(ĐCSVN) – Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Nguyễn Đức Hải, trong 12 năm xây dựng và phát triển, NHCSXH đã xây dựng được mô hình tổ chức quản trị đặc thù phù hợp với điều kiện, đặc điểm nước ta, đáp ứng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực xã hội, tăng hiệu quả sử dụng vốn, thực hiện xã hội hoá hoạt động của NHCSXH.
Tính đến nay, toàn hệ thống, ngoài Hội sở chính, còn có 63 chi nhánh tỉnh, thành phố, 626 Phòng giao dịch cấp huyện, 10.904 Điểm giao dịch tại xã và hơn 199.603 Tổ tiết kiệm và vay vốn ở khắp các thôn, bản, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong phạm vi cả nước.
Ngân hàng cũng đã xây dựng và thực hiện thành công hoạt động giao dịch phục vụ tại địa bàn cấp xã, đến nay đã tổ chức được 10.904 điểm giao dịch tại xã (phường, thị trấn)/11.162 xã (phường, thị trấn) giúp tiết kiệm chi phí giao dịch, đi lại và thời gian cho người dân.
|
Giao dịch tại xã là việc làm thường xuyên của cán bộ tín dụng NHCSXH cơ sở (Ảnh: HNV) |
Đặc biệt, NHCSXH đã tập trung huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn và tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn của NHCSXH đạt trên 140.869 tỷ đồng, tăng hơn 130.344 tỷ đồng so với khi thành lập, tăng gần 50.469 tỷ đồng so với năm 2010 (tỷ lệ tăng 55,8%). Mặc dù có những thời điểm khó khăn nhưng nhìn chung, nguồn vốn tín dụng thời gian qua đã đáp ứng tương đối đầy đủ và kịp thời nhu cầu vay vốn của người nghèo và các đối tượng chính sách.
Bên cạnh đó. NHCSXH đã xây dựng và tổ chức thực hiện thành công phương thức quản lý vốn tín dụng chính sách với đối tượng phục vụ đặc thù, sáng tạo của Việt Nam. Theo đó, để chuyển tải vốn tín dụng chính sách đúng đối tượng thụ hưởng, đồng thời nâng cao chất lượng tín dụng, hỗ trợ tối đa cho người nghèo trong điều kiện phải tinh giản biên chế, tiết giảm chi phí quản lý, NHCSXH đã thực hiện phương thức quản lý tín dụng chính sách thông qua hình thức: phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc chọn và chỉ ra đối tượng chính sách thụ hưởng; thực hiện dân chủ công khai trong cộng đồng dân cư; sự tham gia của 04 tổ chức hội đoàn thể chính trị-xã hội (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh), với vai trò vừa là người giám sát xã hội vừa làm uỷ thác một số công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách.
Các tổ chức chính trị - xã hội được uỷ thác thực hiện một số nội dung công việc liên quan đến việc thành lập và chỉ đạo hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn, bình xét hộ đủ điều kiện vay vốn, hướng dẫn người vay sử dụng vốn, kiểm tra giám sát quá trình sử dụng vốn vay, cùng NHCSXH đôn đốc thu hồi nợ. Liên quan tới công tác ủy thác này, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (LHPNVN) Nguyễn Thị Thanh Hòa khẳng định: nhiệm vụ uỷ thác nguồn tín dụng chính sách luôn được Đoàn chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện chính sách giảm nghèo của quốc gia đồng thời là nguồn lực thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ tham gia tổ chức Hội. Bởi thế, các cấp Hội luôn chú trọng lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ hội viên vay vốn nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn…
|
Cuốn số vay vốn bìa xanh này đã trở nên quen thuộc với các hộ nghèo, hộ cận nghèo khắp mọi miền đất nước (Ảnh: HNV) |
Thực tế cũng chứng minh, các Chương trình tín dụng chính sách được NHCSXH tổ chức thực hiện hiệu quả với chất lượng tín dụng không ngừng được nâng cao. Tổng dư nợ của NHCSXH đến nay đạt gần 131.848 tỷ đồng, tăng 121.500 tỷ đồng so với khi thành lập, tăng 42.387 tỷ đồng so với năm 2010 (tỷ lệ tăng 47,4%). Hơn 97% dư nợ của NHCSXH tập trung vào 7 chương trình tín dụng chính sách trọng tâm là: Cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay giải quyết việc làm, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở. Hiện có gần 7 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, với dư nợ bình quân hơn 19 triệu đồng/khách hàng. Tỷ lệ nợ khoanh và nợ quá hạn của NHCSXH đã giảm xuống còn 0,9%, trong đó nợ quá hạn chỉ chiếm tỷ lệ 0,46%.
Hơn 12 năm qua, đã có trên 25 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn NHCSXH, trong đó trên 3,6 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; vốn tín dụng chính sách đã giúp thu hút, tạo việc làm cho trên 11,8 triệu lao động, trong đó trên 104 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,3 triệu học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 6,6 triệu công trình cung cấp nước sạch và vệ sinh ở nông thôn, xây dựng được 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách, 700 chòi tránh lũ, trên 102 nghìn ngôi nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng đồng bằng Sông Cửu Long...
Có thể thấy, tín dụng chính sách đã góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.