Vốn tín dụng chính sách giải quyết việc làm hiệu quả tại Bố Trạch (Quảng Bình)

Thứ tư, 12/12/2018 17:11
(ĐCSVN) - Thời gian qua, nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm từ NHCSXH huyện Bố Trạch (Quảng Bình) đã giúp cho nhiều hộ gia đình có vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo thêm được việc làm mới, từng bước cải thiện và nâng cao cuộc sống theo hướng bền vững.

Bà con nhận vốn vay ngay tại Điểm giao dịch NHCSXH để kịp thời sản xuất kinh doanh (Ảnh: T.N)

Có thể kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Bồn, bà Phan Thị Hoa ở thôn 2 xã Trung Trạch là một trong những tấm gương nông dân tiêu biểu về sản xuất, kinh doanh giỏi. Tháng 10 vừa qua, ông vinh dự là đại diện của tỉnh Quảng Bình là 1 trong 63 cá nhân được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ được tôn vinh trong Lễ trao Danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018. Ít ai biết rằng lão nông gần 60 tuổi mới chỉ chính thức thành công trong khoảng 2 năm trở lại đây dù trước đó ông đã có 16 năm thăng trầm với việc làm kinh tế nông nghiệp.

Ông kể lại rằng gia đình thuần nông nhưng ông chưa từng có suy nghĩ làm giàu được từ nghề nông. Bởi vài sào ruộng, vài con bò, năm bảy con lợn, thỉnh thoảng ra ao ra ruộng bắt ít cá, tôm là đủ sống qua ngày. Rồi khi trở thành hội viên Hội nông dân ông được biết đến các chính sách cho vay giải quyết việc làm của NHCSXH huyện Bố Trạch, năm 2016 ông đã mạnh dạn vay vốn làm ăn.

Với số vốn vay 50 triệu đồng ông quyết định đầu tư mua bò để chăn nuôi. Với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” và huy động vốn vay từ nhiều nguồn, chỉ trong hai năm sau khoảng 7ha đất cát ven biển được lão nông Nguyễn Văn Bồn “hô biến” thành trang trại trù phú nuôi gà, lợn, bò, đào ao thả cá, trồng cỏ…, mỗi năm đưa lại thu nhập trên 3 tỷ đồng, khiến nhiều người khâm phục và ngưỡng mộ.


Nguồn vốn vay đầu tư chăn nuôi lợn hiệu quả (Ảnh: T.N)

Cũng với xuất phát điểm “thấp” từ 50 triệu đồng vốn chương trình giải quyết việc làm của ngân hàng chính sách huyện, gia đình anh Nguyễn Văn Nam, chị Nguyễn Thị Thảo ở Thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm đã đầu tư phát triển mô hình VAC. Hiện gia đình có 3 hồ cá, thả nuôi các loại cá rô, trắm cỏ, chép, mỗi năm thu hoạch trên 2 tấn cá, cung cấp cho nhiều Nhà hàng vùng Phong Nha- Kẻ Bàng.

Anh chị còn xây dựng hệ thống chuồng trại với 6 lợn mẹ, mỗi năm xuất bán trên 120 con lợn giống. Bên cạnh đó mỗi năm duy trì 30 con lợn thịt, trừ chi phí mỗi năm gia đình cho thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Tại xã Hải Trạch, đầu năm 2018, gia đình anh Ngô Hoàng Phương ở thôn Tân Lý, vốn là thành viên của HTX Nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh, anh mạnh dạn vay 50 triệu đồng vốn giải quyết việc làm để đầu tư mô hình trồng nấm ăn và nấm dược liệu, mang lại nguồn thu nhập ổn định từ 5 - 7 triệu đồng mỗi tháng. Tới đây, gia đình anh cũng sẽ làm hồ sơ để tiếp tục vay chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường của ngân hàng, lắp đặt hệ thống nước sạch để việc trồng nấm đạt năng suất cao và chất lượng hơn.

Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm nông dân phát huy hiệu quả từ nguồn vốn vay giải quyết việc làm. Tất nhiên với nguồn vốn 50 triệu đồng họ khó có thể gây dựng nên mô hình kinh tế lớn, nhưng chính sách ưu đãi về lãi suất, thủ tục vay vốn… và sự khích lệ người dân làm giàu trên quê hương đã phần nào góp nên thành công cho họ.

Gia đình anh Nguyễn Văn Nam, chị Nguyễn Thị Thảo ở Thôn Nam Nẫm, xã Cự Nẫm đã đầu tư phát triển mô hình VAC nhờ vốn ưu đãi (Ảnh: T.N)

Giám đốc NHCSXH huyện Bố Trạch Hoàng Anh Toàn, cho biết: “Để nguồn vốn chương trình cho vay giải quyết việc làm phát huy hiệu quả, NHCSXH huyện đã và đang phối hợp với các cấp hội luôn chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng ủy thác, công tác bình xét cho vay đảm bảo đúng đối tượng. Tính đến 30/11/2018 dư nợ cho vay chương trình cho vay giải quyết việc làm trên địa bàn huyện đạt trên 18 tỷ đồng với gần 700 hộ gia đình được vay vốn, tạo việc làm mới cho hàng nghìn lao động nông thôn. Nhờ sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ưu đãi này nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã vươn lên thoát nghèo, nhiều hộ trở nên khá giả.”

Có thể nói, việc thực hiện có hiệu quả các chương trình cho vay giải quyết việc làm không những góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với cơ cấu kinh tế của địa phương mà còn giúp cho hàng nghìn lao động có việc làm, hỗ trợ nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh mở rộng mô hình sản xuất, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của nhiều điạ phương./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực