Ngày này năm xưa: 07/5

Thứ ba, 07/05/2024 08:30
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Ngày 07/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. Đây là bản anh hùng ca của cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”

Sự kiện trong nước:

- Ngày 07/5/1948: Thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam tại chiến khu Việt Bắc nhằm mục tiêu trước mắt là đoàn kết tất cả những người làm công tác vǎn học, nghệ thuật phục vụ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xây dựng đất nước. Đến nay, ở 53 tỉnh, thành phố đều có hội văn nghệ và chung cả nước có Ủy ban Trung ương Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam.

 Chiều 07/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)

- Ngày 07/5/1954: Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng. 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ tham mưu của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị bắt sống. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch chạy về Thượng Lào. Đến 24 giờ, toàn bộ quân địch đã đầu hàng. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng!

Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt,” chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, loại khỏi vòng chiến đấu và bắt sống toàn bộ quân địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 xe và toàn bộ vũ khí, kho tàng, quân trang, quân dụng của địch.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tạo cơ sở căn bản và quyết định cho việc đi đến ký kết Hiệp định Geneva về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã đánh dấu chấm hết cho sự ngoan cố, hiếu chiến của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ trên bàn Hội nghị, buộc Chính phủ Pháp cùng các bên tham dự phải ngồi vào bàn nghị sự, ký Hiệp định Geneva đình chỉ chiến sự ở Việt Nam ngày 21/7/1954. Đây cũng là chiến thắng quyết định thắng lợi của ta trên mặt trận ngoại giao, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mở ra giai đoạn cách mạng mới, đưa miền Bắc quá độ lên chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng Điện Biên Phủ đưa đến kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đã tạo ra những thay đổi căn bản trên tất cả các lĩnh vực: kinh tế, chính trị, quân sự, văn hóa, ngoại giao... cho cách mạng Việt Nam và mở đầu một giai đoạn mới: miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội, miền Nam tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Những thành tựu xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng như những đóng góp của hậu phương miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam đã củng cố niềm tin của Nhân dân hai miền vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến. Phát huy tinh thần chiến thắng Điện Biên Phủ - “độc lập, tự chủ, quyết chiến, quyết thắng,” vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ và đội quân chư hầu, giải phóng và thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Chiến thắng Điện Biên Phủ khẳng định đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo của Đảng và sự lớn mạnh, trưởng thành của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh chân lý: Trong thời đại ngày nay, một nước nhỏ, kinh tế chậm phát triển nếu có một đảng mác xít chân chính lãnh đạo với đường lối chính trị, quân sự đúng đắn, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc, được nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ thì nhất định đánh thắng mọi kẻ thù, dù có tiềm lực kinh tế, quân sự mạnh hơn gấp nhiều lần. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ cũng cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ 34 chiến sỹ với vũ khí thô sơ năm 1944, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quân đội ta đã không ngừng lớn mạnh, càng đánh càng trưởng thành. Đây là cơ sở để sau này, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, vững tin, dám đánh, biết đánh, quyết đánh và đánh thắng đế quốc Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Chiến thắng Điện Biên Phủ chấm dứt sự đô hộ của chủ nghĩa thực dân Pháp ở ba nước Đông Dương, mở đầu quá trình sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới. Chiến thắng Điện Biên Phủ thức tỉnh và cổ vũ các dân tộc bị áp bức trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập, tự do; buộc chính quyền Pháp phải chấm dứt chính sách cai trị thực dân, tiến hành trao trả độc lập cho nhiều nước ở châu Á và châu Phi, đồng thời xem xét lại vị thế và các chính sách của mình đối với các nước vốn là thuộc địa cũ. Việt Nam là nước tiên phong, là biểu tượng sáng ngời trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, đánh đổ chủ nghĩa thực dân cũ, mở ra trang sử mới cho nhân loại, góp phần làm thay đổi cục diện thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ trở thành “cột mốc vàng” của lịch sử dân tộc Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc và phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới.

- Ngày 07/5/1955: Bộ Quốc phòng ra Nghị định số 284/NĐ-A thành lập Cục Phòng thủ bờ bể, là “cơ quan giúp Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các lực lượng phòng thủ bờ bể, tổ chức đào tạo cán bộ, nhân viên thủy thủ; sản xuất, sửa chữa dụng cụ, phương tiện về thủy quân; xây dựng các thủy đội để bàn giao cho các khu và liên khu làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các vùng sông, biển”. Ngày 7/5/1955 trở thành mốc lịch sử đánh dấu sự ra đời của Hải quân Nhân dân Việt Nam.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân nhân dân đã anh dũng chiến đấu, mưu trí sáng tạo, bắn rơi nhiều máy bay, bắn cháy, đánh chìm nhiều tàu địch, góp phần đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ; làm thất bại cuộc phong tỏa chiến lược bằng thủy lôi của Mỹ đối với miền Bắc; mở đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho cách mạng miền Nam; sáng tạo ra cách đánh đặc công hải quân độc đáo; có hiệu suất chiến đấu cao. Hải quân nhân dân Việt Nam đã tham gia vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, trong đó nổi bật đã phối hợp lực lượng của Quân khu 5, mưu trí, táo bạo, bất ngờ, giải phóng quần đảo Trường Sa, giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần vào thắng lợi trọn vẹn, vĩ đại của dân tộc.

Trải qua 69 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Hải quân bằng mồ hôi, công sức và cả xương máu của mình nối tiếp nhau xây đắp và tô thắm truyền thống vẻ vang “Chiến đấu anh dũng; mưu trí, sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến, quyết thắng”. Hải quân nhân dân Việt Nam đã lập nhiều thành tích, chiến công xuất sắc và đặc biệt xuất sắc, có những chiến công như huyền thoại, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Sự kiện quốc tế:

Nhạc sĩ Pyotr Ilyich Tchaikovsky 

- Ngày 07/5/1840: Pyotr Ilyich Tchaikovsky sinh ra ở Votkinsk, miền Uran trong một gia đình kỹ sư mỏ. Ông được chăm sóc và phát triển nǎng khiếu âm nhạc từ nhỏ. Nǎm 19 tuổi, tốt nghiệp trường luật, làm việc ở bộ luật pháp nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian cho âm nhạc, chơi đàn piano. Nǎm 22 tuổi, Tchaikovsky học ở Nhạc viện Peterbursg. Sau 3 nǎm học tập, tốt nghiệp với huy chương vàng, sau đó là giáo sư Nhạc viện Moscow (1866 - 1878), ông đã đi biểu diễn ở nhiều nước. Tchaikovsky không những là nhạc sĩ Nga vĩ đại mà còn là nhạc sĩ lớn của thế giới. Sáng tác của ông chiếm một vị trí đặc biệt trong nền âm nhạc Nga và châu Âu cuối thế kỷ XIX. Những tác phẩm âm nhạc của Tchaikovsky là một trong những điển hình của âm nhạc hiện thực thế giới. Là nhà giao hưởng lỗi lạc, nhà soạn nhạc kịch trữ tình thiên tài, Tchaikovsky đã sáng tác những tác phẩm kiệt xuất thuộc nhiều thể loại âm nhạc. Tác phẩm chính của Tchaikovsky gồm có: 10 vở opera, trong đó có "Eugene Onegin" (1878), "Con đầm Pích" (1890); 3 vở ba lê: "Hồ thiên nga" (1876), "Người đẹp ngủ trong rừng" (1889), "Cái kẹp hạt dẻ" (1892); 6 bản giao hưởng; rất nhiều tiểu phẩm cho piano và hàng trăm giai điệu... Giữa lúc thiên tài âm nhạc của Tchaikovsky đang nở rộ thì ông mắc bệnh tả và mất ở Peterbursg ngày 6/11/1893, khi ông mới 53 tuổi. Từ năm 1958, ở Moscow diễn ra cuộc thi âm nhạc quốc tế mang tên Tchaikovsky./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực