Ngày này năm xưa: 13/6

Thứ năm, 13/06/2024 08:15
(ĐCSVN) - Ngày 13/6/1927 là ngày mất của Lương Vǎn Can - nhà giáo mẫu mực, một trí thức lớn, một người yêu nước thiết tha, một nhân sĩ nổi tiếng... Đây cũng là ngày diễn ra nhiều sự kiện quan trọng, như: Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệnh nghĩa vụ lao động trong thời chiến, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất…

Sự kiện trong nước:

- Ngày 13/6/1927 là ngày mất của Lương Văn Can - nhà giáo mẫu mực, một trí thức lớn, một người yêu nước thiết tha, một nhân sĩ nổi tiếng vì có nhãn quan chính trị mới mẻ, sâu rộng, ông vừa dạy học, vừa tuyên truyền tư tưởng đánh Pháp cứu nước trong quần chúng. Ông sinh năm 1854 trong một gia đình nghèo ở xã Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Đông (nay là Hà Nội). Ông được xem là nhà giáo dục, nhà yêu nước lớn của nước ta đầu thế kỷ XX.

Trường Đông Kinh nghĩa thục (ngôi nhà có 3 vòm cửa màu trắng) tại phố Hàng Đào, Hà Nội đầu thế kỷ XX. 

Năm 20 tuổi ông đỗ cử nhân và dạy học ở Hà Nội. Năm 1907, Lương Văn Can cùng với một số sĩ phu yêu nước tiến bộ thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Trường tổ chức nhiều hoạt động truyền bá tư tưởng yêu nước, nâng cao dân trí, phát triển và cổ xúy văn hóa dân tộc theo xu hướng mới. Trước ảnh hưởng to lớn của Đông Kinh Nghĩa Thục, thực dân Pháp hoảng sợ đã ra lệnh đóng cửa trường vào cuối năm 1907, bắt giam Lương Văn Can và một số giáo viên. Ông bị giặc xử phạt 10 năm tù và đầy đi biệt xứ sang Phnôm Pênh (Cam-pu-chia).

Sau khi được thả, Lương Văn Can tiếp tục sự nghiệp dạy học, viết nhiều sách tuyên truyền yêu nước như: "Gia huấn", "Hán tự quốc âm", "Quốc sư phạm lịch sử", "Hán tự tuyệt kính", "Ấm học tùng đàm"... Đặc biệt “Kim cổ cách ngôn” và “Thương học châm ngôn” được coi là hai cuốn sách bàn cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam. Vì thế Lương Văn Can còn được gọi là “người thầy của doanh nhân Việt Nam”...

- Ngày 13/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 198-SL, ấn định thủ tục thiết lập hoặc sửa đổi địa giới các đơn vị kháng chiến hành chính xã, huyện, tỉnh, thành phố, liên khu, trong thời kỳ kháng chiến.

- Ngày 13/6/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới nhà thương Đồn Thuỷ (nay là bệnh viện Hữu Nghị và Viện Quân y 108) và nhà thương Phủ Doãn (nay là bệnh viện Việt Đức). Tại hai bệnh viện, Bác Hồ đã ân cần hỏi thǎm người bệnh và bệnh binh động viên họ yên tâm chữa bệnh, căn dặn các thầy thuốc coi người bệnh như những người thân của mình, tận tình chữa trị cho họ.

- Ngày 13/6/1961: Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 31-LCT, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất cho ông Sôcôlốp Lêônít Ivanôvích, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviết tại Việt Nam, vì những cống hiến to lớn trong việc tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.

- Ngày 13/6/1972, Hội đồng Chính phủ ban hành Điều lệnh nghĩa vụ lao động trong thời chiến nhằm động viên mọi công dân trong tuổi lao động và có sức lao động để đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược và tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc. 

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il (trái) đón Tổng thống Hàn Quốc Kim Dae-jung tại sân bay quốc tế Sunan ở thủ đô Bình Nhưỡng (Triều Tiên) vào ngày 13/6/2000. Ảnh: Korea Times
 

Sự kiện quốc tế:

- Ngày 13/6/2000, Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ nhất đã được tổ chức, đánh dấu cột mốc quan trọng trong nỗ lực hòa giải hai miền và kiến tạo nền hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên. Kết thúc hội nghị, hai bên đã ký Tuyên bố chung./.

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực