(ĐCSVN) - Trong những năm qua, sự tham gia tích cực các tổ chức hội, đoàn thể đặc biệt là Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam đã góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn chính sách tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Nhân dịp chào mừng thành công Hội nghị Thi đua yêu nước Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) lần thứ II, giai đoạn 2010 - 2015, chúng tôi đã trao đổi nhanh với Phó Chủ tịch (PCT) Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết xung quanh các nội dung về việc Hội nhận ủy thác vay vốn tín dụng chính sách trong suốt thời gian qua.
|
Nguồn vốn ưu đãi mang lại giá trị kinh tế cao cho chị em phụ nữ cả nước (Ảnh: PV) |
Phóng viên (PV): Xin PCT cho biết những kết quả chính Hội LHPN nhận ủy thác vốn vay ưu đãi của NHCSXH?
PCT Nguyễn Thị Tuyết: Là thành viên của UBMTTQ Việt Nam, Hội LHPN chúng tôi luôn nỗ lực, sáng tạo, góp phần phát huy hiệu quả kênh dẫn vốn tín dụng ưu đãi tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Theo đó, hoạt động ủy thác của hội đã có những kết quả đáng ghi nhận, với tổng dư nợ cao nhất trong các tổ chức chính trị - xã hội khác, đạt trên 52 nghìn tỷ đồng, cho hơn 2,8 triệu hộ vay vốn; tỷ trọng dư nợ luôn ở mức trên 40% tổng dư nợ của NHCSXH. Nợ quá hạn luôn ở mức thấp nhất (0,33% vào cuối năm 2014). Ngoài ra, huy động được 1,3 nghìn tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn do hội quản lý. Về chất lượng Tổ tiết kiệm và vay vốn có 70% tổ tốt; 23% tổ khá, tổ yếu kém và trung bình chỉ còn 7%.
Đặc biệt, nhiều địa phương, Hội LHPN đã duy trì chất lượng tín dụng rất tốt trong nhiều năm liên tục, điển hình như Hội LHPN tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, TP. Hà Nội... Tỷ lệ nợ quá hạn tại một số tỉnh, thành do hội quản lý ở mức rất thấp như Hải Dương, Hưng Yên và Hà Tĩnh...
Nhiệm vụ ủy thác nguồn tín dụng chính sách luôn được Hội LHPN xem là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm nhằm thực hiện chính sách giảm nghèo của Chính phủ; đồng thời là nguồn lực thu hút, tập hợp hội viên phụ nữ tham gia vào tổ chức hội. Vì vậy, trong quan điểm chỉ đạo cũng như tổ chức thực hiện, các cấp hội đã chú trọng lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ người vay vốn nâng cao hiệu quả sử dụng vốn như chuyển giao khoa học công nghệ, dạy nghề gắn với hướng dẫn tạo việc làm tại chỗ, kết nối doanh nghiệp cung cấp dịch vụ để giảm chi phí đầu vào, tiêu thụ sản phẩm đầu ra.
Bên cạnh đó, các hoạt động nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác của hội cũng được chỉ đạo đẩy mạnh, trong đó chú trọng các vấn đề về đào tạo, hội thảo, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nâng cao ý thức trách nhiệm. Nhờ đó, các cấp hội đã vào cuộc mạnh mẽ hơn và đã chủ động, sáng tạo, đổi mới trong cách làm; chú trọng hơn công tác tuyên truyền vận động nâng cao ý thức trách nhiệm của người vay vốn. Các địa phương đã gắn kết vai trò, trách nhiệm của cán bộ phụ nữ ở cơ sở trong công tác vận động, hỗ trợ thay đổi nhận thức và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay của hội viên phụ nữ.
Đáng chú ý, để giúp cán bộ hội và Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn hiểu rõ hơn về các nghiệp vụ, kỹ năng trong hoạt động ủy thác, hàng năm, Hội đã tổ chức tập huấn nghiệp vụ, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và bàn giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách. Ngoài ra, Hội LHPN các tỉnh, thành phố đã tổ chức kiểm tra, giám sát chuyên sâu 100% huyện, số lượng xã. Tổ tiết kiệm và vay vốn được kiểm tra đều đạt và vượt quy định. Hội còn đưa tiêu chí hoạt động ủy thác là một trong những tiêu chí thi đua, trong đó quy định cụ thể tiêu chí đối với đơn vị xuất sắc được TW Hội LHPN tặng Cờ thi đua phải là tỉnh, thành phố có tỷ lệ nợ quá hạn thấp hơn tỷ lệ trung bình của cụm, không có cán bộ chiếm dụng vốn.
Các cấp hội, cơ sở dạy nghề của Hội LHPN đã gắn kết hộ vay vốn với các hoạt động tư vấn học nghề, tư vấn việc làm. Chỉ tính riêng trong năm 2014 đã tư vấn học nghề, tư vấn việc làm cho trên 280 nghìn lao động nữ; giới thiệu việc làm cho trên 189 nghìn lao động nữ đi làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài địa phương; các cơ sở dạy nghề thuộc hội đã tổ chức dạy nghề cho hơn 42 nghìn người, lao động nữ chiếm 98%, trong đó lao động nữ tham gia học nghề thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người được vay vốn đạt tỷ lệ trên 20%.
Có thể thấy, thành tựu đạt được từ nguồn vốn tín dụng chính sách đã có tác động tích cực, mang lại nhiều ý nghĩa góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác vượt qua những khó khăn về kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.
PV: Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững ra sao, thưa PCT?
PCT Nguyễn Thị Tuyết: Các chương trình tín dụng ưu đãi của NHCSXH là nhóm các chương trình tín dụng mang tính tổng thể, trên các mặt sản xuất - việc làm - môi trường - điều kiện sống... Đây cũng chính là một trong những công cụ để Chính phủ thực hiện chương trình an sinh xã hội. Mỗi chương trình với đối tượng thụ hưởng đặc thù đã mang lại không chỉ lợi ích kinh tế mà còn góp phần giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong đó có hội viên phụ nữ cải thiện điều kiện sống.
Mặt khác, hiệu quả từ sử dụng vốn ưu đãi của các hộ gia đình cũng đã góp phần quan trọng vào việc đổi mới bộ mặt nông thôn, xây dựng đời sống mới của người dân; góp phần thực hiện thắng lợi chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững.
Tôi có thể ví dụ như chương trình cho vay hộ nghèo đã giúp cho hàng triệu lượt hộ hội viên phụ nữ vay vốn ủy thác. Từ nguồn vốn này, cộng với nỗ lực của hộ gia đình và sự hỗ trợ của địa phương. Nhất là, trong 3 năm trở lại đây, hơn 200 nghìn hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ đã thoát nghèo, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn xây dựng thành công mô hình chăn nuôi quy mô lớn, theo hướng hàng hóa.
PV: Thưa Phó Chủ tịch, tới đây, Hội LHPN sẽ triển khai kế hoạch nào để nâng cao hơn nữa hiệu quả của hoạt động ủy thác vốn vay tín dụng chính sách này?
PCT Nguyễn Thị Tuyết: Trong thời gian tới, Hội LHPN các cấp tiếp tục quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 40 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đến toàn thể cán bộ hội các cấp. Phát huy kết quả, kinh nghiệm, cách làm hay trong việc củng cố nâng cao chất lượng tín dụng chính sách; không ngừng sáng tạo, đổi mới trong cách làm, lồng ghép đồng bộ nhiều giải pháp vận động, hỗ trợ phát triển kinh tế, thoát nghèo.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường bồi dưỡng, nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ ủy thác cho cán bộ hội các cấp, nhất là đối với Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đẩy mạnh công tác phối kết hợp với Đảng ủy, UBND và các ngành chức năng. Duy trì hiệu quả công tác kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn trực tiếp tại cơ sở để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tín dụng chính sách.
PV: Xin cảm ơn PCT!