Ngày này năm xưa: 03/6

Thứ hai, 03/06/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 03 - 06/6/1975: Quốc hội khóa V nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa họp kỳ họp thứ nhất, thông qua bản Tuyên bố nhân giải phóng hoàn toàn miền Nam, biểu dương thành tích vĩ đại của quân và dân cả nước, kêu gọi đồng bào ta nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 03/6/1911: Nguyễn Tất Thành chính thức được nhận việc tại tàu Admiral Latouche Tréville (Đô đốc Latouche Trêville) của Hãng Vận tải Hợp nhất với cái tên mới là Văn Ba. Admiral Latouche Tréville là một trong 6 chiếc tàu cỡ lớn chuyên chạy tuyến Pháp - Đông Dương, vừa chở hàng vừa chở khách, thuộc quyền sở hữu của hãng Năm Sao. Vào thời điểm đó, tàu Admiral Latouche Tréville đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Marseille (Pháp).

- Ngày 03/6/1926: Từ Quảng Châu (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc gửi báo cáo cho Quốc tế Cộng sản về những công việc đã làm kể từ khi tới đây như: Tổ chức một tổ bí mật, một Hội Liên hiệp Nông dân của những đồng bào Việt Nam sống tại Xiêm (Thái Lan), một tổ thiếu nhi, một tổ phụ nữ cách mạng, một trường huấn luyện chính trị và xuất bản tờ báo Thanh Niên. Báo cáo cũng nhắc đến Hội Liên hiệp các Thuộc địa ở Pari, về hai tờ báo Le Paria (Người Cùng Khổ) và “Việt Nam Hồn” và yêu cầu được cung cấp báo chí và tài liệu tuyên truyền.

- Ngày 03/6/1946: Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm “Chandernagore”, một thuộc địa của Pháp trên đất Ấn Độ, chiêu đại tiệc lãnh sự Pháp và gặp gỡ kiều bào. Trả lời một tờ báo lớn ở Cancútta về vấn đề “Liên bang Đông Dương” và “Liên hiệp Pháp”, Chủ tịch nước Việt Nam nói rõ quan điểm: “Thực là một sự mỉa mai nếu lại đặt cho Đông Dương một viên toàn quyền, song tôi hy vọng rằng cuộc đàm phán chính thức ở Pari sẽ có kết quả tốt... Việt Nam không có tham vọng gì về đất đai của hai nước láng giềng. Hiện giờ, quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và hai nước đó chưa có”. Về cuộc xung đột Pháp - Xiêm, Nhà lãnh đạo Việt Nam cho rằng: “Việc đó thuộc thẩm quyền của Pháp” và bày tỏ cảm tình đối với đất nước Ấn Độ.

Cùng ngày, ở trong nước, Báo Quyết Thắng của Việt Minh Trung bộ in tại Thuận Hóa (Huế) đăng bức thư của Bác “Gửi Trại nhà nghèo tỉnh Quảng Ngãi” để cảm ơn những bức tranh thêu và thư của các trại viên tặng. Thư viết: “Trước hết, tôi cám ơn tấm lòng thân ái của anh em đối với tôi. Hai là tôi phải khen rằng anh em thêu rất khéo. Bức thêu đó đã chứng tỏ rằng: Thủ công mỹ nghệ của nước ta mai sau chẳng những có thể tranh đua mà lại có thể tranh giải nhất của thủ công mỹ nghệ trong thế giới... Tôi ao ước rằng: Nhờ sự cần kiệm của anh em, “Trại nhà nghèo” sẽ mau tiến bộ thành “Trại nhà khó “, rồi dần dần thành “Trại nhà giàu” làm kiểu mẫu cho anh em khác”.

- Ngày 03/6/1957: Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ký Sắc lệnh 017-SL thành lập các quân khu: Quân khu Đông Bắc trên cơ sở khu Đông Bắc thuộc Liên khu Việt Bắc, gồm các tỉnh Lạng Sơn, Hải Ninh; Quân khu Hữu Ngạn ở hữu ngạn Sông Hồng, gồm các tỉnh thuộc Liên khu 3 là Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Hà Tây, Hòa Bình và Thanh Hóa (thuộc Liên khu 4 trước 1957); Quân khu Tả Ngạn ở tả ngạn Sông Hồng, gồm các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Quảng Yên và Hà Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang); Quân khu Tây Bắc gồm 2 tỉnh Lai Châu và Sơn La.

 Các đại biểu Quốc hội bầu cơ quan lãnh đạo Nhà nước tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa V. (Ảnh: https://media.quochoi.vn)

- Ngày 03 - 06/6/1975: Quốc hội khóa V (1975 - 1976) nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa họp kỳ họp thứ nhất. Tại kỳ họp, Quốc hội đã thông qua bản Tuyên bố nhân giải phóng hoàn toàn miền Nam, biểu dương thành tích vĩ đại của quân và dân cả nước, kêu gọi đồng bào ta nhanh chóng hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Quốc hội đã bầu đồng chí Tôn Đức Thắng làm Chủ tịch nước, đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đồng chí Phạm Vǎn Đồng làm Thủ tướng Chính phủ.

- Ngày 03/6/2005: Để phát huy vai trò và truyền thống của ngành Công nghiệp, động viên cán bộ, công nhân trong Ngành xây dựng ngành Công nghiệp Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước; đồng thời theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, ngày 03/6/2005, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 459/QĐ-TTg về ngày truyền thống ngành Công nghiệp Việt Nam. Quyết định nêu rõ: Hàng năm, lấy ngày 28 tháng 8 là “Ngày truyền thống của ngành Công nghiệp Việt Nam”. Việc tổ chức ngày truyền thống ngành Công nghiệp Việt Nam hàng năm phải bảo đảm yêu cầu thiết thực, có hiệu quả, tiết kiệm, tránh hình thức phô trương... Thủ tướng yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành nghiêm túc Quyết định này.

- Ngày 03/6/2008: Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 3, thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật thuế giá trị gia tăng.

- Ngày 03/6/2009: Công ty cổ phần Tân Cảng - Cái Mép đón chuyến tàu đầu tiên. Đó là tàu MOL Premium thuộc Hãng tàu Mitsui O.S.K Lines với chiều dài tàu 293m và sức chở 6,350 Teus, trọng tải toàn phần 73.000 DWT. Đây cũng là con tàu lớn nhất từ trước tới nay cập Cảng tại Việt Nam. Tân Cảng - Cái Mép là cảng nước sâu đầu tiên của Việt Nam đón tàu mẹ và có tuyến dịch vụ vận tải trực tiếp sang bờ Tây nước Mỹ. Sự kiện Cảng Tân Cảng - Cái Mép đón chuyến tàu đầu tiên ghé Cảng và khai trương tuyến hàng hải chạy thẳng tới các các cảng khu vực châu Mỹ và châu Âu, không phải qua trung chuyển, có một ý nghĩa quan trọng không chỉ với Công ty Tân Cảng Sài Gòn, hãng tàu MOL, mà còn là tin vui với các Hãng tàu và các doanh nghiệp khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, giảm chi phí vận chuyển cho các doanh nghiệp, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 03/6/1940: Với quyết tâm phá hoại nền kinh tế và quân sự Pháp, đồng thời làm suy giảm dân số và trong ngắn hạn là làm tê liệt tinh thần của người dân Paris cũng như khả năng Pháp ủng hộ các quốc gia khác đang bị Đức chiếm đóng, người Đức đã tổ chức ném bom thủ đô của nước Pháp mà không để tâm đến thực tế là hầu hết các nạn nhân đều là thường dân, trong đó có cả học sinh. Vụ ném bom thành công đã kích động sự sợ hãi trong người dân. Bộ trưởng nội vụ của Pháp khi đó chỉ có thể ngăn cản các quan chức chính phủ chạy khỏi Paris bằng cách đe dọa những hình phạt nặng nề. Vụ ném bom đã giết chết 254 người, hầu hết trong số đó là thường dân.

- Ngày 03/6/1970: Gene nhân tạo đầu tiên được tái tổ hợp trong phòng thí nghiệm. Tác giả của công trình này là Tiến sĩ H. Gobind Kharana thuộc Trường Đại học Wisconsin. Thành công này đánh dấu một bước tiến mới trên con đường tổng hợp vật chất di truyền trong thực vật, động vật và con người.

 Cảnh sát Anh cho biết vụ tấn công tại Cầu London liên quan đến khủng bố. (Ảnh: Reuters)

-  Đêm 03/6/2017: Những kẻ khủng bố lái xe tải đâm vào người đi bộ trên Cầu London (Anh), sau đó chúng xuống xe đi vào khu Chợ Borough gần đó và dùng dao tấn công nhiều người tại đây làm 8 người thiệt mạng. Cả 3 kẻ khủng bố đã bị cảnh sát nổ súng tiêu diệt ngay tại chỗ. Nhà chức trách Anh đã xác định danh tính của chúng là: Khuram Butt - 27 tuổi, người Anh sinh tại Pakistan; Rachid Redouane, 30 tuổi, tự nhận là công dân hai quốc tịch Maroc và Libya; và Youssef Zaghba, 22 tuổi, quốc tịch Italy gốc Maroc. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã nhận thực hiện vụ tấn công./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực