tiểu học lên cấp hai, cấp ba đến đại học, chứ trước đây vất vả lắm. Những năm 1960 trở về trước một năm thiếu ăn 5 - 6 tháng chỉ sống vào củ khoai, củ sắn. Sau năm 1960, có chủ trương hỗ trợ của Nhà nước, kinh tế của đồng bào đã khá hơn nhiều”. Nhưng tư duy làm ăn của người dân không phải thay đổi từ đó, bởi phần vì hủ tục, phần vì ngăn sông cách trở, lại không có vốn, không biết cách làm ăn, giao thương hầu như không có nên người dân cũng không thiết tha làm kinh tế. Cuộc sống vì thế mà bữa no, bữa đói, nhiều người dân không có sinh kế, phó mặc cuộc sống cho trời, trông vào bữa nay, bữa mai quăng chài, mai lên rừng bẻ măng chặt củi, làm rẫy.

“Giờ còn có thuyền máy mà đi, chứ trước vào bản khó lắm mới tìm được cái thuyền. Song ngay từ ngày đặt chân lên mảnh đất này, cấp ủy, chính quyền các cấp và NHCSXH từ tỉnh đến huyện, xã đã dành sự quan tâm đặc biệt đến các bản nghèo, đặc biệt những nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, là những hộ ở vùng lõi nghèo nhất của tỉnh Nghệ An như Xốp Cháo. Như đảm bảo các hộ dân có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận nguồn vốn đầy đủ, kịp thời”, Phó Giám đốc chi nhánh NHCSXH tỉnh Nghệ An, Nguyễn Văn Vinh cho biết. Cùng với việc lặn lội, vượt khó đưa vốn tín dụng về bản, NHCSXH nhìn nhận việc phối hợp với chính quyền xã và bản tuyên truyền để thay đổi hủ tục, quan điểm sản xuất là một trong những điểm mấu chốt để đột phá trong hành trình giảm nghèo cho Xốp Cháo. Đồng thời, NHCSXH huyện phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, chính quyền các cấp và cánh tay nối dài của NHCSXH đó là Tổ tiết kiệm vay vốn để hướng dẫn hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả và góp phần để giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Cũng bởi thế, nguồn vốn tín dụng chính sách từ những ngày đầu triển khai vào cuộc sống đã trở thành một nguồn lực không thể thiếu, đánh thức bà con vùng đất này thay đổi nếp nghĩ, cách làm để giảm nghèo.

leftcenterrightdel
Thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn, người dân Xốp Cháo họp bình xét công khai, dân chủ, tạo điều kiện cho các hộ vay vốn chính sách 

“Từ những món cho vay đầu tiên của NHCSXH huyện triển khai ngày ấy chỉ 5 triệu đồng, không lãi suất, nhiều gia đình đã mua trâu bò chăn nuôi hiệu quả, ổn định cuộc sống. Hiện tại bây giờ, những hộ nào được vay vốn hầu như đều có trâu bò để nuôi. Nhiều hộ vay vốn chính sách để sản xuất, kinh doanh đã nâng cao thu nhập, nuôi con cái học hành. Nhân dân bản Xốp Cháo từ đó cũng thay da, đổi thịt”, Trưởng bản Xốp Cháo, Lô Văn Hưng cho biết.

Như gia đình chị Lô Thị Quyên. Vợ chồng cưới nhau chỉ hai bàn tay trắng. Sinh kế duy nhất là thả lưới đánh bắt cá trong lòng hồ. Thế nên khi được NHCSXH và chính quyền bản giới thiệu tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo, gia đình chị đã nhanh chóng quyết định vay vốn nuôi trâu bò. Con bò đầu tiên mua từ 5 triệu đồng vốn vay chính sách và khoản tiền tiết kiệm từ đánh bắt cá. Trải qua thêm 2 chu trình vay 30 triệu đồng rồi 50 triệu đồng, chị đã gây được đàn trâu bò hơn chục con. Mặc dù vừa qua đã bán gần hết cả đàn trâu bò để thêm vào sửa lại ngôi nhà sàn hết 80 triệu đồng, song hiện tại tài sản của chị vẫn còn 13 con trâu bò. “Cuộc sống giờ đã đỡ hơn nhiều. Lúc trước không có gì nhưng được NHCSXH cho vay tiền nên cuộc sống tạm ổn, dựng được ngôi nhà sàn mới vui lắm”, Lô Thị Quyên mộc mạc kể.

leftcenterrightdel
Tết này, gia đình Lô Thị Quyên rất vui vì sẽ là hộ thứ 6 ở Xốp Cháo không còn là hộ nghèo 

Cũng như chị Quyên, nhờ có đồng vốn chính sách đã trợ lực hỗ trợ sản xuất chăn nuôi. Nhiều năm qua gia đình anh Moong Văn Hiền ở bản Xốp Cháo đã an cư lạc nghiệp. Tiếp chúng tôi trong căn nhà mới để chuẩn bị vui Xuân đón Tết, anh khoe “vừa xây song hết 80 triệu đó”, rồi trầm ngâm bảo “10 năm trước không dám mơ”. Bởi trước đây khi chưa tiếp cận vốn chính sách, cuộc sống gia đình rất vất vả, khó khăn, con còn nhỏ. Cả gia đình chỉ trông vào làm rẫy, không có nương để trồng lúa, trồng sắn, bữa no, bữa đói thất thường. Vào mùa thì lên rừng hái măng kiếm thêm ít thức ăn và thu nhập. “Cuộc sống khó khăn, vất vả nên ngày ấy khi được NHCSXH cho vay tiền cũng chỉ dám vay 5 triệu đồng”, anh kể. Dồn hết tiền có được đầu tư vào chăn nuôi, lấy công làm lãi tích lũy dần dần cùng với NHCSXH cho vay các lần vốn sau tăng lên 20 triệu đồng và mới đây là 50 triệu đồng, anh Hiền đã gây dựng được đàn trâu, bò. Cùng với việc tận dụng đất làm rẫy, làm nương trồng lúa, cuộc sống gia đình đã đủ ăn, có thêm thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi các con ăn học.

Những điển hình làm ăn hiệu quả như chị Lô Thị Quyên, anh Moong Văn Hiền,... soi chiếu con đường phát triển kinh tế trong cộng đồng bản Xốp Cháo và ngày càng có nhiều hộ dân vay vốn chính sách phát triển kinh tế. Tính đến nay, NHCSXH huyện Tương Dương đang cho 76 hộ ở bản Xốp Cháo vay vốn, chiếm tỷ lệ 69,7%, trong đó có 58 hộ nghèo, 16 hộ cận nghèo và 2 hộ mới thoát nghèo vay, với dư nợ 2,8 tỷ đồng. Nguồn vốn chính sách đã và đang tạo điều kiện cho bà con vay để mua trâu bò, nuôi cá lồng bè..., sản xuất kinh doanh, tạo sinh kế, có thêm động lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Bản Xốp Cháo không có nợ quá hạn, nợ khoanh, tỷ lệ thu nợ đến hạn đạt trên 98%. Các tổ viên tham gia tiết kiệm đều đặn ở mức tối thiểu 100.000 đồng/hộ. Điều đó cho thấy người dân Xốp Cháo chăm chỉ làm lụng, hiệu quả kinh tế tốt. Đến nay, cả bản có gần 1.000 con trâu bò, gần 1.400 con gia cầm, cùng với đó là 40 lồng cá bè của 9 hộ gia đình mang lại mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Với diện tích đất trồng trọt bên cạnh đầu tư sản xuất lúa nước 2 vụ/năm, xã cũng khuyến khích người dân tận dụng đất bằng để cải tạo ruộng nước trồng các loại cây rau màu có giá trị kinh tế, sản xuất theo hướng hàng hóa.

leftcenterrightdel
Cán bộ NHCSXH huyện Tương Dương luôn gần gũi tuyên truyền, giải thích cho bà con trong bản Xốp Cháo 

“Nhờ làm tốt công tác phát triển kinh tế, nên đời sống của bà con trong bản từng bước được ổn định, thu nhập bình quân đầu người hiện nay ước đạt 8 - 10 triệu đồng/khẩu/năm, hộ làm ăn khá ngày càng tăng, góp phần cùng cả xã từng bước giảm hộ nghèo một cách bền vững. Hiện nay, Xốp Cháo mới chỉ có 6 hộ thoát nghèo”, Trưởng bản Lô Văn Hưng cho biết.

Trưởng bản Lô Văn Hưng cũng bày tỏ mong muốn “Đảng tiếp tục quan tâm nhiều hơn nữa cho bà con trong bản như NHCSXH đang cho vay vốn”!

Ông Nguyễn Văn Hải, Bí thư Huyện ủy Tương Dương nhấn mạnh “Thành quả lớn nhất từ vốn vay chính sách là thay đổi tư duy, nhận thức của đồng bào các dân tộc vùng cao biên giới. Khi tư tưởng của người dân thay đổi, biết tư duy, biết nhận thức, biết xây dựng được ý chí tự lực, tự cường để vươn lên thì đó là cái thành quả và nó sẽ là tiền đề để mở ra một tương lai mới tươi sáng hơn cho bà con”.

Ngày 01/9/2021 vừa qua, Bộ Công Thương phê duyệt thiết kế - bản vẽ thi công - dự toán xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia, tỉnh Nghệ An giai đoạn 2015 - 2020, phân kỳ 2021, trong đó Bản Xốp cũng nằm trong số các bản được xây dựng công trình cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia và nếu không có gì thay đổi người dân Xốp Cháo sẽ có điện lưới quốc gia để đón Tết Nhâm Dần 2022. Bí thư huyện cũng cho biết, huyện đã có kế hoạch tu bổ lại con đường bộ 12km đường núi vào huyện.

Có điện, có đường, có sóng điện thoại, cùng với sự quan tâm của Đảng và sự đoàn kết của bà con nhân dân trong bản Xốp Cháo, Bí thư kiêm Trưởng bản Xốp Cháo vững tin một ngày không xa Xốp Cháo sẽ sớm thoát nghèo bền vững./.

 

 

Bài và ảnh: Việt Hải

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực