Trên bản đồ Việt Nam, Bình Dương là tỉnh thuộc miền đất đỏ Đông Nam Bộ, được tái lập ngày 1/11/1997, có dân số đông thứ tư cả nước. Bình Dương cũng là vùng chiến khu xưa với những địa danh lịch sử Bầu Bàng, Phú Lợi, chiến khu Đ, nay trở thành địa chỉ hấp dẫn, thu hút nhiều dự án đầu tư phát triển công nghệ cao, xây dựng nền sản xuất nông nghiệp đô thị, đặc biệt đạt mức chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn chuẩn nghèo quốc gia gấp 1,7 lần, không còn tỷ lệ hộ dân tái nghèo.
Thành tựu này không chỉ tạo nên vị thế vững vàng hàng đầu cho Bình Dương trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam mà còn ghi nhận sự nỗ lực phấn đấu, hiệu quả công tác của các cấp ngành, các tầng lớp nhân dân, trong đó có Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã triển khai thực hiện những cách làm sáng tạo, thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.
|
Giao dịch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19 |
Sự quan tâm đồng lòng của cấp ủy, chính quyền trong triển khai vốn tín dụng chính sách
Giám đốc NHCSXH Bình Dương, ông Võ Văn Đức cho hay, điểm thuận lợi lớn nhất trong giai đoạn này là Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn dành sự quan tâm lớn cho công tác giảm nghèo; quyết liệt chỉ đạo việc tập trung các nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách thông qua NHCSXH. Minh chứng rõ nét là đến 30/6/2021, tổng nguồn vốn hoạt động của NHCSXH Bình Dương đạt 3.852 tỷ đồng, tăng 478 tỷ đồng so với đầu năm, trong đó nguồn vốn của địa phương ủy thác chiếm tỷ trọng đến 49% (1.867 tỷ đồng). Có được sự tăng nhanh, đạt cao về nguồn vốn ngân sách trong công tác tập trung huy động nguồn lực lớn đó phải kể đến các cấp ủy chính quyền, đoàn thể ở tỉnh Bình Dương đã quán triệt sâu sắc, đầy đủ nội dung Chỉ thị 40 của Ban Bí thư TW Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội và chỉ đạo sâu sát việc tập trung mọi nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước vào một đầu mối quản lý là NHCSXH. Cụ thể, hàng năm UBND từ tỉnh đến huyện, thị xã, thành phố trực thuộc đều cân đối nguồn vốn ngân sách, bổ sung, nâng nguồn vốn ủy thác qua NHCSXH để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các gia đình đồng bào DTTS khó khăn.
Nguồn quỹ của các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội, các hội nghề nghiệp cũng bàn giao nhiều triệu đồng sang NHCSXH quản lý để cho vay các đối tượng chính sách đặc thù tại địa bàn. Mới đây, UBND tỉnh, UBND các thành phố, huyện Phú Giáo, Thủ Dầu Một, Thuận An…. còn trích 170 tỷ đồng vốn địa phương ủy thác bổ sung để cho vay kịp thời các đối tượng chính sách phục hồi sản xuất, khắc phục khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra.
Hết thẩy nguồn vốn lớn được TW cấp, của địa phương ủy thác… đã được đội ngũ cán bộ, nhân viên tín dụng chính sách cùng những cán bộ chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác đã chung sức, đồng lòng chuyển tải về khắp địa bàn, đến tại 91 Điểm giao dịch xã, phường, thị trấn để cho vay trực tiếp từng hộ nghèo, từng đối tượng chính sách. Còn nữa, mạng lưới 1.614 Tổ TK&VV được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động đang làm “cầu nối” vững bền của NHCSXH cùng kề vai sát cánh với cán bộ tín dụng thực hiện phương châm “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ”, làm cho đồng vốn chính sách về tận vùng khó khăn, đến đúng đối tượng thụ hưởng.
|
Họp trực tuyến đảm bảo không gián đoạn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh |
Gần 20 năm qua, ngay cả giữa mùa dịch bệnh COVID-19 bùng phát lan rộng, nguồn vốn chính sách vẫn được khơi thông, chảy đều khắp vùng đất đỏ Bình Dương. NHCSXH nơi đây vẫn luôn kiên nhẫn, chủ động trong việc huy động nguồn vốn, thực hiện phương châm “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”; tăng cường biện pháp ứng phó trước những khó khăn về thiên tai, dịch bệnh và tích cực giúp người dân vay vốn thuận lợi để khôi phục, phát triển sản xuất.
Không bỏ ai lại phía sau
Hiện nay, tại địa bàn Bình Dương, hầu hết người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, có đủ điều kiện đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách. Không người nghèo nào bị quên lãng, bị bỏ lại phía sau. Đơn cử gia đình bà Phạm Thị Oanh ngụ ở xã Tân Bình nhờ đồng vốn chính sách đã “đổi vận” cuộc đời. Trên con đường thoát cảnh nghèo túng, bà Oanh đã sử dụng 86 triệu đồng vay của NHCSXH huyện Tân Uyên nuôi bò sinh sản, chăm sóc vườn hồ tiêu, cất được cả căn nhà mới ấm cúng để an cư lập nghiệp. Còn tại phường Phú Mỹ, thành phố Thủ Dầu Một, gia đình chị Lê Thị Kim Loan được Hội phụ nữ bảo lãnh vay vốn của chương trình hộ cận nghèo, đầu tư phát triển chăn nuôi heo nái. Với số vốn chính sách, cộng công chăm sóc, phòng bệnh cho gia súc tốt, heo mẹ đẻ được hai lứa với 20 con heo giống, chị Loan đã bán và trả hết nợ vay cho ngân hàng.
Nhận thấy tác dụng từ nguồn vốn chính sách năm 2020, chị Loan đã mạnh dạn đăng ký đề án hỗ trợ chăn nuôi của tỉnh và được NHCSXH tiếp tục cho vay 50 triệu đồng. Từ số tiền này cộng với số tiền tích góp của gia đình, chị mua thêm đàn gà để chăn nuôi. Đến nay, đàn gà của gia đình sinh trưởng phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng ở TP Thủ Dầu Một, chị Đỗ Ngọc Quế Trân ở phường Tương Bình Hiệp là một trong những hộ khó khăn kể từ khi có dịch bệnh COVID-19 xảy ra. Đầu năm 2021, thông qua Hội Phụ nữ phường, chị Trâm được vay 100 triệu đồng của NHCSXH tỉnh. Có vốn, chị Trâm đầu tư phát triển cơ sở đóng thùng carton. Đến nay, gia đình chị đã giải quyết được công ăn việc làm cho 4 người trong gia đình. Hơn thế nữa, đồng vốn đã giúp chị chủ động mở rộng cơ sở sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập ổn định.
|
Niềm vui hộ vay và cán bộ ngân hàng chính sách xã hội khi nguồn vốn hỗ trợ hiệu quả thoát nghèo |
Hiệu quả và ảnh hưởng từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã được lãnh đạo và đồng bào các dân tộc tỉnh Bình Dương ghi nhận. Cùng với đó, NHCSXH Bình Dương là một trong những ngân hàng tiên phong thực hiện có hiệu quả các chương trình an sinh xã hội, đã chung tay chia sẻ cùng địa phương và cộng đồng trong phòng chống dịch bệnh COVID-19; với tinh thần tương thân tương ái, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong NHCSXH đã góp công sức tiền của xây nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách, nhà tình thương cho hộ nghèo, trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, tặng quà cho thương binh, bệnh binh, bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Chỉ vài ba tháng nữa, NHCSXH Bình Dương bước sang năm thứ 20 xây dựng và phát triển. Một phần năm của thế kỷ 21 này chưa phải là dài nhưng đơn vị đã làm được nhiều việc hữu ích, nổi bật là tập trung huy động các nguồn lực tài chính, tạo lập được nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách của Nhà nước, góp phần thiết thực vào thành quả của sự nghiệp phát triển kinh tế, xây dựng nền sản xuất công nghiệp, nông nghiệp đô thị tiên tiến và cuộc chiến chống đói nghèo, dịch bệnh, bảo đảm an sinh xã hội ở một vùng đất đỏ Đông Nam Bộ.
Đặc biệt, tới đây, tỉnh Bình Dương phấn đấu đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới của địa phương còn dưới 2,5%. Do đó, từ hôm nay, ngày mai và trên dặm đường dài, NHCSXH vẫn luôn cam kết với sự bền bỉ trọn vẹn đồng hành với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, sẽ tiếp tục tham gia tích cực, làm công cụ đắc lực trong cuộc hành trình vì công bằng, an sinh xã hội. Đó là phương châm hành động của những người làm tín dụng chính sách cả nước nói chung, tỉnh Bình Dương nói riêng.