Ngày này năm xưa: 05/12

Thứ năm, 05/12/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 05/12/2003, Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) khai mạc tại Hà Nội. SEA Games 22 tổ chức từ ngày 5 - 13/12/2003 với khẩu hiệu chính thức: "Đoàn kết, hợp tác vì hòa bình và phát triển". Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một kỳ đại hội, với 32 môn thi đấu. Việt Nam đứng đầu Bảng tổng sắp với 346 huy chương.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 05/12/1997: Ra mắt Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước và 18 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam. Hoạt động của Tổ chức Nghị sĩ Việt Nam hữu nghị với các nước và 18 Nhóm Nghị sĩ hữu nghị của Quốc hội Việt Nam góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước, phù hợp với phương thức hoạt động ngoại giao Nghị viện vừa mang tính chất Nhà nước, vừa mang tính chất Nhân dân.

- Ngày 05/12/1986: Đại tướng Lê Trọng Tấn qua đời tại Hà Nội, hưởng thọ 72 tuổi. Hơn 40 năm hoạt động cách mạng liên tục, dù ở cương vị nào, Đại tướng Lê Trọng Tấn cũng luôn trung thành với lý tưởng cách mạng, với Đảng, với Nhân dân. Đồng chí là một trong những chiến sĩ cộng sản kiên trung; nhà quân sự mưu lược, sáng tạo và quyết đoán, người thực hiện xuất sắc những ý đồ chiến lược quân sự của Đảng và Bác Hồ; nhà chiến lược quân sự có tầm nhìn xa trông rộng nhưng cũng rất cụ thể và là người chỉ huy đức độ, hết lòng thương yêu bộ đội. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Trọng Tấn gắn liền với quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, từ một đội quân du kích trở thành một đội quân chính quy với nhiều binh chủng và quân chủng.

 Khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) tại Hà Nội. (Ảnh: vtv.vn)

- Ngày 05/12/2003: Khai mạc Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 22 (SEA Games 22) tại Hà Nội. SEA Games 22 tổ chức từ ngày 5 - 13/12/2003 với khẩu hiệu chính thức: "Đoàn kết, hợp tác vì hòa bình và phát triển". Đây là lần đầu tiên Việt Nam đăng cai tổ chức một kỳ đại hội, với 32 môn thi đấu. Việt Nam đứng đầu Bảng tổng sắp với 346 huy chương.

- Ngày 05/12/2013: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã quyết định đưa đờn ca tài tử Nam Bộ, một loại hình nghệ thuật truyền thống của miền sông nước phía Nam Việt Nam, vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của tổ chức này cùng với 14 di sản khác của các nước trên thế giới.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 05/12: Ngày Tình nguyện Quốc tế được Đại hội đồng Liên hợp quốc lựa chọn kỷ niệm kể từ năm 1985. Đây là ngày mà các tình nguyện viên được công nhận và tinh thần tình nguyện được phát huy ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế. Ngày kỷ niệm này nhằm nêu bật tầm quan trọng của các giải pháp mà các tình nguyện viên đưa ra đối với những thách thức của thời đại chúng ta.

 Ngày Đất Thế giới được kỷ niệm nhằm thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của đất tốt. (Ảnh: IT)

- Ngày 05/12: Ngày Đất Thế giới được kỷ niệm nhằm thu hút sự chú ý đến tầm quan trọng của đất tốt và ủng hộ việc quản lý bền vững tài nguyên đất.

Năm 2002, Hiệp hội Khoa học Đất Quốc tế (IUSS) đã đề xuất thành lập một ngày quốc tế để tôn vinh đất. Hội nghị của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã nhất trí thông qua Ngày Đất Thế giới vào tháng 6/2013 và yêu cầu thông qua chính thức ngày này tại Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 68. Vào tháng 12/2013, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã tuyên bố ngày 5/12/2014 là Ngày Đất Thế giới đầu tiên.

- Ngày 05/12/1492: Nhà thám hiểm Christopher Columbus trở thành người châu Âu đầu tiên đặt chân lên đảo Hispaniola, nay thuộc 2 quốc gia Haiti và Cộng hòa Dominica. Ngày nay, người dân 2 quốc gia này lấy ngày 05/12 hàng năm làm Ngày Khám phá.

- Ngày 05/12/1791: Wolffgang Amadeus Mozart qua đời. Ông là nhạc sĩ, nhà soạn nhạc thiên tài người Áo. Ông để lại một di sản âm nhạc đồ sộ và vô giá, với 626 tác phẩm lớn nhỏ, trong đó có 24 vở Opera nổi tiếng, 50 bản giao hưởng…

- Ngày 05/12/1901: Walt Disney sinh ra tại Chicago (tiểu bang Illinois, Mỹ). Ông là họa sĩ, đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Mỹ. Ngoài việc là “cha đẻ” của chuột Mickey và “xứ sở kỳ diệu nhất thế giới” Disneyland, ông còn là một trong những người tiên phong trong việc phát triển công nghệ làm phim hoạt hình. Điểm khởi đầu của ông chính là Bạch Tuyết và bảy chú lùn (Snow White and the Seven Dwarfs) vào năm 1937 - bộ phim hoạt hình dài đầu tiên trong lịch sử nhân loại./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực