Vốn tín dụng chính sách giúp giảm nghèo hiệu quả

Thứ tư, 05/10/2016 16:31
(ĐCSVN) - Xuyên suốt 14 năm thực hiện Nghị định 78 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) đã giúp các đối tượng này có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo.

Gieo vốn, gặt ấm no

Đến bản Hội 3, xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu (Nghệ An) không khó để tìm đến nhà bà Hà Thị Đào - tấm gương nghèo vượt khó tiêu biểu tại địa phương. Bà Đào cho biết, trước đây gia đình thuộc diện khó khăn nhất trong bản. Nhà có 5 nhân khẩu, hai vợ chồng là lao động chính còn 3 con đang tuổi ăn, tuổi học. Sức người thì sẵn, nhưng không có tiền để đầu tư vào trồng trọt, chăn nuôi, nguồn thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp nên bữa no, bữa đói.

Lời giải cho bài toán thoát nghèo đã được tìm ra khi năm 2007, lần đầu tiên gia đình bà Đào được tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, với số tiền vay 10 triệu đồng ban đầu vợ chồng bà Đào quyết định mua 2 con bò cái. Sau một thời gian, cặp bò mẹ đã sinh được 3 con bê, số tiền thu được sau khi nuôi bê trưởng thành bán đã giúp cho gia đình bà Đào trả được nợ ngân hàng. Tuy nhiên, cái nghèo thì vẫn chưa dứt. Bà Đào lại tìm đến NHCSXH mạnh dạn vay vốn tiếp tục tìm cơ hội thoát nghèo với việc mua thêm gia súc và đầu tư và trồng cỏ, trồng keo.

Vườn keo mỗi ngày một lớn, rồi đàn trâu ngày một sinh sôi nhiều thêm, cái nghèo cũng đã dần trở thành quá khứ với gia đình bà Đào. Để rồi hôm nay nhìn lại gia đình là một trong những hộ gia đình khá giả của xã, với tài sản hiện có là 15 con trâu, bò, 01 ô tô tải nhỏ, 01 máy đóng gạch xi măng và nhiều tài sản có giá trị khác. “Nhờ có vốn ưu đãi, lại được tập huấn thêm kỹ thuật chăn nuôi, gia đình tôi đã hết cảnh chạy ăn từng bữa, giờ cũng có của ăn của để. Người nghèo nói chung, người dân tộc thiểu số như chúng tôi cảm ơn Chính phủ nhiều lắm vì đã cho vay tiền, để rồi sản xuất kinh doanh hiệu quả, thoát hẳn nghèo ngay trên chính đồng đất quê hương mình”, bà Hà Thị Đào xúc động chia sẻ.

Nhờ vốn tín dụng chính sách chương trình xóa đói giảm nghèo đã đạt nhiều kết quả tích cực (Ảnh: Tuấn Ngọc)

“Có thể khẳng định, nguồn vốn tín dụng chính sách do NHCSXH thực hiện có một ý nghĩa hết sức quan trọng để giúp cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất và ổn định cuộc sống" - Phó Chủ UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho biết. Là tỉnh miền núi thuộc khu vực Tây Bắc, dân số của tỉnh có 1,2 triệu người, trong đó đồng bào DTTS chiếm tới 84%., nguồn vốn tín dụng chính sách thời gian qua tại Sơn La đã giúp trên 32 nghìn hộ thoát nghèo; tạo việc làm và tăng thêm việc làm cho hơn 11 nghìn lao động; giúp cho hơn 6 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 13 nghìn căn nhà; gần 50 nghìn công trình nước sạch và nhà vệ sinh... góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 31,91% năm 2011 xuống còn 23,94% vào cuối năm 2015.

“Cần câu” quan trọng hơn “con cá”

Gia đình anh Thào A Thèng, người dân tộc Mông ở xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) trước đây rất khốn khó, phải lo từng bữa ăn hàng ngày, nhờ vốn ay ưu đãi giờ đây gia đình anh đã thoát nghèo. “Mình được vay vốn ưu đãi, vợ chồng mình mua con bò giống về nuôi, bên cạnh đó, với bản tính cần cù chịu khó trong việc trồng lúa và chăm sóc đồi chè sạch, để đến hôm nay hết nghèo rồi. Sắp tới sẽ trả nợ cho ngân hàng đúng hạn và không thiếu đồng nào đâu!”, anh Thèng nói.

Cũng như anh Thèng, chị Lường Thị Lài, người dân tộc Dao ở thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình (Yên Bái) được NHCSXH cho vay 35 triệu đồng, gia đình chị đã đầu tư nuôi lợn thịt và nuôi bò sinh sản. Cuộc sống dần đổi thay, gia đình chị đã không còn ý định du canh, du cư mà quyết tâm đổi đời trên chính mảnh đất quê hương mình. "Nhờ có vốn vay chính sách mà gia đình tôi thoát hẳn cảnh đói nghèo, trả xong nợ cho ngân hàng, biết phát triển kinh tế, chăn nuôi bò sinh sản có kết quả. Tôi mong sao nhiều bà con trong bản cũng sử dụng vốn vay đúng mục đích vào sản xuất thì sẽ nhanh chóng thoát nghèo thôi”, chị Lài tâm sự.

Qua giám sát việc triển khai tín dụng chính sách tại cơ sở, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Tín dụng chính sách là kênh quan trọng đế chúng ta phát huy vai trò chủ động sáng tạo của người nghèo; là cách thức chúng ta giảm thiếu bệnh trông chờ, ỷ lại một cách có hiệu quả. Vì khi sử dụng vốn vay, người dân có ý thức chủ động so với với các chương trình hỗ trợ cho không, phát không, các chương trình hô trợ trực tiếp”.

Với nguồn vốn huy động đến hết tháng 9/2016 của NHCSXH đã đạt trên 157 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ đạt hơn 150 nghìn tỷ đồng, góp phần giúp hơn 28,8 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách được vay vốn phát triển SXKD; giúp trên 4 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; thu hút, tạo việc làm mới cho trên 3,2 triệu lao động, trong đó trên 107 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 3,4 triệu HSSV có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 8,1 triệu công trình cung cấp nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn, trên 7,5 nghìn căn nhà tránh lũ cho hộ nghèo tại các tỉnh miền Trung, trên 104 nghìn căn nhà vượt lũ cho hộ gia đình vùng ĐBSCL và gần 484 nghìn căn nhà cho hộ nghèo và các hộ gia đình chính sách chưa có nhà ở trên toàn quốc...

Để chính sách đi sâu vào đời sống

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên, giai đoạn 2016 - 2020 theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, tổng số hộ nghèo trên toàn quốc là hơn 2,3 triệu hộ (chiếm 9,88%), hộ cận nghèo trên 1,2 triệu hộ (chiếm 5,22%), như vậy, đối tượng có nhu cầu vay vốn từ NHCSXH cũng tăng gần gấp đôi, đây là thách thức đối với NHCSXH trong điều kiện nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp.

Công cuộc thực hiện giảm nghèo bền vững thêm thách thức khi thực tế những năm qua cho thấy, nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn thấp so với nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách. Kế hoạch giao tăng trưởng tín dụng hàng năm chưa phù hợp với Chiến lược phát triển NHCSXH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vốn ngân sách Nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời,...

Điều này cũng đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ tại Chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014, đó là: “Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội...”.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020, Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13, trong đó khẳng định: “Ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng và phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu, xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo”; “Tăng nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; điều chỉnh đối tượng, mức vay, lãi suất, thời hạn cho vay phù hợp gắn với chính sách khuyến nông, khuyến công, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển giao KHKT, xây dựng, nhân rộng mô hình thoát nghèo gắn kết với cộng đồng dân cư trên địa bàn”.

Tại buổi làm việc với NHCSXH giữa năm 2016, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo: Chính sách phải bám sát thực tiễn. Muốn chính sách vào đời sống thì đời sống phải đi vào chính sách”. Điều này chỉ có thể thành hiện thực khi song hành cùng NHCSXH có sự quan tâm chỉ đạo và giám sát thực thi hơn nữa của các cấp ủy, chính quyền địa phương đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong hệ thống NHCSXH. Đồng thời, ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn...

 

Phương Trang (KCNB)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực