Sự kiện trong nước:
- Ngày 01/7/1822: Nguyễn Đình Chiểu sinh ra tại làng Tân Thới, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Thời thơ ấu, được sống trong sự nuôi dạy chu đáo nhưng đường đời của ông cũng sớm gặp gian truân. Năm 25 tuổi, sau một thời gian nỗ lực, ra công đèn sách, Nguyễn Đình Chiểu trở ra kinh đô Huế ứng thí, nhưng chưa đến khoa thi thì hay tin mẹ lâm bệnh nặng đã mất tại Gia Định. Vì quá đau buồn, thương khóc mẹ, trên đường về chịu tang mẹ lại nhiễm phong sương và bị chứng đau mắt, dù được chữa trị, nhưng đôi mắt ông mãi mãi không nhìn thấy nữa. Không còn nhìn thấy ánh sáng, nhưng tâm hồn luôn tỏa sáng, giữ tròn chữ trung, chữ hiếu, mà hai câu thơ: “Thà đui mà giữ đạo nhà/Còn hơn có mắt ông cha không thờ” đã nói lên tất cả. Ông mất vào ngày 3/7/1888, được an táng tại xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre.
Cả cuộc đời 66 năm, Nguyễn Đình Chiểu sống bằng nghề dạy học, nghề thầy thuốc và sáng tác văn chương. Là một trong những người khai sáng và là tác giả tiêu biểu nhất của dòng văn chương yêu nước chống ngoại xâm nửa sau thế kỷ XIX, ông đã góp phần nâng cao tầm vóc và ảnh hưởng của văn học nước nhà. Ông còn là tấm gương sáng về tinh thần yêu nước, thương dân, ý chí kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, chống lại mọi cám dỗ về vật chất, đe dọa về tinh thần, thể hiện rõ khí phách hiên ngang của người chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng và văn hóa.
Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 09 - 24/11/2021 tại Paris, Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.
|
Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (Hoạ sỹ Hoàng Hiệp - bút danh Thanh Xuân vẽ năm 1982) |
- Ngày 01/7/1954: Thành phố Nam Định được giải phóng. Thành phố Nam Định có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Đảng bộ, nhân dân thành phố Nam Định đã viết tiếp những trang sử vẻ vang về truyền thống chống ngoại xâm và lao động cần cù, sáng tạo.
Mặc dù bị tàn phá trong các cuộc chiến tranh nhưng Đảng bộ thành phố Nam Định luôn đoàn kết nỗ lực phấn đấu vươn lên tiến hành công cuộc đổi mới, kiến thiết xây dựng quê hương. Thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Nam Định đã tập trung mọi nguồn lực, đoàn kết, quyết tâm xây dựng, phát triển thành phố và đạt được những thành tựu đáng tự hào. Mục tiêu đề ra đến năm 2025 là: Phát huy tiềm năng, lợi thế; xây dựng, phát triển thành phố Nam Định theo hướng hiện đại, đồng bộ, có bản sắc riêng, có tính bền vững, có không gian đô thị mở rộng theo quy hoạch, xây dựng Chính phủ điện tử, đô thị thông minh. Mở rộng địa giới hành chính thành phố. Đưa nền kinh tế thành phố tăng trưởng vượt bậc cả về quy mô cũng như giá trị; môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, có năng lực cạnh tranh cao.
|
Một góc thành phố Nam Định. (Ảnh Hoàng Tuấn) |
- Ngày 01/7/1973: Đại hội Đoàn thanh niên Nhân dân Cách mạng miền Nam Việt Nam lần thứ hai được tổ chức trong vùng giải phóng miền Nam. Có 200 đại biểu về dự, đại hội đã nêu bật sự đóng góp to lớn của hàng triệu bạn trẻ trên tiền tuyến lớn anh hùng và nêu lên nhiệm vụ của Đoàn và phong trào thanh niên miền Nam trong giai đoạn mới. Đại hội quyết định từ ngày 01/7/1973, Đoàn mang tên Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Hồ Chí Minh và Đội mang tên Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
- Ngày 01/7/1989: Tỉnh Quảng Ngãi được tái lập trên cơ sở tách tỉnh Nghĩa Bình thành 2 tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Sự kiện này trở thành một dấu mốc quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển của tỉnh. Sau 35 năm phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, phấn đấu vượt qua những khó khăn, thách thức, Quảng Ngãi đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực; đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt và không ngừng nâng cao; tiềm lực kinh tế - xã hội ngày một phát triển, quốc phòng - an ninh được đảm bảo; công tác quản lý điều hành ngày một hiệu quả hơn.
- Ngày 01/7/2008: Việt Nam lần đầu tiên đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Đây là chức Chủ tịch luân phiên hàng tháng giữa 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Những dấu ấn của Việt Nam tại Liên hợp quốc với vị thế là chủ tịch luân phiên đã chứng tỏ bản lĩnh và trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Trong 1 tháng đảm nhiệm cương vị này, dư luận thế giới đánh giá: “Việt Nam đã thành công trong việc khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán; đồng thời đã có những đóng góp tích cực trong nỗ lực giải quyết các vấn đề quốc tế quan trọng được đưa ra thảo luận và bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an”. Đây là sự kiện đối ngoại quan trọng cho thấy vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 01/7/1646: Gottfried Wilhelm Leibniz sinh ra tại Lepzich (Đức). Ông là một thiên tài trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả pháp luật, tôn giáo, lịch sử, văn học, logic, siêu hình học, và triết lý đầu cơ. Ông áp dụng lý luận toán học để các hiện tượng của vũ trụ vật lý. Ông khám phá ra vi tích phân độc lập với Isaac Newton, và ký hiệu của ông được sử dụng rộng rãi từ đó. Ông cũng khám phá ra hệ thống số nhị phân, nền tảng của hầu hết các cấu trúc máy tính hiện đại. Sự nghiệp của Gottfried Wilhelm Leibniz thể hiện sự mong muốn kết hợp triết học kinh viện và phương pháp khoa học hiện đại.
|
Đảng Cộng sản Trung Quốc được thành lập ngày 01/7/1921. (Ảnh: SCMP) |
- Ngày 01/7/1921: Đảng Cộng sản Trung Quốc thành lập. Đảng Cộng sản Trung Quốc là đội tiền phong của gia cấp công nhân Trung Quốc, đồng thời là đội tiền phong của nhân dân Trung Quốc và dân tộc Trung Hoa, là nòng cốt lãnh đạo sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, đại diện yêu cầu phát triển sức sản xuất tiên tiến của Trung Quốc, đại diện phương hướng phát triển văn hóa tiên tiến của Trung Quốc, đại diện lợi ích căn bản của đông đảo nhân dân ở Trung Quốc.
Lý tưởng tối cao và mục tiêu cuối cùng của Đảng Cộng sản Trung Quốc là thực hiện chủ nghĩa cộng sản. Điều lệ Đảng quy định: Đảng Cộng sản Trung Quốc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Mao Trạch Đông, lý luận Đặng Tiểu Bình và tư trưởng Ba đại diện quan trọng làm kim chỉ nam hành động của mình.
- Ngày 1/7/1968: Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) được Đại Hội đồng Liên hợp quốc thông qua. Hiệp ước đã xác định rõ “các quốc gia có vũ khí hạt nhân” là những quốc gia sản xuất và gây nổ một vũ khí hạt nhân hoặc thiết bị gây nổ hạt nhân khác trước ngày 01/01/1967, bao gồm: Mỹ, Nga, Anh, Pháp và Trung Quốc. 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã cam kết không chuyển giao kỹ thuật hạt nhân cho các nước khác. Tất cả các nước còn lại được xem là “các quốc gia không có vũ khí hạt nhân”; và theo NPT, các nước này không được sản xuất cũng như thực hiện các vụ nổ hạt nhân. Đây là văn bản pháp lý có tính chất nền tảng, góp phần tạo dựng nên hệ thống không phổ biến vũ khí hạt nhân trên phạm vi toàn cầu./.