|
Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, ông Đinh Cu, dân tộc Ma Coong (bên phải) thăm mô hình chăn nuôi bò từ vốn vay ưu đãi của NHCSXH |
Xã Thượng Trạch là vùng đất sâu hút giữa đại ngàn Trường Sơn, cuộc sống của đồng bào Ma Coong (dân tộc Bru -Vân Kiều) nơi đây đang còn gặp rất nhiều khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Thời gian qua, bên cạnh các chính sách đặc thù của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số, cấp ủy Đảng, chính quyền và các hội, đoàn thể xã Thượng Trạch đã tích cực phối hợp với NHCSXH huyện để triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng tại địa phương.
Hiện nay, toàn xã Thượng Trạch có 379 hộ gia đình vay vốn ưu đãi từ NHCSXH, với dư nợ đạt trên 3,1 tỷ đồng, với 5 chương trình tín dụng đang được triển khai: Cho vay ưu đãi hộ nghèo; cho vay hộ nghèo về nhà ở; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo…
Từ nguồn vốn được vay đã góp phần giải quyết được vấn đề khó khăn về nhà ở, giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, như: nuôi bò sinh sản, dê, lợn… Kết quả mang lại đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã Thượng Trạch hàng năm giảm 5% (kế hoạch đề ra giảm 3-5%). Điển hình như gia đình anh Đinh Chừng, được vay 5 triệu đồng vốn ưu đãi hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và 20 triệu đồng hộ nghèo để chăn nuôi bò và trồng rừng hiệu quả; gia đình anh Đinh Neng nhờ vay 5 triệu đồng chương trình hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn để chăn nuôi bò, lợn, gà nay đã thoát nghèo; gia đình chị Y Quyết vay 5 triệu đồng chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn và 30 triệu đồng hộ nghèo để chăn nuôi dê, trồng cao su nay đã thoát nghèo, có thu nhập ổn định...
Đặc biệt, các hộ gia đình vay vốn ưu đãi luôn có ý thức tự giác trả lãi đúng thời hạn, tham gia gửi tiền tiết kiệm theo quy ước hoạt động của Tổ tiết kiệm và vay vốn và đầu tư vốn đúng mục đích, hiệu quả. Nhờ đó, xã Thượng Trạch nhiều năm liền không có nợ quá hạn.
Chủ tịch UBND xã Thượng Trạch, ông Đinh Cu chia sẻ: là xã miền núi, đời sống của đồng bào nơi đây rất vất vả, gặp nhiều khó khăn, việc NHCSXH đặt Điểm giao dịch cố định tại xã đã tạo thuận lợi cho bà con trong quá trình giao dịch. Đặc biệt, tại đây, các hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn và bà con có cơ hội giao lưu, gặp gỡ, chia sẻ, hướng dẫn nhau cách sử dụng vốn, kinh nghiệm sản xuất nên nguồn vốn phát huy được hiệu quả. NHCSXH luôn đáp ứng kịp thời nguồn vốn giúp bà con phát triển sản xuất, chăn nuôi. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương và NHCSXH.