Sự kiện trong nước
- Ngày 10/2/1913: Ngày mất Hoàng Hoa Thám - lãnh tụ của nông dân Yên Thế chống thực dân Pháp. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế do người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám lãnh đạo là cuộc khởi nghĩa nông dân kéo dài nhất trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gây cho Pháp nhiều tổn thất. Đến ngày 10/2/1913, Hoàng Hoa Thám bị giặc sát hại, cuộc khởi nghĩa tuy bị dập tắt song đã để lại một trang sử hào hùng về truyền thống, chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý vào kho tàng lịch sử quân sự Việt Nam, đặc biệt là những nét độc đáo về chiến tranh du kích về xây dựng lực lượng, căn cứ làng xã chiến đấu liên hoàn trên một địa bàn rộng khắp.
|
Tượng đài người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám tại khu vực Trung tâm của khu di tích khởi nghĩa Yên Thế. Ảnh: Long Vân |
- Ngày 10/2/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ tọa Hội nghị Điền chủ tại tỉnh Ninh Bình. Trong bài phát biểu, Bác đã nói: "Đồng bào tản cư, di cư đã vì lòng yêu nước không chịu theo giặc, tiêu thổ kháng chiến, hy sinh nhà cửa, tài sản quê hương sơ tán về hậu phương để tiếp tục kháng chiến chống giặc xâm lược. Đồng bào ở địa phương có nhiệm vụ ân cần đón tiếp, chăm sóc, giúp đỡ bà con nhanh chóng có nơi ăn, ở, sản xuất..." và bằng uy tín của mình, Bác Hồ đã vận động và động viên các điền chủ, thương gia ủng hộ kháng chiến cả về vật chất (gồm tiền, vàng, lương thực...) và công ăn việc làm cho đồng bào tản cư, di cư.
- Ngày 10/2/1948 là ngày mồng Một Tết Mậu Tý, Bác Hồ động viên cả nước bước vào năm thứ hai của cuộc kháng chiến bằng bài thơ: “Năm Hợi đã đi qua/Năm Tý vừa bước tới/ Gửi lời chúc đồng bào/Kháng chiến được thắng lợi/Toàn dân đại đoàn kết/Cả nước dốc một lòng/Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công”.
Cũng trong ngày này, bác khai bút bằng bài “Thanh niên phải làm gì?” đăng trên Báo Nhân Dân. Trong đó, Bác căn dặn: “Thanh niên cần phải có chí tự động, tự cường, tự lập. Phải có khí khái ham làm việc, chứ không ham địa vị. Phải có quyết tâm, đã làm việc gì thì làm cho đến nơi đến chốn, làm cho kỳ được. Phải có lòng ham tiến bộ, ham học hỏi, học luôn, học mãi. Học văn hóa, học chính trị, học nghề nghiệp. Phải có lòng kiên quyết tham gia kháng chiến để tranh cho kỳ được thống nhất và độc lập, dân chủ và tự do. Như thế, mới xứng đáng thanh niên là chủ nhân tương lai của nước nhà”.
- Ngày 10/2/1967 là mồng 2 Tết Đinh Mùi, thăm Hợp tác xã Tảo Dương (Thanh Oai, Hà Tây) và phát biểu về vai trò của Đảng, Bác nhấn mạnh “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên. Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: Mình vào Đảng để làm đày tớ cho nhân dân… Làm đày tớ nhân dân chứ không phải làm “quan” nhân dân”. Lời dạy của Người có ý nghĩa rất quan trọng, là kim chỉ nam trong công tác xây dựng Đảng, đồng thời là cơ sở để người đảng viên xác định tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với Đảng, với nhân dân, góp phần khắc phục những khuyết điểm đang tồn tại trong một bộ phận cán bộ, đảng viên.
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh dự Hội nghị Điền chủ tại tỉnh Ninh Bình . Ảnh tư liệu |
- Ngày 10/2/1998: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 151/QĐ-QP về thành lập Đoàn Quốc phòng - Kinh tế Mường Chà (phiên hiệu Đoàn 22-12) tương đương cấp Lữ đoàn, trực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 2. Đến ngày 19/5/1999, Đoàn 22-12 được đổi phiên hiệu thành Đoàn 379. Ngày 22/6/1999, Đoàn 379 được nâng cấp tương đương cấp sư đoàn. Đây là đơn vị kinh tế - quốc phòng đầu tiên của quân đội được thành lập, thực hiện đầy đủ ba chức năng của quân đội, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, gắn giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố thế trận quốc phòng - an ninh ở địa bàn chiến lược Tây Bắc của Tổ quốc.
Trải qua 26 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ đảng viên, cán bộ, nhân viên, chiến sĩ thuộc Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 379 luôn chủ động, sáng tạo khắc phục mọi khó khăn, vươn lên hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ, xây dựng đảng bộ trong sạch vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân và lực lượng vũ trang quân khu vững mạnh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Sự kiện quốc tế
- Ngày 10/2/1837: Ngày mất của Alêcxăng Sécghêvích Puskin. Ông là nhà thơ cổ điển Nga nổi tiếng, đặt nền móng cho vǎn học hiện thực Nga thế kỷ XIX . Các tác phẩm tiêu biểu của ông: Tập truyện thơ "Épghêni Ônhêghin", các tiểu thuyết "Người con gái viên đại uý", "Bôrít Gôđunốp", "Con đầm Pích" đã được xuất bản bằng hơn 90 thứ tiếng với số lượng hàng trǎm triệu bản.
- Ngày 10/2/1923: Ngày mất nhà vật lý lỗi lạc người Đức Wilhelm Conrad Röntgen. Nǎm 1895, ông tìm ra tia X - tia Röntgen. Tia X sớm được sử dụng trong y học để chẩn đoán điều trị bệnh và trong công nghệ để làm phương tiện kiểm tra. Việc tìm ra tia X đã giúp cho vật lý nguyên tử tiến một bước quan trọng và có nhiều tác dụng rộng rãi, vững chắc trong đời sống và khoa học.
- Ngày 10/2/2006: Ngày khai mạc Thế vận hội Mùa đông 2006 tại Torino, Ý. Đây là Thế vận hội Mùa đông thứ 20, diễn ra từ ngày 10 tháng 2 đến 26 tháng 2 năm 2006. Có 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia trong Thế vận hội này với khoảng 2.600 vận động viên và 2.500 quan chức. Ngoài ra còn có khoảng 650 trọng tài. Tổng cộng có 84 bộ huy chương được trao.