Ngày này năm xưa: 01/4

Thứ hai, 01/04/2024 08:20
(ĐCSVN) - Ngày 01/4/1922, báo Le Paria (Người cùng khổ) ra số đầu tiên. Đây là tờ báo của Hội liên hiệp thuộc địa - một tổ chức đại diện cho những người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa của Pháp do Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng các nước thuộc địa sáng lập tại Pháp ngày 9/10/1921.
Le Paria (Người cùng khổ) - Tờ báo cách mạng đầu tiên do Bác Hồ sáng lập. (Ảnh tư liệu) 

Sự kiện trong nước:

- Ngày 01/4/1945: Đội danh dự Hà Nội được thành lập. Đây là một đội vũ trang đặc biệt của Đảng trước Cách mạng tháng Tám có nhiệm vụ tuyên truyền xung phong và trừ gian diệt ác. Đội đã tổ chức được nhiều cuộc vũ trang tuyên truyền táo bạo ở các trường học, rạp hát, các nhà máy và đã diệt được nhiều tên Việt gian đầu sỏ, gây chấn động dư luận Hà Nội bấy giờ.

- Ngày 01/4/1951: Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 được thành lập. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ đổi mới xây dựng đất nước, Bệnh viện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cứu chữa và chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân, đóng góp xứng đáng cho ngành Quân y, nền y học nước nhà và thắng lợi vĩ đại chung của toàn dân tộc. Ngày nay, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phát triển không ngừng, chính quy, khoa học và hiện đại; là Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa sâu, tuyến cuối toàn quân, Bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, cơ sở bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho các đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, Quân đội ta và nước bạn Lào, Campuchia; Viện nghiên cứu khoa học y dược lâm sàng và đào tạo sau đại học tới bậc học tiến sĩ.

Bộ đội Pháo cao xạ đã không ngừng lớn mạnh. (Ảnh: baoquankhu7.vn)

- Ngày 01/4/1953: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam, đã ký Quyết định số 06/QĐ thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 - Trung đoàn Pháo phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam Việt Nam. Ngày 15/4/1953, tại khu rừng thuộc xã Bộc Nhiêu, Định Hoá, Thái Nguyên, Lễ công bố quyết định thành lập long trọng được tổ chức với sự chứng kiến của 2.700 cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 350 đảng viên. Ngày 1/4 hằng năm trở thành Ngày truyền thống vẻ vang của Bộ đội Pháo cao xạ Việt Nam.

Trải qua hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, bộ đội Pháo cao xạ đã không ngừng lớn mạnh, phát triển từ không đến có, từ nhỏ đến lớn, từ thô sơ đến hiện đại. Vượt qua muôn vàn gian khổ hy sinh, càng đánh càng mạnh, càng đánh càng thắng, càng trưởng thành, góp phần tô thắm truyền thống vẻ vang của Quân chủng Phòng không - Không quân anh hùng. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, bộ đội Pháo Cao xạ Việt Nam đã không ngừng phấn đấu vươn lên làm chủ trang bị, vũ khí, khí tài, phát triển nghệ thuật tác chiến phòng không toàn quân, phòng không nhân dân; cùng với các lực lượng Tên lửa, Ra đa, Không quân thường xuyên tổ chức huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, diễn tập, bắn đạn thật, nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân chủng; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân khu, quân, binh chủng tổ chức diễn tập và bảo vệ an toàn các sự kiện trọng đại của đất nước; giúp dân khắc phục hậu quả thiên tai, xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân “Cách mạng chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”; quản lý và bảo vệ vững chắc bầu trời, biển đảo của Tổ quốc, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó.

Tàu thuyền cập cảng Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận. (Ảnh: TTXVN)

- Vào ngày 01/4/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm các làng cá và bà con ngư dân trên đảo Tuần Châu, Cát Bà, Cát Hải... ở Quảng Ninh và Hải Phòng. Bác đã thăm già, hỏi trẻ, căn dặn cán bộ về tổ chức sản xuất và chăm lo đời sống của nhân dân vùng biển. Bác nói: "Biển bạc của ta, do nhân dân ta làm chủ". Từ năm 1979, nhân dân, cán bộ, công nhân làm nghề cá đã lấy ngày 1/4 là ngày hội ra quân đánh bắt vụ cá nam và sinh sản các giống cá nuôi. Ngày 18/3/1995, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 1/4 là Ngày truyền thống của ngành thủy sản nước ta.

65 năm qua, ngành thủy sản đã có bước phát triển mạnh mẽ. Sản lượng thủy sản năm 2023 đạt hơn 9,3 triệu tấn - gấp 7,1 lần so với năm 1995; nuôi trồng thủy sản đạt 5,5 triệu tấn (gấp hơn 5 lần năm 1995). Cơ cấu sản lượng thủy sản có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng sản lượng nuôi trồng tăng từ 31% năm 1995 lên gần 57% năm 2023. Hiện sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 thị trường, kim ngạch xuất khẩu lần đầu vượt ngưỡng 1 tỷ USD (năm 1999) và gần 11 tỷ USD (năm 2022), đưa Việt Nam vào vị trí số 3 trong các nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới (Trung Quốc, Na Uy, Việt Nam)... Trong quá trình xây dựng và phát triển thủy sản đến nay, rất nhiều phần thưởng cao quý đã được Đảng, Nhà nước trao tặng cho ngành như: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Lao động hạng Nhất (2019), phong tặng và truy tặng cho nhiều tập thể và cá nhân danh hiệu Anh hùng Lao động...

- Ngày 01/4/1967: Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ hy sinh sau loạt bom B52 rải thảm của máy bay Mỹ xuống chiến trường Thừa Thiên - Huế, ngay chính tại quê hương ông. Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ sinh ngày 4/4/1910, là con một nhà nho. Năm 1965, ông cùng một đoàn thầy thuốc vào miền Nam, ông đã chế thành công loại vắcxin mới phục vụ cho việc chữa bệnh. Giáo sư - bác sĩ Đặng Văn Ngữ đã dành cả cuộc đời mình đề nghiên cứu khoa học, phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

- Ngày 01/4/1988: Giáo sư Đào Duy Anh từ trần. Ông sinh năm 1904 ở Thanh Hoá. Là nhà sử học, nhà văn hoá lớn của nước ta, ông có nhiều công trình khoa học như: Hán - Việt từ điển (năm 1932), Pháp - Việt từ điển (năm 1936), Việt Nam văn hoá sử cương (năm 1936), Lịch sử Việt Nam (năm 1955), Từ điển truyện Kiều (năm 1974). Học giả Đào Duy Anh thực sự là một nhà bách khoa thư văn hoá Việt Nam.

- Ngày 01/4/2001: Trịnh Công Sơn, một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng nhất của tân nhạc Việt Nam, qua đời tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ông sinh năm 1939 tại Thừa Thiên Huế và sáng tác khoảng trên dưới 600 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc ăn sâu vào các thế hệ người nghe. Ngoài ra, ông còn được xem là một nhà thơ, một họa sĩ, một diễn viên và một ca sĩ (ông từng biểu diễn một số bài hát do chính mình sáng tác).

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 01/4/1922, báo Le Paria (Người cùng khổ) ra số đầu tiên. Đây là tờ báo của Hội liên hiệp thuộc địa - một tổ chức đại diện cho những người dân bản xứ ở tất cả các thuộc địa của Pháp do Nguyễn Ái Quốc cùng một số nhà hoạt động cách mạng các nước thuộc địa sáng lập tại Pháp ngày 9/10/1921. Sáng lập và làm báo “Người cùng khổ”, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã cùng các đồng chí của mình tạo ra “một luồng gió mới thổi đến nhân dân các nước bị áp bức”. Hiện nay, những tư liệu lịch sử về tờ báo Le Paria và quá trình hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong thời gian phát hành tờ báo này vẫn được lưu trữ tại các viện lưu trữ, các thư viện tại Pháp.

- Ngày 01/4/1946: Singapore trở thành thuộc địa của Anh.

- Ngày 01/4/1979: Giáo chủ Ayatollah Khomeini tuyên bố Iran là một nước Cộng hoà Hồi giáo./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực