Ngày này năm xưa: 01/6

Thứ bảy, 01/06/2024 08:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Ngày 01/6/1949, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 01/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 01/6/1947: Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh số 51-SL, tạm thời định giá tiền đồng bạc Việt Nam so với đồng tiền mang niên hiệu Minh Mệnh, Thiệu Trị đang lưu hành. Cũng trong ngày này, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký Sắc lệnh số 52-SL ấn định lại mức thuế nhập khẩu, xuất khẩu hàng hóa.

Chủ tịch Hồ Chí Minh vui cùng các cháu thiếu nhi. (Ảnh tư liệu) 

- Ngày 01/6/1950: Báo Sự Thật, số 134, đăng bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi. Trong thư Bác Hồ viết: "Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô. Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ. Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến". Bác Hồ viết tiếp: "Bác thương các cháu lắm. Bác hứa với các cháu rằng: đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, thì Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể cùng cố gắng làm cho các cháu cùng được no ấm, đều được vui chơi, đều được học hành, đều được sung sướng...".

Và cứ đến Ngày Quốc tế Thiếu nhi 01/6 hàng năm, Bác Hồ đều có thư gửi các cháu thiếu nhi Việt Nam và thế giới. Ngày 01/6 cuối cùng trong cuộc đời (1969), Bác đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần "Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng" (báo Nhân Dân, số 5526, ngày 01/6/1969). Bác khẳng định: "Nói chung trẻ con ta rất tốt". Bác nhắc đến các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam, Bắc thi đua làm nghìn việc tốt như thế nào, thành tích ra sao. Tuy nhiên, "vẫn còn một số ít cháu chậm tiến vì chưa được chăm sóc dạy dỗ đến nơi đến chốn". Bác nhấn mạnh: "Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...". Bác kêu gọi mọi người: "Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt".

Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel. (Ảnh: Viettel)

- Ngày 01/6/1989, Công ty Điện tử thiết bị thông tin Sigelco với 9 nhân viên và số vốn ít ỏi do Quân đội cấp được thành lập. Đó cũng là tiền thân của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội Viettel ngày nay. Những nhân viên đầu tiên của Viettel xuất thân là kỹ sư, trí thức từ quân đội chuyển sang làm kinh tế. "Vũ khí" của họ là tinh thần quân nhân để vượt qua mọi khó khăn, chinh phục những thử thách.

Sau 35 năm phát triển, Viettel hôm nay đã thực sự lớn mạnh, trở thành doanh nghiệp Việt Nam duy nhất lọt top 250 thương hiệu giá trị nhất thế giới và được Brand Finance (tổ chức hàng đầu thế giới của Anh) xếp hạng thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới. Đây là yếu tố quan trọng nhất tạo nên giá trị thương hiệu xấp xỉ 9 tỷ USD của Viettel, giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp thứ 9 tại châu Á và thăng hạng trên thế giới lên bậc 16. Từ ngành nghề chính ban đầu là xây lắp công trình viễn thông, đến nay Viettel đã phát triển thêm 5 ngành nghề mới gồm ngành dịch vụ viễn thông & công nghệ thông tin, ngành nghiên cứu sản xuất thiết bị điện tử viễn thông, ngành công nghiệp quốc phòng, ngành công nghiệp an ninh mạng và ngành cung cấp dịch vụ số. Sản xuất thành công mạng 5G, Viettel đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có năng lực sản xuất mạng 5G trên toàn thế giới.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 01/6/1848: Tờ báo cách mạng Neue Rheinische Zeitung (Báo Rhein Mới) được Karl Marx và Friedrich Engels cùng Liên đoàn Cộng sản sáng lập tại Cologne (Đức).

Ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi ở nhiều nước trên thế giới. (Ảnh minh họa: iStock Images) 

- Ngày 01/6/1949: Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc xã sát hại nhẫn tâm, Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 01/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi ở nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, sau khi đất nước giành được độc lập, ngày Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Trong ngày này, các em không chỉ được nhận những lời chúc mừng, những món quà đầy yêu thương của ông bà, cha mẹ, người thân mà còn được nhận sự quan tâm đặc biệt của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức trên khắp cả nước. Rất nhiều hoạt động ý nghĩa vào dịp Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6 đã được tổ chức với mong muốn mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tất cả trẻ em.

- Ngày 01/6/1964: Jomo Kenyatta trở thành Tổng thống đầu tiên của nước Cộng hòa Kenya sau khi quốc gia này giành độc lập từ Anh vào cuối năm 1963./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực