Có thể nói, việc giảm nghèo ở Vị Xuyên những năm qua đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Đóng góp không nhỏ vào thành quả đó, phải kể đến nguồn vốn ưu đãi do Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) thực hiện. Tính đến nay, dư nợ cho vay các chương trình tín dụng đạt trên 220 tỷ đồng, giúp hơn 5.000 hộ thoát nghèo; thu hút và tạo việc làm cho 8,7 nghìn lao động... Tỷ lệ hộ nghèo từ 34,56% năm 2010, nay giảm xuống còn khoảng 15%.
Đàn trâu của gia đình anh Phạm Văn Pèng có được hôm nay là từ nguồn vốn vay (Ảnh: PV)
Để đạt được những kết quả tích cực trên, theo ông Nguyễn Khánh Nghị - Giám đốc NHCSXH huyện Vị Xuyên, trong quá trình triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi, đơn vị đã phối hợp tốt với hội, đoàn thể và Ban giảm nghèo xã nắm bắt tâm tư nguyện vọng của đồng bào, xét duyệt đúng đối tượng, danh sách người có nhu cầu vay vốn, bảo đảm thủ tục hồ sơ hợp pháp, hợp lệ. Tổ tiết kiệm và vay vốn tại thôn, bản đã tổ chức bình xét công khai dân chủ các hộ có nhu cầu vay vốn, quá trình triển khai cho vay thực hiện theo đúng trình tự, tạo điều kiện người khó khăn hơn được ưu tiên vay trước.
Bên cạnh đó, NHCSXH huyện cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện tổ chức các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật (KHKT), định hướng cho bà con lựa chọn mô hình phát triển kinh tế phù hợp để phát huy hiệu quả của nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều cách làm hay, nhiều mô hình kinh tế hiệu quả từ nguồn vốn ưu đãi. Gia đình ông Nguyễn Xuân Chư ở thôn Minh Thành, xã Trung Thành là một ví dụ. Ông cho biết: “Trước đây, khó khăn là do không có vốn đầu tư mở rộng phát triển kinh tế, cây ăn quả trồng với quy mô nhỏ lẻ nên thu nhập cũng không khá lên được. Năm 2011, gia đình vay 30 triệu đồng mở rộng diện tích cây ăn quả và nuôi ong lấy mật. Hiện tại, gia đình có khoảng 2ha cây ăn quả nhãn, cam, quýt..., mỗi năm cho thu nhập gần 200 triệu đồng”.
Gia đình ông Chư nhiều năm liền được công nhận là hộ nông dân SXKD giỏi của địa phương. Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Minh Thành, Nguyễn Mạnh Huỳnh cho biết: “Thôn có 2 Tổ tiết kiệm và vay vốn với 70 hộ vay, dư nợ là 1,4 tỷ đồng. Nhìn chung các hộ đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả. NHCSXH đã trao cho các hộ nghèo chiếc “cần câu cơm” hữu ích, giúp họ có động lực để phát triển kinh tế gia đình, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Còn ở thôn Nặm Quăng, xã Quảng Ngần, hộ anh Phan Văn Pèng là gương điển hình trong phong trào phát triển kinh tế tại địa phương. Anh cho biết, gia đình quá khó khăn, ngay cả khi vợ chồng cưới nhau cũng không có tiền tổ chức lễ cưới đàng hoàng cho bằng bạn bè. Thế nhưng gia đình anh cũng vượt qua mọi khó khăn, các cháu lần lượt ra đời, gia đình rất vui lại khiến cuộc sống thêm khó khăn. Anh Pèng loay hoay, trăn trở tìm hướng đi để phát triển kinh tế gia đình. Rồi cơ hội “đổi đời” cũng đến, năm 2010 anh được vay 20 triệu đồng của NHCSXH. Có vốn trong tay, anh mua 1 con trâu cái về nuôi. Vợ chồng anh chăm chỉ phát rừng, cuốc đất trồng được gần 1ha cỏ voi để làm thức ăn cho trâu, bên cạnh đó, vợ chồng anh còn chủ động chăn nuôi thêm lợn, gà; trồng lúa 2 vụ trên diện tích đất ruộng gần 2.000m2 của gia đình.
Năm 2014, gia đình anh đã trả hết nợ ngân hàng và được xét thoát nghèo. Đến nay, đàn trâu của gia đình đã lên tới 4 con, anh Pèng dự tính, thời gian tới sẽ mua thêm trâu về nuôi theo hướng chăn nuôi trâu nhốt. Anh xúc động chia sẻ: “Nhờ có vốn trong tay mà gia đình có cơ hội để vươn lên thoát nghèo. Gia đình tôi gọi đó là nguồn vốn “an cư lạc nghiệp”.
Có thể thấy, trên chặng đường giảm nghèo bền vững, vai trò của NHCSXH ngày càng được khẳng định. “Thời gian tới, đơn vị tiếp tục thực hiện tốt kế hoạch tăng trưởng tín dụng, đẩy mạnh công tác thu hồi nợ để có nguồn vốn cho vay quay vòng, tạo thuận lợi phục vụ các chương trình kinh tế của địa phương, tiếp tục kiểm tra, giám sát, đôn đốc các hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả...“, Giám đốc Nguyễn Khánh Nghị khẳng định.
Minh Phương