Vốn chính sách thức dậy miền quê khó

Thứ sáu, 06/08/2021 16:15
(ĐCSVN) – Với việc huy động thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh, trong đó đáng kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung đầu tư cho miền quê xa xôi như trở mình, được đánh thức, đem lại mùa màng xanh tươi đến ngút tầm mắt.
 Phiên giao dịch đảm bảo 5K trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp (Hình ảnh trước giãn cách toàn xã hội tại tỉnh)

Đường 741 lên Phú Giáo có xa (cách thành phố Hồ Chí Minh chừng 80 km và tỉnh lỵ Bình Dương khoảng 50km) đèo dốc quanh co nhưng giờ đã dễ đi lắm rồi. Đường được mở rộng, trải nhựa phẳng lỳ, nhộn nhịp các loại xe chạy nên cảm giác trống vắng vốn có mà người ta thường gặp ở miền quê hẻo lánh đã vơi đi rất nhiều.

Những ai từng đến Phú Giáo, miền quê bán sơn địa thuộc tỉnh Bình Dương ắt không quên con đường này của hai mươi năm về trước. Hồi ấy, huyện Phú Giáo vừa được tái thành lập (8/1999) trên cơ sở các xã của hai huyện Tân Uyên, Bến Cát, chỉ toàn đường đất đỏ, bụi mù mịt vào mùa nắng, sình lầy vào mùa mưa. Ngược dòng thời gian, không chỉ có riêng các tuyến đường “khổ ải”, mà hầu hết 60 nghìn dân Tày, Nùng, Mường, Khmer, Kinh ở 11 xã, thị trấn trên địa bàn cũng vô cùng khó khăn, thiếu thốn về cuộc sống cùng nền sản xuất nông nghiệp manh múa, tỷ lệ hộ nghèo đói nhiều. Trước thực tế này, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong toàn huyện đã đoàn kết một lòng, quyết tâm khắc phục khó khăn tìm các giải pháp phù hợp, mở kế đưa Phú Giáo từng bước đi lên trên con đường phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo nhanh, bền vững.

Từ định hướng đúng và những giải pháp phù hợp nên trong những năm qua dù gặp không ít khó khăn thách thức do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thiên tai, dịch bệnh COVID-19 nhưng các chỉ tiêu kinh tế xã hội ở Phú Giáo đều đạt và vượt kế hoạch, lĩnh vực an sinh xã hội được đảm bảo. Với việc huy động thực hiện các chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh, trong đó đáng kể đến nguồn vốn tín dụng chính sách tập trung đầu tư cho miền quê xa xôi như trở mình, được đánh thức, đem lại mùa màng xanh tươi đến ngút tầm mắt. Hỏi vì sao miền quê bán sơn địa đổi thay nhanh chóng, chủ tịch UBND huyện Phú Giáo ông Đoàn Văn Đồng không ngần ngại đáp: Đồng bào các dân tộc ngày nay đang thoát dần cảnh nghèo nàn thiếu thốn, xây dựng cuộc sống no đủ hơn, thực tế đã có không ít gia đình người Tày, Nùng, Khmer… trở thành triệu phú nhờ thâm canh giỏi về trồng trọt, chăn nuôi.

 Cán bộ tín dụng chính sách thăm mô hình hộ vay vốn hiệu quả trước khi dịch bệnh bùng phát

Nguyên nhân làm nên bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt thì có nhiều nhưng một nguyên nhân không thể phủ nhận, đó là NHCSXH đã tập trung huy động trên 560 tỷ đồng, ưu tiên đầu tư cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và gia đình đồng bào DTTS khó khăn. Cùng với đó, cán bộ tín dụng chính sách đã chẳng quản những khi nắng lửa, mưa nguồn, kể cả những ngày đại dịch COVID-19 bùng phát lan rộng, thường xuyên về tận làng xã, tận tâm làm nhiệm vụ “3 cùng”: Cùng bám sát cơ sở, cùng bàn bạc với chính quyền, đoàn thể, cùng hướng dẫn người nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn, sử dụng vốn vay vào thâm canh lương thực, phát triển cây công nghiệp, mở rộng ngành nghề truyền thống.

Nhờ vay vốn chính sách thuận lợi, kịp thời lại có thêm sự thấu hiểu bàn bạc kỹ lưỡng của cán bộ NHCSXH cùng các ban ngành, đoàn thể tại địa bàn, đồng bào các dân tộc trên miền quê Phú Giáo đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phong trào xây dựng nông thôn mới, để có được 2 xã Tân Long, Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tất cả các xã về đích nông thôn mới từ cuối năm 2020.

Cùng đó, dựa vào nguồn vốn chính sách và tiến bộ của khoa học kỹ thuật, Phú Giáo đã tăng diện tích cây công nghiệp lâu năm như cao su, hồ tiêu, hình thành vùng cây ăn trái tập trung như cam, bưởi da xanh…. ven sông Bé lên 1000 ha với giá trị thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm/ha. Nguồn vốn chính sách còn thực sự làm điểm tựa vững chắc giúp đồng bào DTTS thoát nghèo, nâng cao cuộc sống. Đến nay chỉ còn 14 hộ nghèo trên 711 hộ đồng bào DTTS trong toàn huyện theo tiêu chí mới của tỉnh. Đơn cử về gia đình chị Huỳnh Thị Tốt, dân tộc Khmer, đã sử dụng 50 triệu đồng vốn vay từ chương trình tín dụng hộ nghèo, cộng với tính siêng năng, chịu khó, vợ chồng chị đã có tới 1,1 ha điền, 0,5 ha cọc tiêu, ngoài ra còn chăn nuôi bò sinh sản, heo nái để kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn, cuộc sống no đủ thêm.

 Cán bộ NHCSXH hỗ trợ điểm chốt kiểm soát dịch bệnh tại địa phương

Còn phải kể đến gia đình anh Ngưu Văn Bảo, sinh năm 1974 dân tộc Khmer và chị Trịnh Thị Tuyết 42 tuổi, người Dao quê gốc Bắc Kạn vào ấp 8 xã An Thới, Phú Giáo lập nghiệp. 10 năm về trước, làng quê anh chị điện chưa có, nhà ở dột nát, thiếu thốn bộn bề. Thế rồi cũng như nhiều gia đình khác, cái nghèo của vợ chồng người dân tộc thiểu số này được xóa đi. Năm 2016 thông qua Hội Nông dân địa phương, anh chị được vay 30 triệu đồng vốn chính sách để chăn nuôi bò và bước đầu thu kết quả nhất định. Từ động lực đó, 3 năm sau, gia đình anh vay tiếp vốn chính sách làm mô hình kinh tế VACR (vườn, ao, chuồng, rừng). Nhờ biết cách sử dụng vốn vay ngân hàng hợp lý, phần nữa quê nhà có điện lưới, có đường đi lối lại thênh thang, đã làm đà cho anh chị gây dựng một cơ ngơi bao gồm đàn bò 6 con gồm bò mẹ, 2 bê con, 2 ha xanh um cây keo, hồ tiêu, thu nhập cỡ 150 triệu đồng/năm. “Vì có ngân hàng đưa vốn ưu đãi và cho cán bộ tín dụng đến tận nhà hướng dẫn cho vay nên mình mới làm ra cái trang trại to lớn như thế này và gia đình giàu lên trông thấy”, anh Ngưu Văn Bảo phấn khởi nói. Những năm qua, vốn chính sách đánh thức miền quê nghèo và hiện lên nhiều gương sản xuất giỏi, làm giàu nhanh.

Giám đốc NHCSXH Phú Giáo, ông Phạm Quốc Du cho biết; đơn vị luôn thực hiện đầy đủ các chủ trương, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về giảm nghèo bền vững và tín dụng chính sách, cụ thể triển khai mạnh mẽ chỉ thị 40 và kết luận 06 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, tổ chức tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết số 68/2021 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ cho đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đặc biệt phối hợp chặt trẽ với chính quyền địa phương chủ động phòng, chống, ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh; tập trung thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống, ứng phó tốt đại dịch COVID-19, vừa thực hiện thắng lợi, các chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được giao, phấn đấu không ngừng nghỉ công tác huy động tăng nhanh nguồn lực, khơi thông dòng chảy nguồn vốn chính sách chảy đều đặn, an toàn đến đúng đối tượng thụ hưởng trong mọi lúc, khắp mọi nơi.

Chúng ta tin tưởng và chờ đợi những thắng lợi mới trong cuộc hành trình vì giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững của NHCSXH Phú Giáo.

 

Dư Minh Uyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực