Ngày này năm xưa: 02/9

Thứ hai, 02/09/2024 08:15
(ĐCSVN) - Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. (Ảnh tư liệu) 

Sự kiện trong nước:

- Ngày 02/9/1945: Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!... Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

- Ngày 02/9/1946: Tại Paris (Pháp), Chủ tịch Hồ Chí Minh tham dự lễ kỷ niệm Quốc khánh đầu tiên cùng đông đảo kiều bào Việt Nam, một số bạn Pháp và Đoàn Việt Nam dự Hội nghị Phôngtennơblô. Trong bài diễn văn đọc bằng tiếng Pháp, Bác nói: “Chính là sự đoàn kết, đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra nước Cộng hòa của mình. Lòng dũng cảm và tinh thần hy sinh đã gắn bó ý chí của mọi người Việt Nam từ Bắc chí Nam thành một khối sức mạnh, bất kỳ nguồn gốc họ ở đâu, theo tôn giáo hay thuộc giai tầng xã hội nào. Trong buổi tối hôm nay, làm sao chúng ta lại không nghĩ tới đồng bào Nam Bộ với một tình cảm trìu mến đặc biệt. Nguyện vọng tha thiết nhất của toàn thể nhân dân Việt Nam là Tổ quốc đang hồi sinh của chúng ta không bao giờ bị chia cắt và không gì chia cắt được. Mong sao tình hữu nghị giữa nước Pháp và nước Việt Nam độc lập và thống nhất trở thành sự thực!... Một tình hữu nghị như vậy giữa hai nước chỉ có lợi cho sự phồn vinh của Liên hiệp Pháp và sự bừng nở lý tưởng dân chủ trên thế giới”.

 Bộ tem chính thức đầu tiên mang quốc hiệu "Việt Nam" do Bưu điện Việt Nam phát hành. (Ảnh: https://vietnamstamp.com.vn)

- Ngày 02/9/1946: Bộ tem chính thức đầu tiên mang quốc hiệu "Việt Nam" do Bưu điện Việt Nam phát hành, nhân kỷ niệm lần thứ nhất Cách mạng tháng Tám (19/8/1945) và ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (02/9/1945), theo sắc lệnh số 172/SL ngày 27/8/1946 của Chủ tịch Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ tem do hoạ sĩ Nguyễn Sáng (1923 - 1988) thiết kế, gồm 05 mẫu có cùng mẫu vẽ, thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp hồi đầu Cách mạng tháng Tám, với tiêu đề "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", thay mầu (xanh lá mạ, đỏ, vàng, lam và tím) đổi giá thành 05 tem, trong đó có 02 tem có phụ thu cứu quốc. Việc phát hành bộ tem này đánh dấu một mốc quan trọng trên con đường phát triển độc lập của tem Bưu chính Việt Nam.

- Ngày 02/9/1965: Ngày thành lập Sư đoàn 9 (Quân đoàn 4). Đây là sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên trên chiến trường miền Đông Nam bộ, ra đời trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Là Sư đoàn chủ lực cơ động đầu tiên trên chiến trường Miền Đông Nam Bộ, được thành lập trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn đã làm nên những chiến thắng vang dội như: Bầu Bàng, Dầu Tiếng, đánh bại Lữ đoàn 173 thuộc sư đoàn bộ binh số 1 Anh Cả Đỏ của Mỹ, mở ra thời kỳ “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh và quân quản Sài Gòn – Gia Định sau ngày độc lập. Tham gia làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot và bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên hòa bình, hòa hợp dân tộc và phát triển, được Nhà nước Campuchia tặng Huân chương Ăng co. Hiện nay, Sư đoàn thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”, nhiều năm liền được Bộ Quốc phòng, Quân đoàn tặng cờ thi đua.

- Ngày 02/9/1969: Sau một thời gian lâm bệnh nặng, vào lúc 9 giờ 47 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng. Chủ tịch Hồ Chí Minh ra đi nhưng tên tuổi, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức của Người vẫn còn sống mãi trong muôn triệu trái tim, khối óc của nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè khắp năm châu trên thế giới. Nhớ về Bác, mỗi người dân Việt Nam nguyện sẽ tiếp tục đi theo con đường mà Đảng và Bác đã lựa chọn, nỗ lực từng ngày để học tập theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác, phấn đấu xây dựng đất nước Việt Nam như Bác hằng mong ước.

 Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 - Đá Chông. (Ảnh: https://www.bqllang.gov.vn)

- Ngày 02/9/2015: Khánh thành Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích K9 - Đá Chông (Ba Vì, Hà Nội). Cùng với Công trình Lăng, Nhà tưởng niệm là sự tiếp nối các công trình trong Khu Di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đá Chông, là nơi để đồng bào, chiến sĩ cả nước và khách quốc tế đến dâng hương tưởng niệm.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 02/9/1945: Kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Sáng ngày 02/9/1945, tại vịnh Tokyo, nghi lễ đầu hàng của phát xít Nhật trước quân Đồng minh diễn ra trên chiến hạm USS Missouri của Hải quân Mỹ, chính thức kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ hai - cuộc chiến quy mô nhất, tàn khốc và đẫm máu nhất trong lịch sử nhân loại, cướp đi sinh mạng của 60 - 80 triệu người, tương đương khoảng 3% dân số thế giới. Phần lớn những người thiệt mạng trong cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử là dân thường, trong đó có 6 triệu người Do Thái bị sát hại ở các trại tập trung phát xít trong cuộc thảm sát Holocaust.

 Ngoại trưởng Nhật Bản Mamoru Shigemitsu ký văn kiện Nhật Bản đầu hàng trên tàu USS Missouri với sự giám sát của tướng Richard K. Sutherland, ngoài khơi vịnh Tokyo, ngày 02/9/1945. (Ảnh: IT)

- Ngày 02/9/1960: Đại hội toàn quốc nhân dân Cuba khai mạc. Đại hội thông qua những quyền cơ bản của công dân, xác định đường lối chống đế quốc và đoàn kết với các dân tộc đấu tranh cho tự do và hoà bình./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực