Ngày này năm xưa: 05/6

Thứ tư, 05/06/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 05/6/1911, tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, khi đó mới vừa tròn 21 tuổi, đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche Tréville bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 05/6/1862: Triều đình Huế đã ký với Pháp một vǎn bản gọi là "Hiệp ước hoà bình và hữu nghị". Hiệp ước này quy định triều đình Huế phải nhượng hẳn cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Bộ (gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hoà) và đảo Côn Lôn; bồi thường chiến phí cho Pháp 4 triệu đô la; mở các cửa biển Đà Nẵng, Ba Lạt, Quảng Yên cho Pháp và Tây Ban Nha tự do buôn bán. Pháp sẽ trả thành Vĩnh Long cho triều đình Huế khi nào ngừng phong trào chống Pháp ở 3 tỉnh miền Đông. Thực chất của bản Hiệp ước này là thực dân Pháp âm mưu thôn tính nước ta từng phần.

Bến cảng Nhà rồng - nơi Bác Hồ rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước. (Ảnh tư liệu) 

- Ngày 05/6/1911: Tại Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn - Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành, khi đó mới vừa tròn 21 tuổi, đã lên chiếc tàu mang tên Amiral Latouche Tréville bắt đầu cuộc hành trình đi ra thế giới tìm con đường mới để cứu nước, cứu dân. Trong hành trình 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, bàn chân của Người đã in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Người hòa mình vào cuộc sống của những người lao động, làm bất cứ việc gì để sống và hoạt động. Vừa làm, Người vừa tranh thủ học tập, nghiên cứu…

Sau này, khi được hỏi về chuyến đi ngày 05/6/1911, Bác đã trả lời một nhà báo Nga như sau: “Khi tôi độ mười ba tuổi, lần đầu tiên tôi được nghe ba chữ Pháp Tự do, Bình đẳng, Bác ái... Tôi rất muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những chữ ấy”. Trả lời một nhà văn Mỹ cũng về câu hỏi này, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Sự kiện Ngày 05/6/1911 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh vì sự sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam. Đây không chỉ là sự kiện đánh dấu sự khởi đầu của quá trình đi ra thế giới tìm được con đường cứu nước, cứu dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là sự kiện mở ra quá trình Việt Nam từng bước hội nhập vào dòng tiến hóa theo xu thế mới của nhân loại dưới sự dẫn dắt của Người.

- Ngày 05/6/1976: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tuyên bố khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và có quyền bảo vệ chủ quyền đó.

- Ngày 05/6/1984: Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố quy định về vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:

1. Vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là khoảng không gian ở trên đất liền, nội thủy, lãnh hải và các hải đảo Việt Nam và thuộc chủ quyền hoàn toàn và riêng biệt của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Các chuyến bay của các phương tiện bay nước ngoài chỉ được thực hiện trong vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trên cơ sở các Điều ước hàng không hoặc các thỏa thuận giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với nước ngoài, hoặc sau khi đã được phép của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nếu là chuyến bay bất thường.

3. Các phương tiện bay nước ngoài được bay vào trong vùng trời nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo quy định trên đây phải bay theo những đường bay quốc tế hoặc đường bay khác do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam quy định và được hạ cánh ở những sân bay mở cho máy bay nước ngoài hoặc sân bay khác do các cơ quan có thẩm quyền Việt Nam quy định.

4. Khi bay trong vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các phương tiện bay nước ngoài phải tuyệt đối tuân theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phải chịu sự kiểm soát và hướng dẫn về mọi mặt của các nhà đương cục có thẩm quyền Việt Nam và tuyệt đối không được tiến hành dưới bất cứ hình thức nào những hoạt động xâm phạm đến chủ quyền và an ninh hoặc gây hại tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Cấm sử dụng bất cứ phương tiện gì, dưới bất cứ hình thức nào, để bắn, phóng, thả bất cứ thứ gì từ bên ngoài vào vùng trời hoặc qua vùng trời vào đất liền, nội thủy, lãnh hải và hải đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam, hoặc cản trở giao thông trong vùng trời của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

6. Mọi hành động vi phạm những nguyên tắc của bản tuyên bố này hay các luật lệ quy định khác có liên quan sẽ bị xử lý theo pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

7. Các vấn đề liên quan đến vùng trời Việt Nam sẽ được quy định cụ thể trên cơ sở bản tuyên bố này và trên nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Sự kiện quốc tế:

 Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự sống của tất cả chúng ta. (Ảnh: Khánh Linh)

- Năm 1972, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã quyết định chọn ngày 05/6 để kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới và giao cho Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) có trụ sở tại Nairobi (Kenya) tổ chức kỷ niệm sự kiện này. Ngày này cũng đánh dấu ngày khai mạc Hội nghị Stockholm về Môi trường con người (05/6/1972) và là ngày ra đời của Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc.

Mỗi năm, Liên hợp quốc chọn một thành phố làm nơi tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Môi trường Thế giới. Chính phủ và thành phố nước chủ nhà sẽ hợp tác với UNEP tạo ra bầu không khí cho sự kiện này. Chủ đề, khẩu hiệu và logo sẽ được chọn để làm trọng tâm cho các tài liệu tuyên truyền về Ngày Môi trường Thế giới, cũng như các hoạt động cổ động trên toàn cầu.

Ngày Môi trường Thế giới được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1972 và đã phát triển theo thời gian để trở thành một trong những phương tiện truyền thông chính mà qua đó Liên hợp quốc tăng cường nhận thức về môi trường trên toàn thế giới và khuyến khích các hành động chính trị. Đây là một sự kiện thường niên với mục đích khơi gợi các hoạt động môi trường tích cực nhất có thể trên phạm vi toàn thế giới, thu hút sự chú ý của công chúng đến các vấn đề môi trường.

Ngày Môi trường Thế giới cũng là một cơ hội cho mọi người từ tất cả các tầng lớp xã hội tập hợp lại với nhau để cùng xây dựng một tương lai sạch hơn, xanh hơn và tươi sáng hơn cho bản thân và các thế hệ tương lai.

Trong ngày kỷ niệm này, rất nhiều hoạt động được tổ chức với hình thức đa dạng, phong phú. Đây là sự kiện thu hút sự tham gia của đông đảo người dân vào các hoạt động như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp, các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi tại trường học, trồng cây, chiến dịch tái chế chất thải và làm sạch môi trường...

Thêm vào đó, Ngày Môi trường Thế giới cũng hướng tới các hoạt động phổ biến kiến thức hữu ích như tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, các diễn đàn,... về vấn đề môi trường. Thông qua các hoạt động này, nhiều sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả đã được trao đổi và ứng dụng vào thực tế trong công tác bảo vệ môi trường.

Đây cũng là dịp để thúc đẩy việc ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đồng thời, tăng cường sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Với ý nghĩa thiết thực và nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, Ngày Môi trường Thế giới ngày càng thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bằng chứng có thể thấy rõ là số nước hưởng ứng sự kiện này ngày càng tăng; danh sách các thành phố, các doanh nghiệp và cộng đồng hưởng ứng ngày càng nhiều.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực