Ngày này năm xưa: 06/6

Thứ năm, 06/06/2024 08:30
(ĐCSVN) - Ngày 06/6/1969, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là Bác sĩ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên), cụ Nguyễn Đóa cùng 7 Bộ trưởng.

Sự kiện trong nước:

- Ngày 06/6/1887: Ngày mất nhân sĩ yêu nước Mai Xuân Thưởng.

Mai Xuân Thưởng (sinh năm 1860) là một sĩ phu yêu nước tiến bộ, lãnh tụ của phong trào Cần Vương ở Bình Định. Xuất thân và được đào tạo trong môi trường Nho giáo, thuyết trung quân luôn ràng buộc ông. Nhưng đứng trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân phải sống dưới gót giày quân xâm lược, ông đã đứng về phía nhân dân, thể hiện ý chí đánh Pháp cứu nước, bảo vệ quê hương. Nghĩa quân nhiều vùng trong Bình Định đã nhất trí suy tôn ông làm nguyên soái, nêu cao khẩu hiệu "Tiền sát tả, hậu đả Tây". Khi phong trào Cần Vương bị thất bại, biết không thể dụ hàng được Mai Xuân Thưởng, ngày 06/6/1887, ông bị xử trảm. Thi hài ông được nhân dân mai táng tại quê nhà (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành).

- Ngày 06/6/1947: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 58/SL đặt 3 loại huân chương: Sao Vàng, Hồ Chí Minh, Độc Lập, do Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra sắc lệnh tặng (hoặc truy tặng) cho đoàn thể và những người có công với nước, với dân, hoặc các nhân vật người nước ngoài có công với nước Việt Nam.

Huân chương Sao Vàng chỉ có 1 hạng "để tặng những người có công đức vĩ đại với dân tộc".

Huân chương Hồ Chí Minh có 3 hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba "để tặng những người có tài có đức, có công với dân tộc".

Huân chương Độc Lập có 3 hạng: hạng nhất, hạng nhì, hạng ba "để tặng những người có công đặc biệt trong việc cứu quốc hoặc kiến quốc".

Các đại biểu biểu quyết nhất trí bầu ra Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Hội đồng cố vấn Chính phủ, 6/1969. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử quốc gia) 

- Ngày 06/6/1969: Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch là Bác sĩ Phùng Văn Cung (kiêm Bộ trưởng Bộ Nội Vụ), Giáo sư Nguyễn Văn Kiết (kiêm Bộ trưởng Giáo dục và Thanh niên), cụ Nguyễn Đóa cùng 7 Bộ trưởng. Bên cạnh đó còn có Hội đồng cố vấn do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch; Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch và 11 ủy viên.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời là cơ quan quyền lực cao nhất đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân miền Nam, có nhiệm vụ điều hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đi đến thắng lợi cuối cùng. Ngay khi tuyên bố thành lập, Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các nước anh em và bạn bè trên thế giới; đã có 23 nước công nhận Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, trong đó có 21 nước đặt quan hệ ngoại giao ở cấp đại sứ.

Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã công bố chương trình hành động 12 điểm nhằm động viên toàn quân, toàn dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 06/6/1799: Ngày sinh của Đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin. Ông là biểu tượng của dòng văn học lãng mạn Nga thế kỷ 19. Puskin mở đầu cho thời kỳ hoàng kim trong văn học Nga và rọi sáng đường đi cho nhiều lớp người kiệt xuất trên đất Nga. Sáng tác của ông được dịch ra hàng trăm thứ tiếng và mỗi năm ông lại có thêm nhiều độc giả mới.

Với những đóng góp lớn trong việc phát triển ngôn ngữ văn học Nga hiện đại, đồng thời có nhiều cống hiến trong sự đa dạng hóa ngôn ngữ văn chương, A.S. Pushkin đã được tôn vinh là “Mặt trời thi ca Nga’’. Ông mất năm 1837.

Chân dung Đại thi hào Aleksandr Sergeyevich Pushkin. (Ảnh: IT) 

- Ngày 06/6/1944: Quân Đồng minh vượt qua eo biển Manche và đổ bộ lên bãi biển Normandie nhằm đánh chiếm bãi biển Normandy của Pháp từ tay phát xít Đức. Cuộc đổ bộ chứng kiến số lượng khổng lồ binh sĩ và khí tài, đánh dấu sự khởi đầu cho chiến dịch giải phóng Tây Âu trong giai đoạn cuối Thế chiến II.

Chiến dịch đổ bộ được coi là lớn nhất trong lịch sử này đã giúp mở đường cho quân đồng minh từ đất Anh vượt qua eo biển Manche, cùng với Hồng quân Liên Xô tiến vào giải phóng châu Âu./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực