Sự kiện trong nước:
- Ngày 12/9/1921: Ngày sinh Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước quê ở Ô Môn, Cần Thơ. Ông là ngôi sao sáng của nền âm nhạc cách mạng với nhiều bài hát đi vào lòng người: Lên đàng, Tiếng gọi thanh niên, Giải phóng miền Nam, Dưới cờ Đảng vẻ vang, Thanh niên ba sẵn sàng, Tiến về Sài Gòn, Tình Bác sáng đời ta… Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước còn là một nhà lãnh đạo, nhà quản lý tâm huyết. Ông từng giữ các chức vụ: Phó Giám đốc Công binh xưởng Nam Bộ, Tổng Thư ký Ủy ban kháng chiến miền Nam Việt Nam, Phó trưởng phòng Bộ Nội vụ, Trưởng đoàn Tuyên truyền xung phong thiếu nhi nghệ thuật ở khu 10 và khu 1 thuộc Bộ Giáo dục, giáo viên, Giám đốc Trường Văn hóa thiếu nhi, Trưởng ban thường vụ Tổng đoàn Thanh niên Việt Nam, cán bộ phụ trách sản xuất đĩa hát Việt Nam ở Thượng Hải, Trưởng ban nghiên cứu âm nhạc, Vụ trưởng Âm nhạc và Múa của Bộ Văn hóa, Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Bộ trưởng Bộ Văn hóa Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước mất ngày 8/6/1989.
- Ngày 12/9/1927: Ngày sinh Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Xuân Ẩn, tên thật là Phạm Văn Thành, là một Thiếu tướng tình báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời hoạt động của ông gắn liền với các biệt danh X6, Trần Văn Trung hay Hai Trung... Ông từng là nhà báo và phóng viên cho các tờ Reuters, tạp chí TIME, New York Herald Tribune, The Christian Science Monitor... Ông được nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân ngày 15/01/1976.
|
Thiếu tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp. (Ảnh tư liệu) |
Ngoài ra ông còn được Nhà nước trao tặng nhiều Huân chương cao quý khác trong đó có: Huân chương Độc lập hạng Nhì; Huân chương Quân công hạng Ba; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng nhất; Huân chương Chiến công (1 hạng Nhất; 2 hạng Nhì; 1 hạng Ba); Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ Quyết thắng; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.
- Ngày 12/9/1945: Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam. Ngày 12/9/1945, tổ chức mật mã đầu tiên được thành lập, gọi là Ban Mật mã quân sự (tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam ngày nay), đặt tại cơ quan Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.
|
Chương trình “Vinh quang thầm lặng 2024” kỷ niệm 79 năm Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2024). (Ảnh:cand.com.vn) |
Trải qua 79 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Ðảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, được sự quan tâm, giúp đỡ tận tình của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và nhân dân, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, đơn vị, ngành Cơ yếu Việt Nam đã phát huy truyền thống vẻ vang, luôn đoàn kết, chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời, thông tin thông suốt phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ðảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang qua các giai đoạn cách mạng, góp phần to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được Ðảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý.
Sự kiện quốc tế:
- Ngày 12/9/1959: Liên Xô phóng tàu vũ trụ Luna 2 lên Mặt Trăng từ sân bay vũ trụ Baykonur, Kazakhstan. Luna 2 (E-1A series) là tàu vũ trụ thứ hai của Liên Xô được phóng về phía Mặt Trăng. Đây là lần đầu tiên một tàu vũ trụ của con người tiếp cận đến Mặt Trăng. Nó đáp xuống bề mặt phía Tây của Mặt Trăng, gần các miệng núi lửa như Aristides, Archimedes, và Autolycus.
- Ngày 12/9/2018: Hàn Quốc xóa bỏ chế độ Thiết quân luật./.